Nhiều hộ dân ở Phong Thổ có thu nhập từ trồng chuối lên đến 100 triệu đồng/hộ |
Xây dựng và nhân rộng những mô hình phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của huyện Phong Thổ. Đây được coi là “con át chủ bài" trong công cuộc xoá đói giảm nghèo nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số tận cùng sơn cước này.
Mô hình sinh kế hiệu quả
So với cách đây 8 năm, xã Ma Li Pho thật sự có sự đổi thay đáng kể. Hệ thống giao thông liên thôn, liên xã được đầu tư đồng bộ, hạ tầng xã hội được xây dựng đồng bộ khang trang. Điều đặc biệt nữa là nhiều mô hình sản xuất được địa phương áp dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.
Chị Giàng Thị Hính, xã Ma Li Pho chia sẻ, trước kia cuộc sống của gia đình rất khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào vườn chuối sau nhà. Do trồng tự phát, thiếu kiến thức về chăm sóc, trồng trọt nên năng suất chưa cao. Kể từ khi UBND xã tổ chức lớp tập huấn trồng trọt, chị đã tham gia và nắm bắt được kỹ thuật phòng chống sâu bệnh, chăm sóc cây trồng theo từng giai đoạn, thực hiện mở rộng diện tích vườn chuối. Hiện nay, vườn chuối hơn 2ha của gia đình chị đã mang lại thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Tương tự, gia đình chị Giàng Xa Minh, dân tộc Dao, xã Hoang Thèn trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2016, gia đình chị mạnh dạn đưa cây chuối giống mới vào trồng. Nhờ chăm sóc tốt, diện tích chuối của gia đình cho sản lượng cao. Đến nay, gia đình chị đã mở rộng diện tích trồng chuối lên gần 2ha, mỗi năm cho sản lượng hơn 10 tấn quả, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Trồng chuối có thời gian thu hoạch ngắn, không mất nhiều công chăm sóc, đầu ra ổn định, thu nhập từ chuối cao hơn trồng lúa, ngô nhiều lần. Đa số các hộ trong xã đều trồng chuối, thu nhập từ cây chuối trung bình vài chục triệu đồng/năm, nhiều nhà thu hàng trăm triệu đồng.
Hay như tại xã Mường So, người dân cũng đang tích cực thực hiện phong trào cải tạo vườn tạp. Mô hình đang giúp các hộ nâng cao hệ số sử dụng đất trên cùng diện tích; cây trồng, vật nuôi phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao. Anh Sùng A Sáng, người dân ở bản Xin Chải hồ hởi cho biết: "Trước đây, gia đình mình là hộ nghèo, cuộc sống rất khó khăn, một năm thiếu ăn 2 tháng giáp hạt. Từ khi chắt chiu rồi chuyển đổi cây trồng hợp lý, gia đình mình giờ đã thoát nghèo".
Ngoài trồng trọt, bà con ở Mường So còn phát triển thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại nguồn thu đáng kể. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt 1,4ha (tăng 8,6% so với năm 2019); đàn gia cầm 8.516 con, tăng 34,1% và đàn trâu 312 con, đàn bò 154 con... Thông qua bảo vệ rừng, năm 2020, nhân dân trong xã được chi trả trên 1,4 tỷ đồng, nâng mức thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/người (tăng 16 triệu đồng so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 40,3%.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Ông Tẩn Chỉn Hùng, Chủ tịch UBND xã Ma Li Pho cho hay, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong đó tập trung chăn nuôi đại gia súc và mở rộng diện tích trồng cây chuối. Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông được đầu tư, tạo điều kiện cho người dân đi lại và giao thương hàng hoá thuận lợi.
Đời sống của người dân ngày một nâng cao. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 6 triệu đồng thì đến hết năm 2020 đã tăng lên gần 40 triệu đồng.
Xã Hoang Thèn tuy là vùng thấp của huyện Phong Thổ, nhưng có tới 98,8% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số như Dao, Mông, Thái sinh sống. Trình độ nhận thức còn hạn chế, trước đây người dân “tự cung, tự cấp”, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, hiệu quả kinh tế không cao.
Mía đường cũng là một trọng những cây trồng chủ lực, xoá đói giảm nghèo ở Phong Thổ |
Ông Chang Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoang Thèn chia sẻ, với tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, bà con nông dân đã học tập cán bộ ở xã đẩy mạnh lao động sản xuất, mạnh dạn ứng dụng giống mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, cung ứng ra thị trường.
Khắp các bản, nông dân chuyển từ việc trồng lúa, ngô là chính sang trồng cây ăn quả, trồng sắn, nghệ đen, riềng. Tổng diện tích cây ăn quả của xã đã đạt gần 400ha (tăng gần 220ha so với năm 2015). Trong đó, chuối là cây trồng chính chiếm 90% diện tích, năng suất trung bình 12 tấn/ha, sản lượng trên 3.500 tấn/năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, gần đây, khi xã ký kết hợp đồng với HTX nông sản Lai Châu (huyện Phong Thổ) về việc bao tiêu sản phẩm, người dân 5/9 bản đã đưa cây mía lấy đường vào trồng trên đất nương, vườn gần nhà với tổng diện tích 50ha. Ngay trong năm 2020, năng suất mía đã đạt 100 tấn/ha, với giá bán 1.000 đồng/kg, mỗi ha sau khi trừ chi phí mang lại thu nhập vài chục triệu đồng cho nông dân.
Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, để đẩy mạnh phát triển sản xuất, huyện tiếp tục lãnh đạo chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm như phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Cùng với đó rà soát, đánh giá tiềm năng, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực. Thực hiện đồng bộ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất; xây dựng, nhân rộng, biểu dương các mô hình hay, cách làm sáng tạo…
Bài cuối: Du lịch cộng đồng mở hướng đi mới
Phạm Minh