Ở Việt Nam, dân tộc Thái xuất hiện tập trung đầu tiên ở khu Mường Lò (Yên Bái) rồi lan dần sang các tỉnh Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu và di chuyển đến miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An. Người Thái có 2 nhóm tộc chính là Thái Đen (Táy Đăm) và Thái Trắng (Táy Khao). Mặc dù cùng là dân tộc Thái nhưng nhà sàn của người Thái đen và Thái trắng có những điểm khác nhau rõ rệt.
Sản phẩm văn hóa đặc sắc
Nhà sàn của người Thái đen có mái hình mai rùa. Cái đầu, cái miệng là lối cầu thang chính, còn đuôi là lối cầu thang phụ. Điểm đặc biệt nhất chính là khau cút - đôi sừng cụt của con trâu được trang trí trên nóc nhà, ở ngay đầu hồi.
“Đối với người Thái đen, khau cút là một vật linh thiêng mà nhà nào cũng phải có, nhà nghèo sẽ dùng thanh tre hoặc gỗ bắt chéo lại nhằm mang tính chất tượng trưng”, Nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc Thái Tòng Văn Hân (bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết.
Còn với người Thái trắng thì mái đầu hồi phẳng theo nguyên tắc 4 mái như nhà người Mường, người Tày.
Đặc điểm chung của 2 loại nhà sàn này là đều có kết cấu gỗ, mái dốc lợp tranh, sàn cao khoảng 1,3-2,4m và phải luôn có 2 cầu thang, bắt buộc số bậc lẻ và số gian nhà nhiều hay ít cũng phải là số lẻ.
“Người Thái thích con số lẻ bởi họ quan niệm số chẵn là số “chết”, số lẻ mới là số của sự phát triển”, ông Lường Văn Dòm (bản Pán, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) cho hay.
Để hoàn thành một căn nhà sàn, người Thái tích gỗ tốt như nghiến, trò chỉ,… ngâm 2-3 năm để không mối mọt. Đặc biệt là khi thi công không cần dùng đinh và sắt, thay vào đó sử dụng hệ thống dây chằng, buộc thắt khá công phu và tinh xảo bằng lạt giang, mây và dùng đòn dầm xuyên suốt qua các lỗ đục của các cột rất chắc chắn. Cuối cùng là lợp mái bằng cỏ tranh phơi khô. Do đó, nhà sàn người Thái thường rất mát và có những nhà sàn tồn tại tới hàng trăm năm.
Nhà sàn của dân tộc Thái đang có những biến đổi rõ rệt nhằm thích ứng hơn với môi trường, hoàn cảnh sống hiện nay (Ảnh: TL) |
Theo dòng chảy của thời gian, để thích ứng với sự phát triển của xã hội, những ngôi nhà sàn của người Thái đang có những biến đổi rõ rệt nhằm thích ứng hơn với môi trường, hoàn cảnh sống.
Từ việc nguồn gỗ ngày càng khan hiếm, nhà sàn Thái đã thay cột gỗ thay bằng bê tông, mái lợp lá thành mái ngói hoặc pro-xi măng và sử dụng kỹ thuật mộng của người Kinh để làm nhà.
Trong điều kiện đô thị hóa, đất nhà ở bị thu hẹp, những ngôi nhà sàn dần mất đi các trang trí kiến trúc mang tính đặc trưng của ngôi nhà dân tộc Thái. Khau cút, biểu tượng của ngôi nhà Thái nay hầu như không còn thấy.
Bên cạnh đó, sự thay đổi tập quán, lối sống cũng dẫn đến thay đổi bên trong nhà như bếp, nơi sinh hoạt, bỏ bớt cầu thang, số phòng ở cũng không bắt buộc phải là số lẻ. Đồng thời các chức năng hiện đại khác cũng xuất hiện như tủ, tivi, bàn ghế gỗ kiểu người Kinh, …
Theo các nhà nghiên cứu, sự biến đổi trong việc làm nhà sàn của người Thái hiện nay có tính kế thừa và thay đổi để thích ứng với cuộc sống hiện nay. Vấn đề đặt ra là những xu hướng biến đổi tiêu cực đã xuất hiện rất rõ rệt và là nguy cơ làm mai một các giá trị di sản truyền thống quý giá.
Nghệ nhân Lò Văn Biến, dân tộc Thái (Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) cho biết: "Nhà sàn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần từ ngàn xưa còn âm hưởng tới ngàn sau. Nhưng nếu không được quy hoạch lại cụ thể thì có thể chỉ vài năm nữa, những ngôi nhà sàn của dân tộc Thái sẽ dần mất đi”.
Hòa nhập nhưng không hòa tan
Theo các chuyên gia, kiến trúc nhà ở không phải là một di sản bất biến, luôn biến đổi, thích ứng, kế thừa với những biến đổi của môi trường sống. Vì vậy, việc giữ gìn và kế thừa kiến trúc nhà sàn dân tộc Thái hiện nay là trách nhiệm và việc cần làm nhằm tạo dựng bản sắc dân tộc vùng miền.
"Các yếu tố tích cực và tiêu cực từ những xu hướng biến đổi trong kiến trúc nhà sàn Thái, những biến đổi này đang diễn ra tự phát, các vấn đề phải giải quyết đặt lên vai chính người dân", các chuyên gia nhận định.
Là một trong những gia đình còn giữ nếp nhà sàn của dân tộc, ông Đồng Văn Nọi (Bản Vệ, xã Nghĩa An Nghĩa Lộ, Yên Bái) cho biết: "Hiện ngôi nhà sàn như gia đình tôi còn rất ít. Để bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của nhà sàn dân tộc, hàng ngày, tôi vẫn kiên trì tuyên truyền cho con cháu hiểu và cùng giữ gìn nét văn hóa đặc sắc đó”.
Nhà sàn truyền thống dân tộc Thái bản Che Căn được phục dựng (Ảnh:TL) |
Thời gian qua, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt dự án Bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Thái bản Che Căn (xã Mường Phăng, Điện Biên) với tổng kinh phí thực hiện gần 10,4 tỷ đồng. Trong đó, 6,6 tỷ đồng để bảo tồn, tôn tạo 10 ngôi nhà có kiến trúc cổ của người Thái đen. Bên cạnh đó, xây dựng mới một nhà truyền thống và sân lễ hội phục vụ sinh hoạt cộng đồng.
“Từ nay dưới mái nhà truyền thống này, người Thái bản Che Căn sẽ có thêm những buổi quây quần đầm ấm, kể cho nhau nghe chuyện cha ông về đây dựng nhà, lập bản, lấy tên ngọn núi Che Căn làm tên bản bây giờ, tên của núi đã mang ý nghĩa hy vọng, chở che”, ông Lò Văn Hợp, vị cao niên bản Che Căn phấn khởi nói.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có một thiết kế mẫu, một hướng dẫn nào làm định hướng cho nhà sàn dân tộc Thái. Đây cũng là một vấn đề nan giải hiện nay.
Theo đó, việc giữ gìn kiến trúc nhà sàn Thái truyền thống không nên chỉ chú trọng ở việc bảo tồn, tu bổ các ngôi nhà sàn truyền thống theo nguyên gốc để làm du lịch mà cần hướng tới mục đích, trách nhiệm lớn hơn. Đó là định hướng sự biến đổi của nó, kế thừa các giá trị văn hóa của nó để hòa mình trong thời đại mới.
Bên cạnh đó, trong Chương trình xây dựng nông thôn mới của Trung ương hiện nay, cần nghiên cứu để đưa ra những mẫu thiết kế dành riêng cho mỗi dân tộc. Ngoài ra, cần có những nghiên cứu sâu, rộng, có cái nhìn toàn diện hơn từ đúc kết kinh nghiệm của việc xây dựng nhà ở cho dân cư dân tộc Thái tại các khu tái định cư thủy điện, từ các làng bản ven đô đến các làng bản trong đô thị... Nhằm tìm hướng đề xuất các giải pháp về kiến trúc, vật liệu, kết cấu và áp dụng các công nghệ xây dựng phù hợp hiện nay.
Hải Giang