Tuyên Quang có 22 dân tộc cùng chung sống với nhiều bản sắc văn hóa phong phú. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm 56% dân số với những nét bản sắc văn hóa truyền thống riêng và được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Nỗi lo mai một văn hóa truyền thống
Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh luôn xác định việc giữ gìn và phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, ngang tầm phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.
“Trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, chỉ có hai tiêu chí về văn hóa nhưng các tiêu chí này gần như bao hàm hết. Do đó, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới muốn đạt được kết quả bền vững đều bắt nguồn từ nếp sống văn hóa của người dân”, ông Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh nhận định.
Để bảo tồn di sản trong cộng đồng, vai trò nòng cốt chính là các nghệ nhân dân gian. Điển hình như di sản Then của người Tày được truyền từ các thế hệ. Họ chính là những người kế tục, đưa Then phát triển trong cộng đồng.
Nghệ nhân Hà Văn Thuấn đang truyền dạy hát Then cho thế hệ trẻ. (Ảnh:TL). |
Với nhận định “hát Then là một loại hình nghệ thuật truyền miệng, nếu không rèn luyện thì sẽ bị mất dần đi”, hơn 40 năm qua nghệ nhân Hà Văn Thuấn (thôn Tân Hợp, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa) nghệ nhân đã sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ.
“Thực hành nghi lễ Then là một phần trong đời sống tinh thần của người Tày. Nó phản ánh mối quan hệ giữa con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Nghi lễ Then thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc, từ phong tục đến nhạc cụ, múa, âm nhạc. Những bài hát Then được sáng tác để ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi con người trong lao động sản xuất, quê hương đổi mới…, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân đạo và bảo vệ các phong tục, truyền thống văn hóa của Việt Nam”, nghệ nhân Hà Ngọc Cao (xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa) cho biết.
Cũng theo nghệ nhân, Di sản văn hóa truyền thống của các DTTS tỉnh Tuyên Quang hết sức phong phú, đa dạng về cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là bản sắc văn hóa của các DTTS nói chung bị mai một hoặc biến đổi, thậm chí có dân tộc không tìm được các nét văn hóa đặc trưng.
Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, dân tộc Tày có 57 di sản, trong đó 28 di sản đang bị mai một; dân tộc Cao Lan có 42 di sản, trong đó 18 di sản đang bị mai một; dân tộc Sán Dìu có 10 di sản, trong đó bốn di sản đang bị mai một...
Đối với văn hóa phi vật thể, số di sản có nguy cơ bị mai một vẫn chưa được lập hồ sơ do đồng bào không còn thực hành di sản, số người nắm giữ di sản văn hóa truyền thống còn ít, tài liệu lưu giữ về các di sản không có, khiến công tác sưu tầm gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đồng bào các DTTS vẫn chưa có nhiều điều kiện để giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa của dân tộc mình.
Đối với văn hóa vật thể, đồng bào các DTTS của Tuyên Quang vẫn sử dụng trang phục truyền thống nhưng chủ yếu là nữ giới. Tuy nhiên họ thường chỉ sử dụng vào dịp lễ, Tết, cưới hỏi, cúng bái và biểu diễn văn nghệ.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mai một trang phục truyền thống là do sự thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội. Trong khi vải trên thị trường vô cùng phong phú, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, mẫu mã, giá thành rẻ, trong khi để may và trang trí một bộ trang phục truyền thống tốn nhiều công sức và thời gian.
Về vấn đề nhà ở, hiện nay, các làng bản DTTS không còn giữ được nhiều ngôi nhà sàn truyền thống do nguồn gỗ giờ đây khan hiếm, trong khi vật liệu chủ yếu để dựng nhà là gỗ và để dựng một ngôi nhà sàn truyền thống tốn kém nhiều tiền và công lao động.
Nỗ lực của chính quyền và người dân
Trên địa bàn tỉnh hiện duy trì trên 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc; 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính của dân tộc Tày; 6 câu lạc bộ hát Páo dung của dân tộc Dao; 13 câu lạc bộ hát Sình ca của dân tộc Cao Lan. Ngoài các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian còn có gần 560 tổ tự quản lĩnh vực văn hóa, nếp sống văn minh.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết, những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS, hoàn thành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của 16 dân tộc. Trong đó, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các DTTS thông qua thực hiện một số đề tài khoa học nghiên cứu bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa của các DTTS, như: Nghiên cứu văn hóa truyền thống các dân tộc Pà Thẻn, Sán Dìu...
Không chỉ vậy, tỉnh còn chú trọng duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống của các DTTS như: Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày, lễ hội Cầu may, Cầu mùa của dân tộc Dao, lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn...
Sinh hoạt hát Soọng cô ở Câu lạc bộ thôn Hội Kế, xã Ninh Lai, Sơn Dương. (Ảnh:TL). |
Với mục đích để văn hóa người Dao không mai một, thời gian qua, Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Dao (Thôn Khuân Mản, xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương được thành lập. Sinh hoạt tại đây, họ dạy hát cho nhau, người biết thêu thì dạy con cháu thêu, người giữ được tiếng nói thì dạy lại người trẻ tiếng nói….
“Từ những kết quả mà câu lạc bộ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Dao đem lại, hiện Khuân Mản cũng chuẩn bị thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa truyền thống người Nùng”, bà Đặng Thị Kim Dung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Lương Thiện cho hay.
Được thành lập năm 2018, Tổ tự quản giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan (thôn 1, xã Lưỡng Vượng) đã mang lại niềm vui cho đồng bào các dân tộc trong và ngoài xã.
“Tổ tự quản không chỉ duy trì, khôi phục các làn điệu Sình ca, mà còn giữ tiếng nói, dạy cách may trang phục truyền thống của phụ nữ Cao Lan”, bà Trần Thị Sang, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 1, Tổ trưởng Tổ tự quản giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan nhận định.
Có thể nói, việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống đã đem lại hiệu quả thiết thực. Hệ thống di sản được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống tinh thần của người dân.
“Sự thay đổi trong nếp nghĩ của người dân đã góp phần loại trừ các yếu tố mê tín dị đoan, phô trương, lãng phí trong đời sống, phù hợp hơn với xu thế của thời đại, giúp các phong trào, các lễ hội ở địa phương được duy trì theo hướng thực chất hơn”, ông Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh khẳng định.
Tuy nhiên, để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào bảo tồn, phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, tỉnh cần hỗ trợ xây mới, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị cho nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố. Đồng thời, triển khai các đề tài khoa học liên quan việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, các cấp ban ngành cần quan tâm chế độ, chính sách, biểu dương, khen thưởng, khuyến khích các nghệ nhân có nhiều công lao, đóng góp tích cực trong việc truyền dạy văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tổ chức phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở, nhằm ghi nhận và huy động những đóng góp tích cực của các nghệ nhân dân gian trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Hải Giang