Người Sán Dìu tự hào nhất trong vốn văn hóa dân gian của dân tộc mình là khúc hát Soọng cô ngọt ngào, véo von như giọng hót của chim sơn ca núi rừng. Đây là làn điệu dân ca đặc sắc, được lưu giữ hàng trăm năm trong kho tàng văn hoá, văn nghệ dân gian ở Vĩnh Phúc.
Làn điệu dân ca đặc sắc
Theo tiếng Sán Dìu, Soọng nghĩa là hát, còn Cô là ca. Tục hát Soọng cô thường diễn ra vào dịp nông nhàn, sau khi thu hoạch vụ mùa vào tháng 11, tháng Chạp âm lịch hoặc trong các dịp lễ hội, Tết đến Xuân về, đám cưới, hát giao duyên, đón bạn bè, anh em…
Các điệu hát Soọng Cô giàu tính dân tộc, phản ánh cuộc sống lao động của nhân dân, thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước, tình cảm lứa đôi của người Sán Dìu.
Soọng cô là một kiểu hát giao duyên giữa nam và nữ. (Ảnh: TL). |
“Đặc điểm các bài hát dân ca của dân tộc Sán Dìu thường có 4 câu 7 chữ, gọi là “ thất ngôn tứ tuyệt" hoặc 28 chữ hay 24 chữ. Những bài hát chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Hán Nôm. Lời bài hát có nhiều ẩn ý, nhiều khi phải suy ra nên lời bài hát rất uyên thâm”, ông Hoàng Văn Thạch nhà nghiên cứu hát dân ca dân tộc Sán Dìu cho biết.
Soọng cô là một kiểu hát giao duyên giữa nam và nữ. Bên nữ hát từng câu hát đối, rồi bên nam hát đáp lại, cứ hát đối đáp thế thông từ ngày qua đêm, lại qua ngày đến lúc nào mệt, tàn canh thì thôi.
Mỗi cuộc Soọng cô có thể kéo dài 5-7 ngày, có khi tới 15 ngày, từ làng này qua làng khác. Trình tự cuộc hát thường bắt đầu từ “hát làm quen”, đến “hát chào hỏi”, “hát mời nhau uống nước, ăn trầu”, “hát tâm tình đôi bên nam nữ”, “hát sang canh gà gáy”, “hát chia tay”…
Song, hiện nay, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, đặc biệt là với dân tộc Kinh diễn ra mạnh mẽ, nên các nét truyền thống của người Sán Dìu ít nhiều bị mai một, trong đó có cả làn điệu Soọng Cô. Các nam thanh, nữ tú cũng không còn tụ tập thành các đám hát nữa.
Bên cạnh đó, dân ca Sán Dìu chủ yếu được truyền khẩu trong dân gian, lớp trước truyền cho lớp sau nhưng các làn điệu dân ca Soọng cô cổ hầu như chỉ còn lưu giữ ở một số người tuổi xế chiều, bởi họ được học chữ Nôm Sán Dìu dẫn đến một số bài hát truyền khẩu đang đứng trước nguy cơ thất truyền.
“Lớp người lưu giữ văn hóa dân gian ngày càng cao tuổi, rồi sẽ già yếu và không còn nữa. Trong khi đó, thanh niên dân tộc Sán Dìu hiện nay không có nhiều người thực sự say mê tìm hiểu, lưu giữ vốn cổ dân tộc.
Đặc biệt, lớp trẻ của đồng bào dân tộc Sán Dìu không sử dụng thành thạo ngôn ngữ của dân tộc mình nên việc học hát cũng là một khó khăn lớn để bảo tồn loại hình dân gian này”, ông Thạch lo ngại.
Cần biết "gạn đục khơi trong"
Theo Thạc sĩ Trần Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa Sán Dìu Việt Nam, mỗi cá nhân người Sán Dìu phải nhận thức được tầm quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc để từ đó bảo tồn và phát huy các giá trị đó. Tuy nhiên, bảo tồn và phát huy cũng phải biết gạn đục khơi trong, giữ lấy những giá trị tích cực, loại bỏ những hủ tục làm sống dậy những mỹ tục như hát Soọng cô, các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội mùa xuân...
Đứng trước thực tế là điệu hát Soọng Cô có thể bị lãng quên, các cơ quan chức năng của huyện đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng và hỗ trợ thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB) văn nghệ dân gian của người Sán Dìu ở huyện Tam Đảo để bảo tồn loại hình dân ca độc đáo này.
Hiện, toàn huyện đã thành lập được hơn 20 CLB hát Soọng Cô, riêng xã Đạo Trù có 15 CLB với đông đảo hội viên và nghệ nhân hát Soọng cô tham gia. Các CLB đã tập hợp được những hạt nhân văn nghệ, trong đó có nhiều gương mặt trẻ đầy triển vọng để tiếp thu tinh hoa truyền thống và lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Ngoài duy trì sinh hoạt thường xuyên, các CLB còn thường xuyên tham gia biểu diễn, giao lưu để học hỏi, sưu tầm các làn điệu cổ, giới thiệu rộng rãi tới nhân dân trong và ngoài tỉnh về nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu tại Vĩnh Phúc.
Nghệ nhân Lê Đại Năm dạy hát Soọng cô cho các bạn trẻ. (Ảnh: TL). |
Trăn trở trước bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình sẽ bị thất truyền, hơn 20 năm nay, ông Lê Đại Năm (xã Đạo Trù) đã tìm hiểu, sưu tầm, biên soạn và sáng tác nhiều tác phẩm thơ, ca, truyện cổ, các làn điệu Soọng cô và truyền dạy lại những câu hát Soọng cô nhằm gìn giữ hồn cốt văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ông đã vận động những người có tuổi còn nhớ và hát được Soọng cô tham gia CLB hát Soọng cô khu phố Chợ do ông làm chủ nhiệm.
Nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của ông, nhiều người từ sự yêu thích, say mê đã ngày càng hát hay, múa giỏi. Đến nay, CLB đã có 65 thành viên ở nhiều lứa tuổi tham gia.
Bên cạnh đó, ông còn tổ chức các lớp học tiếng Sán Dìu miễn phí cho thanh, thiếu niên tại địa phương và tranh thủ dạy cho họ hát dân ca Soọng cô xen kẽ những tiết học. Hiện nay, lớp học của ông được duy trì thường xuyên, thu hút được nhiều bạn trẻ không chỉ trên địa bàn mà còn ở các xã lân cận theo học.
“Tôi cố gắng mở lớp truyền dạy cho các cháu để các cháu hiểu bài hát, hiểu lời ăn tiếng nói của dân tộc mình, từ đó giúp các cháu giữ bản sắc văn hóa”, ông Năm chia sẻ.
Đặc biệt, ngôi nhà nhỏ của ông Lê Đại Năm được đặt làm Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa Sán Dìu. Đây là một địa chỉ tin cậy mà các cơ quan quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh tìm đến khi muốn nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu.
Nhằm khuyến khích phong trào ca hát, bảo tồn bản sắc dân tộc, hằng năm UBND huyện hỗ trợ kinh phí cho CLB hát dân ca và đều đặn tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc tạo sân chơi cho đồng bào.
Gần đây, tại xã Đạo Trù, UBND huyện Tam Đảo phối hợp với Cục Văn hóa Cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức đêm giao lưu văn nghệ “Hát Soọng cô dân tộc Sán Dìu” gắn với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tuyên truyền, giới thiệu và bảo tồn những làn điệu dân ca đặc sắc của dân tộc Sán Dìu.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, để bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, hiện Sở đang xây dựng tiến hành đưa Soọng cô vào biểu diễn khai thác du lịch.
“Việc đưa Soọng cô vào phục vụ khách du lịch là một hoạt động rất mới mẻ với cả nghệ nhân và du khách. Tuy vẫn còn có những khó khăn trong công tác triển khai nhưng đây là vấn đề rất cần các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng quan tâm, đầu tư và định hướng tới các Nghệ nhân và các CLB Soọng cô”, bà Đỗ Thị Kim Thu, phụ trách chính của Lễ hội Văn hóa Sán Dìu nhận xét.
Hải Giang