Dân tộc Kháng là một bộ phận của khối cư dân thuộc ngữ hệ Nam Á, sinh sống chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tại tỉnh Điện Biên, cộng đồng dân tộc Kháng tập trung chủ yếu sinh sống ở các xã Quảng Lâm, Nà Khoa (huyện Mường Nhé), các xã Na Sang, Pa Ham (huyện Mường Chà), các xã Ta Ma, Rạng Đông, Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) với hơn 4.200 người của hơn 800 hộ, thuộc các họ như: Lò, Lường, Quàng, Vì, Cà...
Mang đậm sắc thái văn hóa, tâm linh
Đến nay, dân tộc Kháng ở Điện Biên vẫn gìn giữ được nét văn hóa đặc sắc về phong tục, tập quán, truyền thuyết, như: Lễ cơm mới, Xên Pang ả, Pang Phoóng... Trong đó, Lễ Pang Phoóng mang đậm sắc thái văn hóa, tâm linh trong đời sống cộng đồng người Kháng.
Điệu nhảy “Xé pang” trong lễ Pang Phoóng (Ảnh:TL) |
Lễ Pang Phoóng của người Kháng là một trong những nghi lễ sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống, có ý nghĩa gần giống lễ tạ ơn của một số dân tộc khác, được đồng bào dân tộc Kháng dòng họ Lò Khun ở bản Nậm Mu, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo sáng tạo ra, bắt nguồn từ câu chuyện tình dang dở đầy lãng mạn giữa chàng trai con Tạo bản và nàng vượn hóa thân thành thiếu phụ.
Lễ hội diễn ra 3 ngày trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch hàng năm. Đây được coi là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lấy cội nguồn tiên tổ làm nền tảng để rèn dưỡng tâm, đức và nguyện cầu tổ tiên phù hộ độ trì cho dòng họ vạn sự may mắn và củng cố sức mạnh cộng đồng.
Theo trưởng họ Lò Pang Ả (bản Nậm Mu), đến nay, Pang Phoóng vẫn giữ được bản sắc riêng, mang màu sắc tâm linh, phản ánh hiện thực đời sống cộng đồng người Kháng, lấy cội nguồn tổ tiên để tu tâm dưỡng đức. Đây còn là thông điệp kết nối quá khứ với hiện tại, gắn kết cộng đồng, thể hiện khát vọng bình dị ngàn đời về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân tộc Kháng”.
Tuy nhiên, theo thời gian, do nhiều nguyên nhân cùng với điều kiện sống và xu thế hội nhập thì lễ hội Pang Phoóng dần bị hiện đại hóa, không còn giữ được những giá trị vốn có.
Nghi lễ do thầy cúng, thường là trưởng họ làm lễ, là những người đã cao tuổi. Trong khi đó, những lễ hội truyền thống như này thường không còn thu hút với thế hệ trẻ bởi nó dần không phù hợp với nhịp sống của họ.
"Do đó, lễ Pang Phóong sẽ dần bị lãng quên hoặc có thể sẽ bị trộn lẫn với nhiều nền văn hóa hiện đại khác dẫn đến việc mất đi giá trị thực sự của nó nếu như không có nhiều biện pháp giữ gìn và phát triển”, ông Lò Pang Ả cho biết thêm.
TS. Phạm Quốc Quân, thành viên Hội đồng Di sản Việt Nam nhận định, trong xu thế hội nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người Kháng đã có nhiều đổi thay cùng những đan xen và tiếp biến văn hóa với nhiều dân tộc khác. Trong khi đó, thời đại truyền thông, giao thông đi lại thuận tiện hơn, sự đan xen cùng những tiếp biến này đã vượt qua giới hạn vùng, tới cả đất nước và trên thế giới.
“Vì vậy, những nét văn hóa truyền thống văn hóa của người Kháng cũng đã bị phôi pha rất nhiều. Đó là một thực tế không thể phủ nhận và cũng vô cùng khó khăn để giữ gìn”, TS. Phạm Quốc Quân nói.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc cho rằng, sự thay đổi của hoạt động kinh tế canh tác lúa nương rẫy sang hoạt động công nghiệp kết hợp với thay đổi nhu cầu vật chất hưởng thụ đã làm cho văn hóa người Kháng bị mai một dần, đó là điều tất yếu và khó có thể cưỡng lại được.
Nỗ lực bảo tồn
Cũng theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, để công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống hiệu quả, cần tuân thủ một nguyên tắc là phải đồng bộ giữa 4 việc: nghiên cứu thấu hiểu - thẩm định bảo tồn - thực hành phát triển - quảng bá truyền thông.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cùng các cá nhân phải luôn có những điều chỉnh kịp thời về kế hoạch để lễ hội phát triển một cách lành mạnh, đúng hướng, góp phần làm giàu tài sản văn hóa dân tộc.
Để gìn giữ và phát huy giá trị của Lễ Pang Phoóng, ngành Văn hóa tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của lễ hội Pang Phoóng, thường xuyên tổ chức, nghiên cứu, giới thiệu lễ hội...
Lễ công bố và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ Pang Phóong của người Kháng (Ảnh:TL) |
Thời gian qua, huyện Tuần Giáo đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền Lễ Pang Phoóng. Theo đó, huyện sẽ thường xuyên tuyên truyền về công tác bảo tồn các nét văn hóa truyền thống đặc sắc tới cán bộ và nhân dân các dân tộc. Tập trung giữ gìn, khôi phục và duy trì các nét văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.
Từ nguồn kinh phí gần 20 tỷ đồng do Trung ương và địa phương hỗ trợ, hơn 10 năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên đã phục dựng, bảo tồn hơn 20 lễ hội truyền thống các dân tộc: Mông, Dao, Thái, Khơ Mú, Xinh Mun, Hà Nhì… Trong đó có lễ hội Pang Phoóng của dân tộc Kháng.
Ông Mùa Va Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết, huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành điền dã, ghi hình thu thập thông tin, phục dựng, bảo tồn Lễ hội Pang Phoóng của dân tộc Kháng dòng họ Lò, ngành Lò Khun tại bản Nậm Mu, xã Rạng Ðông, nâng cao ý thức cho những người trẻ giữ gìn, trân trọng và tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cũng đã đề nghị UBND huyện Tuần Giáo xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền lễ hội Pang Phoóng. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng bản văn hóa cho đồng bào dân tộc Kháng và rà soát các nghệ nhân am hiểu văn hóa của dân tộc Kháng để lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Tuy nhiên, điều trăn trở là kinh phí dành cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện còn hạn chế; một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm tới công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể của các dân tộc địa phương...
Do đó, muốn bảo tồn bền vững, phải bắt đầu từ cộng đồng nhưng không thể thiếu được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhất là thế hệ trẻ.
Ngoài ra, cần đưa di sản văn hóa phi vật thể vào bảo quản trong các kho tư liệu, vào giảng dạy trong nhà trường, tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng hay tại các bảo tàng. Chỉ có vậy, lễ Pang Phoóng của người Kháng mới được gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa cho những thế hệ kế tiếp.
Hải Giang