Được biết đến là nơi gìn giữ và bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ê Đê nhất thành phố Buôn Ma Thuột, buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi) vẫn lưu giữ được 30 ngôi nhà dài, hàng chục bộ chiêng, hàng trăm chiếc ché…
Đáng buồn, nghề truyền thống dệt thổ cẩm và đan lát của đồng bào Ê Đê nơi đây đang dần mai một, khi cả buôn có 67 hộ đồng bào Ê Đê, nhưng chỉ còn khoảng 4 - 5 người biết dệt thổ cẩm, vài người còn giữ nghề đan lát nhưng hầu hết đã lớn tuổi.
Già làng Y Nguôn Niê luôn trăn trở trước nguy cơ mai một của nghề đan gùi truyền thống (Ảnh: TL) |
Nỗi niềm của những nghệ nhân
Là một trong số rất ít người còn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống trong buôn Akô Dhông, già Amí Loan tâm sự, già biết dệt từ khi còn nhỏ, thời đó phụ nữ trong buôn ai cũng biết dệt thổ cẩm phục vụ gia đình, người dân trong vùng. Nhưng bây giờ cả buôn chỉ còn vài người giữ nghề dệt thổ cẩm.
Ông Y Pun Niê Ping, Trưởng buôn Akô Dhông nói rằng, thế hệ trẻ bây giờ không mấy mặn mà với nghề truyền thống, chẳng ai muốn học nghề. Mai này không biết có còn ai giữ nghề truyền thống này nữa không?
Còn tại xã Cư Né - nơi có nghề truyền thống dệt thổ cẩm lâu đời, với số nghệ nhân nhiều nhất huyện Krông Búk. Hiện xã có có 21 thôn, buôn với hơn 15.000 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc Ê Đê chiếm hơn 60% dân số toàn xã.
Theo tính toán của chị Hoàng Thị Niệm, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Né thì một ngày công dệt thổ cẩm chỉ được hơn 1 trăm nghìn đồng, nếu so với đi làm thuê mỗi ngày từ 2,5 - 3 trăm nghìn đồng thì rõ ràng đi làm thuê thu nhập cao hơn hẳn. Đây chính là lý do làm cho người trong độ tuổi lao động, có sức khỏe đều đi làm thuê chứ không mặn mà với làm nghề truyền thống.
Biết đan gùi từ năm 13 tuổi, mặc dù ngoài 70 tuổi nhưng già làng Y Nguôn Niê ở buôn Drah 1, xã Cư Né vẫn đan gùi mỗi ngày để giữ nghề. Tuy thu nhập không được bao nhiêu nhưng già vẫn đan vì muốn giữ nghề cha ông truyền lại.
Già làng Y Nguôn Niê kể, khoảng hơn 20 năm về trước, nghề đan gùi phát triển khá rầm rộ. Buôn nào cũng có vài ba tổ, nhóm làm nghề, và đồng bào Ê Đê xem chiếc gùi là vật “bất ly thân” trong lao động sản xuất nên nhà nào cũng có từ 5 - 7 chiếc. Tuy nhiên, ngày nay họ ít mang gùi đi rẫy, chỉ khi nào có lễ của cộng đồng hay ca hát ở địa phương mới sử dụng đến. Vì vậy, nghề này cũng dần mai một. Mỗi tháng trong xã chỉ có 1 - 2 hộ đặt mua gùi. Không làm thì mất nghề, mà làm thì thu nhập không bao nhiêu.
“Lớp trẻ ngày nay không còn ai muốn học nghề truyền thống. Bản thân già có 8 người con, nhưng cũng không vận động được con học nghề. Già cũng muốn tổ chức dạy nghề cho bà con trong buôn, cốt để giữ nghề truyền thống, nhưng không ai đến học”, già Y Nguôn Niê chia sẻ.
Nỗ lực giữ nghề truyền thống
Theo chia sẻ của ông Y Pun Niê Ping: “Gìn giữ để làm lại nghề dệt thổ cẩm, đan gùi của dân tộc Ê Đê là điều tôi luôn suy nghĩ và sợ nghề này sẽ mai một đi. Chính vì sợ nghề truyền thống mất đi nên phải mở lớp dạy các con cháu. Người già, người trẻ phải tập trung học lại để giữ nghề”.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhằm lưu giữ nghề truyền thống của cha ông mình, các nghệ nhân dệt thổ cẩm và đan gùi nơi đây đã nỗ lực truyền dạy lại cho người trẻ ở địa phương. Song, việc truyền dạy nghề chưa thực sự được lan tỏa, nhân rộng.
“Những năm qua, huyện đã hỗ trợ nhiều nghệ nhân mở các lớp tập huấn, dạy nghề thủ công truyền thống cho bà con nhưng chỉ vài buôn ở xã Cư Né, Cư Pơng là còn một số nghệ nhân gắn bó với nghề đan gùi và dệt thổ cẩm nhưng cũng rất khó khăn để giữ nghề”, bà Nguyễn Thị Hồng Anh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Búk thông tin.
Thành viên Tổ dệt thổ cẩm truyền thống buôn Mùi 2 đang dệt vải (Ảnh: TL) |
Trước tình trạng đó, các cấp chính quyền, ngành văn hóa địa phương đã có sự quan tâm, chú trọng hơn đến việc bảo tồn những giá trị, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo đó, tỉnh đã đưa đề án“Phát triển làng nghề” vào thực tiễn với mục tiêu cụ thể, phát triển hoặc phục hồi các cụm nghề có tiềm năng phát triển thành làng nghề trong tương lai, trong đó có: Cụm nghề dệt thổ cẩm tại buôn Kna (xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar), cụm nghề dệt thổ cẩm tại buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột),…
Đề án chính là cơ sở để tiếp tục nâng cao năng lực tổ chức và quản lý sản xuất, tiếp cận thị trường; thiết kế nhãn mác; hỗ trợ tham gia các hội chợ thương mại; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.
Thực hiện đề án, đồng thời khôi phục, phát triển nghề truyền thống của địa phương, giải quyết việc làm đối với lao động nông thôn, Hội LHPN huyện Krông Búk đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức lớp tập huấn dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Đây vừa là dịp để khơi dậy ngọn lửa nhiệt huyết cũng như trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng dệt những hoa văn, sản phẩm mới phù hợp với xu thế hiện đại. Sau khi hoàn thành lớp tập huấn, Hội LHPN xã Cư Né đã thành lập Tổ dệt thổ cẩm truyền thống tại buôn Mùi 2 với 25 chị em do chị Hoàng Thị Niệm, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Né làm Tổ trưởng.
“Mặc dù là công việc phụ, làm tranh thủ những lúc nhàn rỗi nhưng cũng giúp các chị em vừa có thêm nguồn thu nhập, vừa gìn giữ được nghề truyền thống của dân tộc mình. Ngoài những đơn đặt hàng do tổ nhận và khoán, mỗi tháng nhiều chị em còn dệt thêm sản phẩm để bán cho người dân trong vùng”, chị Niệm cho biết.
Theo đại diện UBND tỉnh, thời gian tới tỉnh sẽ chú trọng hơn nữa trong công tác tuyên truyền, nhất là lớp trẻ ý thức giữ gìn các nghề truyền thống dân tộc mình. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các lớp học, hỗ trợ các nghệ nhân, già làng truyền dạy cho thế hệ trẻ biết được nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.
"Thông qua đó, giới trẻ sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa văn hóa của các nghề thủ công truyền thống, từ đó lan tỏa, nhân rộng hơn nữa trong thế hệ kế cận người Ê Đê", vị đại diện nói.
Hải Giang