Trồng lan là một trong những nguồn thu nhập khá cao cho bà con người Mông làm du lịch cộng đồng ở Sin Suối Hồ |
Nằm cheo leo trên đỉnh núi cao 1.500m so với mặt nước biển, bản người Mông ở Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), từ một bản làng có nhiều tệ nạn nay đã trở thành bản du lịch không khói thuốc, sạch sẽ, văn minh, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc.
Hồi sinh "vùng đất chết"
Đến Sin Suối Hồ vào một ngày đầu hạ, không khí vẫn tươi mát bởi những vườn địa lan rộng bát ngát, trải dài hai bên đường quanh bản. Nếu không được nghe Trưởng bản Vàng A Chỉnh kể trước năm 1992 Sin Suối Hồ từng là khu vực người dân trồng cây thuốc phiện và là “điểm nóng” với số người nghiện ma túy khá đông thì không ai biết được nơi đây từng là "vùng đất chết". Thuốc phiện từng làm đời sống người dân Sin Suối Hồ trở nên mù mịt, khốn khổ, đói rách, kiệt sức, bệnh tật, dẫn đến nhiều tệ nạn, mất an ninh trật tự.
Tuy nhiên, từ chỗ là một bản nghèo, sau 15 năm, hiện nay, nguồn thu nhập của các hộ gia đình đều tăng từ việc làm du lịch và bán các sản vật của địa phương. Đặc biệt, mô hình du lịch cộng đồng sinh thái không khói thuốc mới được phát triển hơn 4 năm trở lại đây đã phát huy hiệu quả, ngày càng thu hút du khách và đem lại thu nhập cho người dân nơi đây.
Trưởng bản Vàng A Chỉnh dẫn đoàn công tác đến nhà chị Hảng Thị Sú, là người có “thâm niên” làm dịch vụ homestay tại bản Sin Suối Hồ. Chị Sú chia sẻ, khách có thể ở cả tuần, cả tháng, cùng chia sẻ ẩm thực, văn hóa và được trải nghiệm các hoạt động với dân bản như gặt lúa, hái thảo quả, làm bánh, dệt vải… Rất nhiều khách nước ngoài đã đến trải nghiệm cùng với bà con và họ cảm thấy rất thích thú, hứa hẹn sẽ quay lại vào dịp thích hợp.
Ông Vàng A Chỉnh cho biết, hiện cả bản có hơn 100 hộ, trong đó có 10 hộ làm du lịch theo hình thức nghỉ dưỡng homestay. Nhiều hộ gia đình đã tự đầu tư hoặc nâng cấp nhà nghỉ để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của khách du lịch. Trung bình mỗi tháng có hàng trăm lượt du khách đến du lịch và nghỉ dưỡng tại bản Sin Suối Hồ, trong đó đa số là du khách nước ngoài. Nay, do dịch Covid-19, lượng khách nước ngoài giảm đáng kể, nhưng Sin Suối Hồ vẫn luôn sẵn sàng cho ngày khách quay trở lại.
Để thu hút khách du lịch, chính quyền địa phương phát triển mô hình chợ du lịch truyền thống của người Mông, bán các sản vật của địa phương như thổ cẩm, ẩm thực gắn liền với không gian trình diễn các công đoạn sản xuất đặc trưng.
Sin Suối Hồ còn phát triển thêm các sản phẩm đặc trưng như cây cảnh địa lan, phong lan, hoa đào và các loại cây ăn quả như mận, đào, táo mèo... Địa lan là loại cây tạo nên điểm nhấn của bản du lịch Sin Suối Hồ, mang lại thu nhập 200 - 300 triệu đồng/hộ/năm. Đến nay, 100% hộ trong bản đền trồng địa lan, nhà nào ít thì mấy chục chậu, nhà nhiều thì khoảng 500 - 600 chậu.
Mảnh đất từng trồng thuốc phiện khi xưa giờ đã khởi sắc với hơn 30.000 chậu địa lan, hơn 15.000 cây đào, 18.000 cây táo mèo, 10 homestay, 1 HTX kinh doanh nhà hàng và các loại cây cảnh. Thu nhập của bản hơn 600 người lên đến 200 - 500 triệu đồng/hộ/năm.
Cộng đồng thân thiện
Ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Mr Linh's Adventures nhận định, Sin Suối Hồ là một trong những hình mẫu của du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Điều ấn tượng khi đến với Sin Suối Hồ là trải nghiệm văn hoá cùng tộc người Mông với ngôi làng nằm biệt lập một góc trời biên giới, hầu như còn hoang sơ, từ ngôi nhà truyền thống đến ẩm thực đặc sản nơi đây được chế biến trực tiếp từ nguồn thực phẩm địa phương.
"Ấn tượng hơn khi biết đến Sin Suối Hồ là "Bản 5 không" - Bản không có rác, không có người uống rượu, không có người hút thuốc lá, không có người nghiện ma tuý và không có người chơi cờ bạc”, ông Linh nói.
Theo thống kê của huyện, giai đoạn 2016 - 2020, lĩnh vực du lịch của huyện Phong Thổ đã có những phát triển khá mạnh; tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt 12 - 13%/năm. Doanh thu từ các hoạt động du lịch năm 2020 trên địa bàn huyện ước đạt khoảng 6 tỷ đồng.
Để thu hút được khách du lịch, người Mông ở Sin Suối Hồ hầu như để cảnh quan tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên, đặc biệt chú trọng đến "Bản 5 không" |
Đồng thời, huyện đã ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và thu hút vốn đầu tư để xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, triển khai quy hoạch các khu, điểm du lịch, xây dựng các cơ sở lưu trú.
Theo ông Đèo Văn Dương, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Phong Thổ, huyện xác định phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trên cơ sở các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch mua sắm.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ góp phần thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, kéo dài thời gian lưu trú, tạo việc làm cho người lao động, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch, đẩy mạnh chú trọng công tác xây dựng quy hoạch du lịch, phát triển mạng lưới dịch vụ, chỉnh trang đô thị hỗ trợ phát triển du lịch; phối hợp với một số ngành của tỉnh để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khi đến với Phong Thổ.
Tới đây, huyện Phong Thổ sẽ chú trọng phát huy tiềm năng lợi thế về thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc, khuyến khích người dân đa dạng các sản phẩm đặc trưng riêng nhằm tiếp tục thu hút du khách. Đồng thời, phát huy lợi thế vùng biên giới để tạo điểm nhấn trên các cung đường dẫn đến điểm du lịch. Chú trọng xúc tiến du lịch và thu hút đầu tư vào địa bàn để từng bước đưa Phong Thổ trở thành điểm du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn...
Phạm Minh