Phong Thổ là một trong các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Tuy nhiên, từ các chính sách phát triển sản xuất, vay vốn ưu đãi, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giả.
Thay đổi cơ cấu cây trồng
Sau 8 năm, chúng tôi mới có dịp quay lại vùng đất Phong Thổ. Nơi tận cùng sơn cước, địa đầu Tây Bắc của đất nước này thật sự đã khác xưa: Các con đường vào bản được trải nhựa hoặc bê tông thẳng tắp. Chốc chốc lại thấy xe máy thồ hàng của đồng bào chạy bon bon xuống thị trấn, xuống thành phố...
Các chiến sĩ bộ đội biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng cho hay, nhờ có chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số mà 5 năm trở lại đây, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, tỷ lệ trẻ em đến trường nhiều hơn trước, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên.
Nhớ lại năm 2013, cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng lên làm việc tại Đồn biên phòng Ma Lù Thàng, gặp gỡ đồng bào ở một số xã Ma Li Pho, Hoang Thèn… được chứng kiến điều kiện khó khăn của nơi tận cùng sơn cước. Do là vùng giáp biên giới với Trung Quốc, có nhiều đường mòn lối mở, nên khu vực này có nhiều đối tượng buôn lậu thuê người dân nghèo vận chuyển hàng cấm, hàng lậu.
|
Đồng bào ở đây chất phác, thật thà, được thuê làm chỉ biết làm, nhưng cũng đồng nghĩa với việc nhiều thanh niên sa đà vào nghiện ngập, hút chích. Vì thế, chính quyền đã phải đưa bộ đội biên phòng vào cuộc, ngăn chặn tình trạng hút sách, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế.
Nay Phong Thổ khác lắm. Nhiều rừng chuối mọc lên ven đồi núi và dưới thung lũng. Chuối dành cho xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, chuối được chở xuống dưới xuôi, đời sống bà con khấm khá hơn, hay lam hay làm hơn.
Đơn cử như xã Ma Li Pho có sự thay đổi đáng kể, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống người dân được cải thiện. Đáng mừng hơn là nhiều mô hình sản xuất được địa phương áp dụng đã mang lại hiệu quả.
Hay như xã Hoang Thèn - địa phương có 98,8% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (Dao, Mông, Thái). Do trình độ nhận thức còn hạn chế, trước đây trong sản xuất nông nghiệp, người dân chủ yếu sử dụng giống theo hình thức “tự cung, tự cấp”, manh mún, nhỏ lẻ. Nhưng đến nay, bà con đã chuyển từ việc trồng lúa, ngô là chính sang trồng cây ăn quả, trồng sắn, nghệ đen, riềng.
Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng trong 5 năm (2015-2020), diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt của xã giảm 378ha, còn 302,25ha. Toàn bộ diện tích giảm được chuyển sang trồng cây ăn quả và một số cây trồng khác, nâng tổng diện tích cây ăn quả của xã lên 397,2ha (tăng 211,2ha so với năm 2015). Trong đó, chuối là cây trồng chính chiếm 90% diện tích, năng suất trung bình 12 tấn/ha, sản lượng trên 3.500 tấn/năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Nâng cao thu nhập người dân
Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, huyện có diện tích 1.034 km2, trong đó chỉ có 10% là đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng chiếm diện tích lớn. Huyện có dân số hơn 73.000 người, gồm các dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì, Lô Lô, Giáy, Dao và người Kinh sinh sống.
Phong Thổ là một huyện nghèo, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ hầu như không có, đời sống vật chất - tinh thần của người dân thiếu thốn. Thậm chí khi có mô hình kinh tế mới thì việc áp dụng, nhân rộng còn chậm; hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, chợ, trạm y tế, nhà văn hóa thôn ở các xã gần như chưa có...
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, huyện còn quan tâm đến xây dựng hạ tầng giao thông để bà con đi lại, giao thương thuận tiện |
Mấy năm gần đây, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, từng bước khai thác các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Trong đó, huyện ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao như: mô hình trồng cây tam thất, cây ăn quả ôn đới… Bên cạnh đó, huyện quan tâm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.
Theo Chủ tịch UBND huyện Vương Thế Mẫn, đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Phong Thổ giảm xuống còn 20,49%, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng (năm 2015 là 15 triệu đồng), có 4 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.
Với mục tiêu xây dựng huyện Phong Thổ từng bước phát triển bền vững, UBND huyện Phong Thổ đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2020-2025 như: thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm; tỷ lệ xã đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới đạt trên 43%, không còn xã dưới 15 tiêu chí. Tỷ lệ bản có đường ôtô đến bản được cứng hóa trên 85%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm; đào tạo trên 1.000 lao động/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo 50%; hàng năm giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động…
Bài 2: Đồng lòng "biến sỏi đá thành cơm"
Phạm Minh