Mới đây, Sở VH-TT&DL Thái Nguyên, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với UBND TP Thái Nguyên tổ chức phục dựng lễ Đại Phan của người dân tộc Sán Dìu. Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL cũng phối hợp với Sở VH-TT&DL, UBND huyện Phú Lương tổ chức xây dựng Câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Sán Dìu huyện Phú Lương nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống tốt đẹp của người Sán Dìu.
Nguy cơ mai một
Xã Cổ Lũng (huyện Phú Lương) có 2.806 hộ với gần 10.000 nhân khẩu với 25% là đồng bào Sán Dìu, tập trung chủ yếu ở 6 xóm là Đường Goòng, Cổ Lũng, Làng Phan, Làng Ngói, Làng Đông, Đồng Sang. Trong đó, xóm Làng Ngói là nơi đồng bào dân tộc Sán Dìu chiếm tới 70%.
Lễ Cấp sắc của dân tộc Sán Dìu tại Thái Nguyên (Ảnh: TL) |
Mặc dù đã hơn 75 tuổi, nhưng bà Lưu Thị Thu (xóm Làng Ngói) vẫn nhớ như in điệu Soọng cô. Bà Thu chia sẻ: “Từ khi còn trẻ, tôi thường được nghe các bà, các chị hát Soọng cô. Điệu hát ngọt ngào, vang vọng, ca ngợi về thiên nhiên, công lao cha mẹ, răn dạy con người sống có đức, có hiếu..., đáng buồn là nay gần như không còn ai biết hát Soọng cô nữa”.
Cùng chung nỗi lo như bà Thu, ông Đặng Văn Tám, một trong số ít người còn lưu giữ được trang phục dân tộc, tâm sự: “Trước đây, trang phục của đồng bào thường được mặc trong sinh hoạt hàng ngày nhưng đến nay lại trở thành của hiếm trong cộng đồng dân tộc Sán Dìu nơi đây. Hiện, chỉ có tôi và 4 người khác còn giữ được trang phục dùng để mặc trong nghi lễ Cấp sắc”.
Được biết, lễ Cấp sắc của dân tộc Sán Dìu là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc, là phong tục văn hóa đẹp từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả. Đây là một nghi lễ được duy trì thường xuyên, và như một nghi thức bắt buộc trong cộng đồng người dân tộc Sán Dìu trước đây.
Mặc dù đã được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, song nghi lễ Cấp sắc của người dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên đang đứng trước nguy cơ dần mai một bởi thầy cúng thực hiện nghi lễ này ngày càng ít, lớp trẻ ngày nay lại thờ ơ với những giá trị văn hóa của dân tộc.
Bên cạnh lễ Cấp sắc, người Sán Dìu còn có lễ hội lớn nhất là lễ Đại Phan. Với đồng bào dân tộc Sán Dìu, lễ Đại Phan có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đó là cầu an, cầu mùa, xua đuổi tà ma, dịch bệnh. Lễ hội này còn là sự tổng hòa các loại hình văn hóa đặc trưng của người Sán Dìu, từ phong tục tập quán đến các hình thức diễn xướng dân gian.
“Tuy nhiên, hơn 10 năm trở lại đây, lễ Đại Phan ít được thực hành trong cộng đồng dân tộc Sán Dìu bởi tính chất và quy mô của nghi lễ. Để có được lễ hội đúng với quy mô, nhất thiết phải có thầy cúng lên chức Đại Phan và trong nghi lễ phải mời được 12 thầy cúng cao tay, thông cáo sớ điệp đi tất cả các địa phương có người Sán Dìu sinh sống”, đại diện Trung tâm Dữ liệu di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam thông tin.
Làm “sống lại” những giá trị văn hóa truyền thống
Trước nguy cơ mai một, thời gian qua, Sở VH-TT&DL Thái Nguyên và Viện Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã tiến hành điều tra khảo sát trên địa bàn các huyện Đồng Hỷ, Phổ Yên, TP Thái Nguyên để thực hiện công tác bảo tồn lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu trên địa bàn xã Linh Sơn (TP Thái Nguyên). Theo đó, Sở VH-TT&DL Thái Nguyên, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với UBND TP Thái Nguyên tổ chức phục dựng lễ Đại Phan của người dân tộc Sán Dìu.
“Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa... đã cố gắng tái hiện, phục dựng hầu hết nghi thức cũng như những nét văn hóa đặt sắc của lễ hội Đại Phan đúng với phong tục truyền thống. Việc phục dựng và thực hành thành công lễ Đại Phan đã khơi lại mạch nguồn và khẳng định giá trị không thể mất đi của lễ Đại Phan trong đời sống văn hóa dân gian của người dân tộc Sán Dìu”, đại diện Trung tâm Dữ liệu di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam khẳng định.
Các thành viên trong CLB biểu diễn làn điệu Soọng Cô (Ảnh: TL) |
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 1278/QĐ-BVHTTDL, CLB văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Sán Dìu huyện Phú Lương đã được xây dựng, nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống tốt đẹp như: làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, nghệ thuật trình diễn dân gian và một số sinh hoạt văn hóa dân gian khác của dân tộc Sán Dìu đang có nguy cơ mai một, mất bản sắc. Qua đó, hỗ trợ giải quyết những vấn đề khó khăn trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống người Sán Dìu.
Đồng thời, CLB thu hút lớp trẻ dân tộc San Dìu tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, các phong tục tập quán mang đậm bản sắc mỗi dân tộc, các nghề thủ công truyền thống; tạo điều kiện cho cộng đồng được giao tiếp, vui chơi giải trí lành mạnh từ các giá trị văn hóa truyền thống của mình, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ phù hợp với mô hình xây dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo đó, tại xóm Làng Ngói, CLB Văn hoá, văn nghệ dân gian dân tộc tộc Sán Dìu xã Cổ Lũng đã được thành lập với 32 thành viên tham gia.
“Thành lập CLB là mong mỏi của đông đảo đồng bào dân tộc Sán Dìu trong xóm từ nhiều năm nay. Đây là niềm hy vọng để có thể khôi phục và giữ gìn được những nét văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc mình”, ông Lưu Thanh Hiền, Chủ nhiệm CLB cho hay.
Sau khi ra mắt, 5 thành viên trong Ban chủ nhiệm đã tích cực sưu tầm tài liệu, hình ảnh về đặc điểm trang phục của đồng bào trước đây nhằm tạo ra những bộ trang phục gắn liền với thực tế hơn. Bên cạnh đó, Ban chủ nhiệm cũng chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị để truyền dạy cho con cháu về tiếng nói, chữ viết trong dịp nghỉ hè. Song, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên chưa thể triển khai như dự định.
Ngoài ra, Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ VH-TT&DL) cũng phối hợp với Sở VH-TT&DL tỉnh Thái Nguyên và huyện Phú Lương tổ chức lớp tập huấn cho các thành viên trong CLB về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Đồng thời, hỗ trợ thiết bị âm thanh, kinh phí để CLB tổ chức sinh hoạt và tập luyện.
“Hiện nay, đời sống của đồng bào dân tộc Sán Dìu trên địa bàn xã vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, việc hỗ trợ của Vụ Văn hoá Dân tộc chính là nguồn động viên lớn đối với các thành viên trong CLB. Tới đây, xã sẽ huy động các nguồn xã hội hoá để hỗ trợ CLB duy trì hoạt động thường xuyên”, ông Vũ Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng nhấn mạnh.
Đại diện Bộ VH-TT&DL cho biết: Thời gian tới, Bộ sẽ nhân rộng ra các địa phương khác cùng thực hiện mô hình này để có thể trao truyền cho thế hệ trẻ, phát huy được vai trò chủ thể văn hóa trong công cuộc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của người Sán Dìu, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng từ đó tạo thêm sinh kế cho đồng bào.
Hải Giang