Những năm gần đây, đời sống người Mông ở Tủa Chùa phát triển nhưng bà con vẫn giữ cách xây dựng nhà ở với tường rào đá truyền thống. Nhà của người Mông thường có 3 gian, 2 cửa và phải có 2 cửa sổ trở lên, dựa lưng vào vách núi đá... Đặc biệt, trong nếp nhà người Mông, cái hồn của mỗi ngôi nhà được tạo nên chính là từ những hàng rào đá.
Hồn cốt của mỗi ngôi nhà
Từ xa xưa, cuộc sống còn khó khăn, diện tích đất chủ yếu là núi đá vôi nhưng đồng bào nơi đây đã tìm cách dùng đá tạo lối đi, xếp thành hàng rào, canh tác trên núi đá để sinh tồn.
Hàng rào đá là hồn cốt của mỗi ngôi nhà người Mông (Ảnh: TL) |
Ông Mùa A Chinh ở xã Sín Chải kể, không biết sự tích của hàng rào đá có từ đời nào, nhưng những người Mông Tủa Chùa được kể lại rằng, khi di cư đồng bào dân tộc Mông chọn nơi đây làm nhà, nhưng vì nhiều đá quá nên bà con bê đá xếp gọn vào một góc vườn. Sau đó, có gia đình nghĩ ra cách khéo léo xếp những hòn đá lởm chởm đủ kích cỡ thành hàng rào bao quanh nhà để phòng kẻ xấu và thú dữ. Thế là nhà này làm giống nhà kia, người này học người kia.
"Đồng bào Mông nếu là con trai thì khi lên 7 – 8 tuổi đã biết gùi đá về nhà, lớn lên chút nữa lại học cha cách xếp rào đá. Hàng rào đá thường được làm quanh nhà, quanh vườn, nương và nơi chăn thả gia súc. Dù cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, bốn bề đều là đá nhưng để sinh tồn, đồng bào nơi đây đã tìm cách để “chinh phục đá”, đá tạo lối đi, xếp thành hàng rào, canh tác trên núi đá...", ông Mùa A Chinh nói.
Ông Giàng A Ký, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng dòng họ Giàng (bản Hẹ, xã Xá Nhè) cho biết, hàng rào được xếp thủ công từ những phiến đá tai mèo sắc nhọn, không xi măng, không cát, bên cạnh trồng cây xương rồng gai góc, uốn quanh, bao trọn ngôi nhà và chuồng nuôi, trông rất độc đáo và riêng biệt.
Cách làm hàng rào này chỉ có ở Xá Nhè và một số xã lân cận vì ở Tủa Chùa chỉ có vài xã sẵn đá tai mèo xung quanh núi đá với những cây xương rồng mọc xen kẽ trong tự nhiên. Dù nhà mới hay đã cũ, dù gian nhà to hay nhỏ, bà con đều chọn nếp nhà truyền thống để tỏ lòng tôn kính tổ tiên và dòng họ của mình.
Từ đôi bàn tay khéo léo, tinh tế, những viên đá “vô hồn” được lựa chọn sẽ xếp thành hình tháp rộng trên 1m, cao gần 2m, to ở phần chân hàng rào và nhỏ dần về phía trên. Để có một hàng rào chắc chắn, người xếp phải có kỹ năng và con mắt tinh tường của người thợ kiến trúc.
“Đàn ông người Mông ở các xã phía Bắc Tủa Chùa ai cũng có thể làm hàng rào đá, nhưng người xếp đẹp, rào đá đạt độ chắc chắn thì phải là những người có tay nghề cao. Chỉ cần nhìn qua là người thợ biết phải đặt viên đá ở vị trí thế nào và “thổi hồn” vào đá, làm không gian trở nên ấm áp, thân thuộc hơn”, ông Giàng A Ký nói.
Đặc biệt, nói đến đỉnh cao của nghệ thuật xếp đá không thể không nhắc đến Thành Vàng Lồng (xã Tả Phìn), đây là công trình được xây dựng hoàn toàn bằng những viên đá sắc nhọn mà không cần đến bất kỳ một chất kết dính nào. Theo người già kể lại, khi vẫn còn nguyên vẹn, công trình Thành Vàng Lồng có chu vi khoảng trên 400m, với 2 cửa ở hướng Bắc và hướng Ðông.
Thành cấu tạo theo hình vòng cung, uốn lượn theo địa hình đồi núi cao trung bình 2m, mặt tường rộng hơn 1m tạo thành bức tường đá chắc chắn, bề mặt bằng phẳng, người và ngựa có thể đi lại trên mặt thành. Ngày nay, những dấu tích của Thành Vàng Lồng còn lại 2 đoạn tường thành khá nguyên vẹn đang được bảo tồn để phục vụ du khách tham quan.
Với người Mông ở Tủa Chùa, di tích này như là một bảo chứng về những giá trị truyền thống của người Mông, có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc và lưu dấu tập tục xa xưa - hiện được xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Hàng rào đá tạo sinh kế cho người Mông
Từ những giá trị văn hóa đó mà lâu nay, hàng rào đá được các nhà nghiên cứu văn hóa coi là một trong những tri thức dân gian của người Mông. Song, giá trị văn hóa này chưa thực sự phát huy, mới chỉ dừng ở nghiên cứu về văn hóa mà chưa được cộng đồng biết đến rộng rãi. Cũng chính vì chưa kết hợp với công tác bảo vệ và phục vụ phát triển KT-XH nên một số hộ đã phá bỏ tường rào đá để làm vườn, mở rộng nương…
Trước thực trạng trên, ngành Văn hóa huyện Tủa Chùa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến để người dân nâng cao ý thức giữ gìn, không phá bỏ hàng rào đá, phát huy giá trị, góp phần làm phong phú thêm những tiềm năng du lịch của địa phương.
“Để bảo tồn những hàng rào đá, người già dạy người trẻ, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau nên những hàng rào đá cũng được duy trì theo năm tháng và tạo nên một nét văn hóa rất riêng của người Mông nơi đây. Đặc biệt, đã để lại ấn tượng đối với những du khách đã một lần đến với mảnh đất này”, đại diện phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa nói.
Một góc di tích thành Vàng Lồng còn sót lại ngày nay (Ảnh: TL). |
Để bảo tồn những giá trị này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các đơn vị liên quan, đưa hàng rào đá thành điểm nhấn trong tour du lịch của huyện.
Bên cạnh đó, xác định phát triển du lịch là hướng đi lâu dài, vừa bảo tồn văn hóa của người Mông nói chung và hàng rào đá nói riêng, vừa tạo sinh kế cho đồng bào Mông. Gần đây, Ðảng bộ huyện Tủa Chùa đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển du lịch Tủa Chùa, giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến 2030”. Trong đó khẳng định phát triển du lịch là nhiệm vụ chung từ huyện đến cơ sở, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu phát triển du lịch dựa trên các tiềm năng, lợi thế về du lịch văn hóa và sinh thái và gắn phát triển du lịch với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.
Đồng thời, huyện cũng xác định, phát triển du lịch phải dựa trên cơ sở bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái để phát triển bền vững và hài hòa thì mới có thể giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện.
Theo đại diện phòng Văn hóa - Thông tin huyện, trong chương trình hành động về phát triển du lịch của huyện cũng xác định phát triển du lịch phải dựa trên các tiềm năng, lợi thế về văn hóa. Trong đó gìn giữ, nhân rộng và phát huy giá trị độc đáo của hàng rào đá là một trong những mục tiêu được chú trọng.
Không chỉ chú trọng phát triển du lịch, các cấp chính quyền, đoàn thể cũng tích cực tuyên truyền để người dân không lấy đá từ các công trình kiến trúc để dùng vào việc khác, không đập những chóp đá nhọn ở các bãi đá cổ để làm hàng rào của gia đình. Bảo tồn và phát huy giá trị của hàng rào đá nhưng không làm mất đi những giá trị khác nằm trong tổng thể của một vùng di sản.
“Đến nay, huyện đã có nhiều tour du lịch hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm hàng rào đá. Nếu như năm 2015 có trên 3.000 lượt khách đến Tủa Chùa thì năm 2019 huyện đón hơn 13.000 lượt du khách đến tham quan và trải nghiệm. Năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên chỉ có 6.000 lượt du khách đến địa bàn”, đại diện phòng Văn hóa - Thông tin huyện chia sẻ thêm.
Hải Giang