Xòe Thái được cộng đồng người Thái gọi theo nhiều cách khác nhau như: xe, xé, xóe, xòe, múa xòe, múa Then, mố... Xòe đi vào trong tác phẩm văn chương, thi ca, trong hội họa, phim ảnh..., trở thành niềm tự hào về truyền thống văn hóa của người dân tộc Thái. Song, như nhiều di sản khác, xòe Thái cũng đang đứng trước những thách thức của thời đại, trước nguy cơ biến dạng, bị bóp méo bản chất.
Phát huy hiệu quả các đội văn nghệ
Những năm qua, tỉnh Điện Biên thường xuyên quan tâm đến việc phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa xòe Thái. Theo đó, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách, đẩy mạnh việc thành lập các đội văn nghệ thôn bản nhằm bảo vệ, phát huy nghệ thuật múa xòe.
Các học viên tham gia lớp truyền dạy nghệ thuật xòe Thái tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh (Ảnh: TL) |
Đến nay, tỉnh đã có hàng trăm đội văn nghệ thôn bản, với hàng nghìn đội viên. Các đội văn nghệ thôn bản thường xuyên tham gia trình diễn múa xòe tại các lễ hội trong bản, đi giao lưu với các đội khác ở nhiều địa phương, tỉnh thành trên cả nước. Hoạt động của các đội văn nghệ không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, mà còn là nơi truyền thụ những nét văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng mời các nghệ nhân về truyền dạy cho các đội văn nghệ ở các bản, làng người Thái nhằm trao truyền nghệ thuật múa xòe cho các thế hệ kế cận, để múa xòe được duy trì thường xuyên.
Điển hình như lớp truyền dạy nghệ thuật xòe Thái tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh với sự hướng dẫn của bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Ðiện ảnh tỉnh và Nghệ nhân dân tộc Thái Lù Thị Hiền.
Trước khi có dịch Covid-19, đều đặn mỗi ngày, gần 300 học viên ở nhiều lứa tuổi say sưa tập luyện những bài xòe. Tham gia lớp học, xóa tan mọi khoảng cách tuổi tác, mặc những trang phục dân tộc rực rỡ sắc màu, họ cùng nhau miệt mài học hỏi những điệu xòe, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn cho nhau trong tiếng nhạc dân tộc.
Hay như lớp học tại Trung tâm văn hóa tỉnh. Đây là lớp truyền dạy nghệ thuật xòe Thái thứ hai tại Điện Biên nhằm giữ gìn, phổ biến rộng rãi các điệu xòe cổ của cộng đồng dân tộc Thái đến với đông đảo cán bộ, quần chúng nhân dân trong toàn tỉnh.
Được biết, năm 2019, Trung tâm đã tổ chức thành công một lớp với 150 học viên. Lớp học thứ hai này được mở rộng hơn cả về quy mô và đối tượng tham gia, thu hút đông đảo cán bộ đoàn, đội, giáo viên các trường phổ thông, chuyên nghiệp trong tỉnh; lực lượng vũ trang và đáng chú ý là người dân hiện đang sinh hoạt trong các câu lạc bộ (CLB), bản văn hóa trên địa bàn.
Mặc dù là nam giới và còn nhỏ tuổi, việc em Lò Xuân Trường, bản Bánh, xã Thanh Xương theo học xòe cổ khiến nhiều người tò mò. Trường chia sẻ: “Một người con của dân tộc Thái mà không hiểu về xòe, em nghĩ sẽ là thiếu sót lớn, nên em đã đăng ký học. Lúc mới đầu cũng bỡ ngỡ lắm nhưng chịu khó quan sát, ghi nhớ và kiên trì đến khi hiểu về giá trị văn hóa Thái thì em đã làm được”.
Tại thị xã Mường Lay, CLB văn nghệ người cao tuổi phường Na Lay thu hút không ít các các bà, các cô, các chú tham gia.
“Các thành viên tham gia CLB được tiếp cận với 6 điệu xòe cổ. Mặc dù khó nhưng ai cũng rất cố gắng. Sau khi học hỏi ở đây về, các thành viên sẽ truyền dạy cho thế thệ trẻ tại nơi mình sinh sống, với mong muốn là trong tất cả các chương trình văn nghệ, dịp lễ, tết ở địa phương, mọi người đều có thể biểu diễn và thực hành xòe Thái”, bà Lò Thị Lả, Chủ nhiệm CLB chia sẻ.
“Sản phẩm du lịch” đặc sắc
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa, di sản nghệ thuật xòe Thái có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch văn hóa ở vùng Tây Bắc, có thể trở thành một loại hình du lịch di sản văn hoá hấp dẫn. Việc Nghệ thuật xòe Thái đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và đã được trình UNESCO xem xét ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chính là cơ hội để điệu xòe Thái trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo du khách tham gia trải nghiệm mỗi khi đến với vùng Tây Bắc.
Đồng thời, khi xòe Thái thực sự trở thành một sản phẩm du lịch sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương trong việc tiếp tục lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc trong vốn văn hoá truyền thống của cộng đồng người Thái nói riêng, tính đa dạng, đậm đà bản sắc của văn hóa Việt Nam nói chung.
Đội văn nghệ biểu diễn múa xòe phục vụ khách tham quan và trải nghiệm (Ảnh: TL) |
Thực tế chứng minh, trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu trải nghiệm văn hóa nói chung và trải nghiệm nghệ thuật biểu diễn của khách du lịch nói riêng đang ngày càng cao, phát triển du lịch cộng đồng giúp nâng cao được đời sống kinh tế, xã hội của đồng bào. Do đó, mô hình du lịch cộng đồng sẽ đem lại hiệu quả trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghệ thuật xòe Thái.
Tại Điện Biên, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng múa xòe thành sản phẩm du lịch mũi nhọn. Đến nay, múa xòe đã trở thành một “sản phẩm du lịch” thu hút khách tham quan trong và ngoài nước, không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa Thái mà còn góp phần mang lại nguồn thu nhập cho bà con trong dịch vụ du lịch cộng đồng…
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 2.000 đội văn nghệ quần chúng, CLB, bản văn hóa. Hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng ở các địa phương đã góp phần không nhỏ vào phát triển du lịch cộng đồng, gắn phong trào văn hóa - văn nghệ với phát kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Đến Ðiện Biên, du khách không chỉ tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, mà còn có thể tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc bản địa thông qua các chương trình giao lưu văn nghệ tại các điểm du lịch, các bản văn hóa, cơ sở lưu trú...
“Tham gia đội văn nghệ, chúng tôi mong muốn giữ gìn và bảo tồn văn hóa của dân tộc. Không chỉ biểu diễn vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm hay các buổi họp, sinh hoạt của địa phương, mà còn biểu diễn phục vụ du khách khi đến thăm quan du lịch. Từ những bài hát, điệu múa truyền thống, chúng tôi mong muốn giới thiệu, quảng bá cho du khách về nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Từ đó cũng giúp các thành viên có thêm thu nhập, có điều kiện mua thêm trang phục, dụng cụ luyện tập văn nghệ”, chị Lò Thị Hương, thành viên đội văn nghệ bản Noong Bua, phường Noong Bua, TP Điện Biên Phủ nói.
Theo đại diện Sở VH-TT&DL tỉnh: Phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng phong trào văn nghệ quần chúng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nghiên cứu cơ chế khuyến khích để các CLB văn nghệ, đội văn nghệ hoạt động ngày càng hiệu quả.
Đặc biệt, tỉnh sẽ có cơ chế khuyến khích để các nghệ nhân dân gian tham gia truyền dạy và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân, góp phần phát triển du lịch cộng đồng để phát triển kinh tế, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Hải Giang