Pôồn pôông là lễ hội có từ rất xa xưa, có người cho rằng nó bắt nguồn từ sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”. Trong tiếng Mường, “Pôồn” có nghĩa là chơi, vờn, nhảy múa; “pôông” có nghĩa là bông, bông hoa; “Pôồn pôông” có nghĩa là nhảy múa bên hoa. Chính vì những dấu ấn rất riêng của lễ hội, trò diễn Pôồn Pôông của dân tộc Mường đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2017.
Nét đẹp văn hóa đậm chất Mường
Theo quan niệm của người Mường, lễ hội Pôồn pôông được tổ chức hằng năm vào các ngày Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Ba và Rằm tháng Bảy, hay mùa gặt gọi là lễ hội mùa mừng cơm mới nhằm cầu chúc cho mối tình chung thủy của Nàng Nga - Hai Mối, Nàng Ờm- Bồng Hương, Út Lót- Hồ Liên, để họ có dịp về Mường vui vầy cùng dân bản. Đây là các nhân vật trong 4 chuyện tình nổi tiếng của người Mường. Lễ hội có thể diễn ra từ tối đến sáng, từ sáng đến tối, có khi kéo dài tới hai ngày ba đêm.
Mọi hoạt động trong lễ hội Pôồn pôông đều được diễn ra quanh cây bông (Ảnh: TL). |
Pôồn pôông là một loại dân ca nghi lễ, thần linh vừa mang tính chất giao duyên trai gái, vừa cầu phúc... Tham gia lễ hội, người xem còn được hòa mình vào các trò chơi, trò diễn dân gian đầy cuốn hút như: Kin chiêng boọc mạy, Múa rùa, Múa bát, Múa chuông…
Chủ của lễ hội là Ậu Máy và các nhân vật như: Enh chàng - Bông danh, nàng Choóng long - Đồng thiếp, Nàng Quắc - cô nàng lắm lý lẽ, vẽ công, vẽ việc cùng tham gia diễn trò.
Trong lễ hội Pôồn pôông không thể thiếu là cây bông- biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hoá đã ban cho con người. Xuyên suốt buổi lễ Pôồn pôông là quá trình cúng lễ, nhảy múa, diễn trò của những nghệ nhân gồm Ậu máy và các máy bạn (gồm năm người), các nghệ nhân đánh trống, chiêng, thào lài, diễn xướng xung quanh cây bông.
“Cây bông này thường chỉ có Ậu Máy mới được truyền lại nghề, rồi sau đó truyền lại cho con cháu, những người cực kỳ khéo tay trong bản Mường. Dưới gốc cây bông, Em Chàng – Bông Danh cùng nàng Chóng Long – Đồng Thiếp ngồi đối xứng với nhau, trùm khăn đỏ, khăn xanh ngồi soi gương lẩm bẩm bài hát, sau đó lại hòa cùng nhịp điệu bài hát, thổi sáo”, nghệ nhân Phạm Thị Tắng, thôn Lỏ, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc cho biết.
Nét độc đáo trong lễ hội này đó là người ta còn làm cả một cái ao tượng trưng là một chậu nước, trong đó có đầy đủ các loại động vật thủy sản như: tôm, ốc, tép, cá, cua, ba ba, hến, tung tăng bơi lội.
Ngoài ra, trong lễ hội còn có bàn rượu cần và các mâm cỗ lễ với các món ăn truyền thống của người Mường trong dịp lễ như xôi ngũ sắc, canh Loóng, canh Môn...
Bên cạnh nét đẹp tâm linh, lễ hội cũng là dịp để người con bản Mường cùng nhau quây quần ngồi lại bên nhau để ôn về lịch sử hào hùng của bản Mường và tâm sự, sẻ chia buồn vui đã qua, mách cho nhau mẹo làm ăn khấm khá hơn, cày sâu cuốc bẫm.
Để Pôồn pôông sống mãi cùng người Mường
Dù đậm đà bản sắc như vậy, nhưng đã có thời gian, cùng với sự phát triển của các loại hình văn hóa, văn nghệ hiện đại, lễ hội Pôồn pôông dần bị lãng quên, thế hệ trẻ cũng ít tìm hiểu, kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nghệ nhân Phạm Thị Tắng luôn trăn trở trong việc lưu giữ lễ hội Pôồn pôông (Ảnh: TL). |
Với người Mường ở xã Cao Ngọc nói riêng, người Mường Thanh Hóa nói chung, bà Phạm Thị Tắng chính là người lưu giữ “hồn cốt” của văn hóa xứ Mường, trở thành Ậu Máy và cũng là người có uy tín trong làng, biết cúng bái, bốc thuốc chữa bệnh, múa đẹp, hát hay.
Mặc dù đã ngoài 75 tuổi nhưng Máy Tắng vẫn nhớ đầy đủ, chi tiết của loại hình nghệ thuật Pôồn pôông với 48 trò chơi, trò diễn đặc sắc. Bà đã cùng những người đam mê lễ hội Pôồn pôông ở Cao Ngọc đem bản sắc của dân tộc mình đến với nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh để giao lưu, gặp gỡ, mang về không ít giải Nhất, Huy chương Vàng.
Đặc biệt, những năm qua, Máy Tắng còn truyền dạy lại các điệu múa, lời hát Pôồn pôông cho các thế hệ người Mường. Ban đầu là phạm vi thôn, bản đến làng xã rồi mở rộng ra các lớp truyền dạy cấp huyện, cấp tỉnh.
Đến nay số học trò được Máy Tắng truyền dạy đã lên đến hàng trăm người. Trong đó có nhiều em bé ở lứa tuổi mầm non, tiểu học của xã Cao Ngọc và các xã lân cận đã bắt đầu biết hát, biết múa Pôồn pôông. Đây sẽ là những hạt nhân nòng cốt trong phong trào văn nghệ truyền thống, dân gian của xã Cao Ngọc, của huyện Ngọc Lặc trong tương lai không xa.
“Hiện nay, việc bảo tồn và phát huy Pôồn pôông còn gặp nhiều khó khăn. Tuy tuổi của tôi giờ đã cao nhưng tôi sẽ còn múa, nhảy và hát cho đến hơi thở cuối cùng. Giờ tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe để truyền dạy hết trò diễn này cho con cháu, để Pôồn pôông mãi sống cùng các thế hệ người Mường”, Máy Tắng khẳng định.
Là học trò ưu tú của Máy Tắng, theo Máy Tắng học các trò chơi, trò diễn Pôồn pôông từ khi còn bé, đến nay, bà Lê Thị Sinh (58 tuổi) ở thôn Vìn Cọn, xã Cao Ngọc đã trở thành thế hệ thứ 3 hiểu và có thể truyền dạy Pôồn pôông.
“Khi còn nhỏ, tôi đã ao ước mình có thể biểu diễn được như Máy Tắng. Tôi đã được Máy Tắng truyền dạy, uốn nắn từng điệu nhảy, lời hát Xường và cho tôi tham gia các hội diễn, hội thi. Đến nay, tôi được theo Máy đi dạy ở các lớp truyền dạy trình diễn Pôồn pôông. Tôi sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa để nắm vững 48 trò diễn Pôồn pôông từ Máy Tắng và đem những hiểu biết của mình truyền dạy cho thế hệ sau”, bà Sinh nói.
Những nỗ lực của nghệ nhân Phạm Thị Tắng đã lan tỏa cho các thế hệ tiếp nối, được chính quyền đánh giá cao và được công nhận là Nghệ nhân ưu tú.
“Nếu không có những người như nghệ nhân Phạm Thị Tắng, những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha để lại sẽ có nguy cơ bị thất truyền”, ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc nhận xét.
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa cũng rất chú trọng công tác bảo tồn các trò chơi, trò diễn dân gian theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, trong đó có lễ hội Pôồn pôông. Theo đó, cứ liên tục 2 năm tỉnh lại tổ chức một lần Liên hoan văn hóa các dân tộc miền núi Thanh Hóa. Bên cạnh đó, đưa lễ hội Pôồn pôông giao lưu cùng các lễ hội các tỉnh khác.
Đến nay, lễ hội Pôồn pôông không chỉ được tổ chức rộng rãi trong các lễ hội của người Mường mà còn được tổ chức trong các dịp lễ tết của đất nước như Quốc khánh 2/9, Tết Nguyên đán...
“Thời gian tới, huyện Ngọc Lặc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, tạo môi trường hoạt động lành mạnh để các di sản văn hóa phi vật thể được phát huy. Đồng thời có chính sách đãi ngộ về vật chất lẫn tinh thần cho đội ngũ truyền dạy, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể”, ông Phạm Văn Đạt khẳng định.
Hải Giang