Người Mông sinh sống trên cao nguyên đá ở Hà Giang vẫn luôn tự hào với nghề xe lanh dệt vải truyền thống. Từ cây lanh, người Mông đã tạo dựng nên cả một nền văn hóa sống động, khó có thể hòa tan vào bất kỳ nền văn hóa nào khác. Đặc biệt, kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của phụ nữ Mông trên cao nguyên đá đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Sắc màu cho bức tranh văn hóa
Người Mông ưa chuộng vải lanh không chỉ bởi nó có độ bền hơn hẳn vải bông mà vải lanh có giá trị đặc biệt trong đời sống văn hóa người Mông. Họ dùng lanh làm quần, áo, váy, khăn... Với hàng chục công đoạn, chỉ sử dụng phương pháp thủ công truyền thống cùng với thời gian cả năm trời, phụ nữ Mông mới hoàn thành được một bộ váy, áo.
Hầu hết phụ nữ Mông đến tuổi trưởng thành đều dệt vải lanh thành thạo (Ảnh:TL). |
Công đoạn dệt thủ công gồm các công đoạn chính: Tước vỏ lanh và giã sợi - nối sợi - kéo sợi, quay sợi - tháo sợi - nấu sợi, làm trắng - chà bóng sợi - lên khung, dệt vải.
Bà Vàng Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dệt lanh Lùng Tám (Quản Bạ) cho biết, trải qua gần 40 công đoạn từ thu hái nguyên liệu, tước vỏ, phơi khô, giã nát, nối sợi, luộc tro nghiến, giặt phơi, lăn sợi, dệt, nhuộm chàm, vẽ sáp ong... hoàn toàn bằng phương pháp thủ công và mỗi công đoạn đều đòi hỏi người phụ nữ phải khéo léo, tỷ mỉ.
"Bất cứ người phụ nữ Mông nào đến tuổi trưởng thành đều dệt vải lanh thành thạo. Họ tự dệt cho mình những bộ quần áo màu sắc rực rỡ để mặc trong ngày hội, đi chơi chợ phiên, thậm chí mặc trong ngày về nhà chồng. Chính những điều đó tạo ra nét riêng biệt, tô điểm cho bức tranh văn hóa các dân tộc nơi đây", bà Mai nói.
Đặc biệt, vì người Mông quan niệm khi về trời, nếu không có quần áo lanh thì tổ tiên sẽ không nhận ra mình. Do đó, mỗi người về với tổ tiên cần phải có một bộ quần lanh.
Theo khảo sát thực tế ở làng nghề dệt lanh ở Hà Giang, mặc dù phụ nữ Mông vẫn duy trì nét văn hóa dệt lanh truyền thống của dân tộc mình. Song, công tác bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống cũng gặp những khó khăn nhất định. Nhất là trong những năm trở lại đây, do ảnh hưởng từ nhiều luồng văn hóa du nhập vào đời sống của người dân, sự âu hóa trang phục của các dân tộc đã tạo nên sự cạnh tranh giữa sản phẩm địa phương và các sản phẩm công nghiệp. Do đó, nghề dệt thổ cẩm không còn được nhiều người, nhất là thế hệ trẻ ưa thích.
Hơn nữa, trong điều kiện khoa học kỹ thuật hiện nay, các loại bông vải sợi được sản xuất có giá rẻ hơn và phong phú về mẫu mã, kiểu dáng nên việc sử dụng vải lanh giảm đi nhiều, dẫn đến nghề dệt vải lanh ít phát triển hơn.
“Trước sự phát triển của khoa học, công nghệ, các sản phẩm truyền thống của đồng bào cùng với nghề dệt thổ cẩm đang có dấu hiệu bị mai một, dần bị lãng quên theo thời gian”, chị Giàng Thị Say, Giám đốc HTX dệt lanh Cán Tỷ (Quản Bạ) nhận xét.
Tạo sinh kế để thoát nghèo
Theo đại diện UBND tỉnh Hà Giang, nghề dệt vải lanh của đồng bào dân tộc Mông không chỉ có ý nghĩa bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc mình mà còn góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Thực tế cho thấy, hiện nay, lượng khách du lịch đến cao nguyên đá ngày càng đông. Nếu như trước đây, thổ cẩm thường được trang trí bằng các ô đường diềm, hình khối, mang nhiều ý nghĩa trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Mông và được dùng để may váy, áo. Thì nay, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, sản phẩm thổ cẩm được may thành nhiều loại với thiết kế đẹp mắt, họa tiết, màu sắc đa dạng, phong phú như: Ba lô, túi xách, khăn, ga, gối…
Sản phẩm dệt thổ cẩm của phụ nữ Mông được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao. (Ảnh: TL). |
Do đó, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế bền vững, vừa phục vụ du lịch, phát triển kinh tế địa phương là hướng đi trọng tâm để bảo tồn văn hóa phi vật thể. Không chỉ tạo ra nhiều cơ hội để nghề dệt thổ cẩm phát triển bền vững mà còn tạo việc làm ổn định cho phụ nữ nơi đây.
Thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã đề ra các chính sách như: Hỗ trợ giống và khoa học kỹ thuật cho đồng bào khi gieo trồng cây lanh; phối hợp với các nghệ nhân là phụ nữ dân tộc Mông mở các lớp sơ chế, nhuộm và dệt vải lanh cho các em gái dân tộc Mông.
Bên cạnh đó, đưa nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các HTX dệt vải lanh mở rộng quy mô phát triển làng nghề. Đồng thời mở rộng nghề dệt vải lanh ra các địa phương khác trên địa bàn.
Nhờ đó, sự độc đáo từ chất liệu vải lanh đã được các nhà thiết kế biết tới, tạo thành các sản phẩm thời trang cho các văn nghệ sĩ khi biểu diễn ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các nhà hàng, khách sạn cũng sử dụng những sản phẩm họa tiết, màu sắc đa dạng, phong phú để trang trí nội thất. Đặc biệt, hàng năm, các HTX dệt lanh tại 4 huyện cao nguyên đá đều có đơn đặt hàng của một số nước như Pháp, Đức…
“Trước khi có dịch Covid-19, mỗi năm HTX đón khoảng 2 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Nhờ đó, hàng nghìn sản phẩm đã được bán ra thị trường, tạo việc làm cho hàng chục phụ nữ Mông với thu nhập ổn định”, bà Vàng Thị Mai Giám đốc HTX Dệt lanh Lùng Tám nói.
Còn tại HTX sản xuất vải lanh xã Cán Tỷ, các sản phẩm từ nghề dệt lanh của HTX đã nhận được sự quan tâm của khách tham quan và đã có mặt tại hầu hết các hội chợ trong và ngoài tỉnh.
“Nhờ có các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh nên hiện nay, các sản phẩm từ nghề dệt lanh của HTX đã có chỗ đứng trên thị trường. Trung bình mỗi tháng thu nhập của mỗi thành viên trên 6 triệu đồng, từ đó cuộc sống nhiều chị em ổn định hơn trước”, chị Giàng Thị Say chia sẻ.
Ngoài hỗ trợ phát triển kinh tế, tỉnh còn tổ chức các lễ hội nghề thêu, dệt vải lanh truyền thống của dân tộc Mông. Đây không chỉ là các hoạt động vui chơi, giải trí mà bà con dân tộc Mông còn mang đến nhiều kinh nghiệm về làng nghề thêu, dệt vải lanh. Song song với đó, giới thiệu, tôn vinh tay nghề tinh hoa của những nghệ nhân; quảng bá xúc tiến thương mại, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong tỉnh.
Mới đây, Đề án “Phát triển các sản phẩm thổ cẩm từ vải lanh tự nhiên, được thiết kế mới hoàn toàn, hoa văn đa dạng, giá thành lợp lý” của HTX Dịch vụ tổng hợp Nông, lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn (Đồng Văn) được đánh giá là 1 trong 20 “ý tưởng khởi nghiệp” xuất sắc của phụ nữ cả nước được hỗ trợ vốn để phát triển. Đây không chỉ là niềm vui của HTX mà còn là niềm vui chung của toàn tỉnh Hà Giang trong việc bảo tồn và phát triển nghề dệt lanh truyền thống.
Hải Giang