Ông Kho Sanh, Phó Giáo cả Ban Quản trị Thánh đường Hồi giáo Minh Hòa, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) cho biết: “Hiện nay, ấp Hòa Lộc có 87 hộ đồng bào dân tộc Chăm với 300 nhân khẩu. Được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương nên đời sống bà con làng Chăm đã đổi thay đáng kể. 50% số hộ có mức sống khá, còn lại là trung bình, không còn hộ nghèo.
Làm những điều tốt, xa lánh điều xấu
Theo ông Sanh, mỗi tuần, người Chăm trong xã gặp nhau ít nhất một lần vào ngày thứ sáu tại thánh đường. Ngoài nghi thức tôn giáo, các vị Tul (người dạy giáo lý) đã dạy những bài học về đạo đức, đồng thời phổ biến các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và khuyên mọi người làm những điều tốt, xa lánh điều xấu.
Đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Hồi giáo ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng luôn nỗ lực thực hiện các điều cấm trong đạo để luôn là những người công dân tốt. |
Là một trong những xã xa nhất của huyện Dầu Tiếng và tập trung khá đông đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Hồi giáo, thời gian qua xã Minh Hoà đang cho thấy những nỗ lực trong việc nâng cao chuẩn nông thôn mới, vươn lên làm giàu từ sự góp phần của các mô hình sản xuất nông nghiệp và mô hình HTX kiểu mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình như HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Minh Hòa Phát đang phát triển khá hiệu quả tại xã Minh Hoà, có diện tích trồng cây ăn trái các loại của HTX Minh Hòa Phát là 150ha, lãi ròng của HTX này hiện nay khoảng 20 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí. HTX còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương.
Bên cạnh việc tích cực tham gia phát triển kinh tế thì cộng đồng Chăm theo đạo Hồi giáo tại xã Minh Hòa luôn nỗ lực thực hiện các điều cấm trong đạo để luôn là những người công dân tốt. Chính quyền xã cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật, gặp gỡ để trao đổi và ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của họ trong các lĩnh vực…
Không chỉ ở xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng, thời gian qua, đồng bào Chăm theo đạo Hồi trong tỉnh Bình Dương cũng được thụ hưởng các chính sách dân tộc như: Đầu tư xây dựng cụm văn hóa, chợ; đường giao thông nông thôn vào khu vực đồng bào dân tộc…
Ngoài ra, hàng năm, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của tỉnh Bình Dương đã tập trung triển khai các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến đồng bào Chăm theo đạo Hồi như Quy chế dân chủ ở cơ sở, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật bảo vệ Môi trường, Luật bảo vệ và phát triển rừng…
Hoặc như lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của nhân dân để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, vận động đồng bào tham gia bảo vệ môi trường, ăn ở hợp vệ sinh, chấp hành nghiêm luật An toàn giao thông nhằm giúp đồng bào Chăm trong tỉnh Bình Dương có ý thức đoàn kết, sống hòa đồng với các dân tộc khác, không có hiện tượng chia rẽ, phân biệt.
Chung tay xây dựng xứ đạo văn minh
Trong việc chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào tôn giáo ở tỉnh Bình Dương còn có thể kể đến mô hình “Xứ đạo bình yên” tại giáo xứ Mỹ Hảo ở phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một được thành lập từ năm 2010. Đây là mô hình điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương, hiện có 8 thành viên tham gia sinh hoạt trong ban chủ nhiệm.
Chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền pháp luật và lắng nghe tâm tư của đồng bào công giáo ở xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên. |
Hoạt động của mô hình chủ yếu là tuyên truyền, vận động giáo dân nhằm phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là trong cộng đồng giáo xứ.
Trong 10 năm trở lại ban chủ nhiệm của mô hình này đã phối hợp tổ chức được 91 cuộc tuyên truyền, có 2.423 lượt người tham dự. Qua các cuộc vận động, đồng bào giáo dân tích cực tham gia các phong trào như Phong trào giúp nhau làm kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cuộc vận động Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị...
Ngoài ra, có thể đến mô hình “Xứ đạo An lành - Văn minh” tại xã Lạc An thuộc huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) - nơi có 2.106 hộ dân, trong đó có 87% dân số theo đạo Công giáo. Trên địa bàn xã có 8 giáo xứ và có 8 linh mục coi sóc.
Trên địa bàn xã có 8 giáo xứ và có 8 linh mục coi sóc, trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức mới đây, Linh mục Nguyễn Hồng Ánh, Giáo xứ Cảnh Lâm ở xã Lạc An cho biết: Để bà con công giáo hiểu rõ hơn về cuộc bầu cử, chúng tôi đã tuyên truyền lồng ghép về pháp luật, mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử trong các buổi đi lễ của giáo dân tại nhà thờ.
Thời gian qua, công tác dân vận trong đồng bào công giáo ở xã luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nhằm hướng giáo dân, đạo hữu sống “tốt đời đẹp đạo”.
Cách đây 5 năm, xã Lạc An đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống của người dân trong xã ngày càng nâng cao. Trong năm 2020 thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt 66,69 triệu đồng/người/năm.
Là vùng đất nổi tiếng trồng cam ngon, tập trung đông đồng bào công giáo, thì xã Lạc An phát triển hiệu quả các mô hình Tổ hợp tác, HTX, cùng tinh thần “chọn nông nghiệp để lập nghiệp”. Điển hình là HTX nông nghiệp thương mại và dịch vụ Năm Hạng (ở ấp 4, xã Lạc An) với thương hiệu cam “Năm Hạng” đang được bán ở siêu thị, nhiều chợ đầu mối lớn ở Bình Dương, TP.HCM và một số thị trường trái cây trong cả nước.
Bên cạnh các mô hình xứ đạo nêu trên, theo đánh giá, tại các địa bàn nông thôn của tỉnh Bình Dương nhiều hộ gia đình công giáo hoặc tại các khu dân cư có đông đồng bào công giáo sinh sống như Phú Cường (TP Thủ Dầu Một), Nhà thờ Búng, Nhà thờ Lái Thiêu (thị xã Thuận An) hay tại các Giáo xứ Phước Vĩnh, Tân Hiệp, Kỉnh Nhượng (Phú Giáo), Lạc An (Tân Uyên)… đã chấp hành và thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về tôn giáo, dân tộc.
Nhất là các đồng bào tôn giáo trong tỉnh Bình Dương đã tích cực hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư vốn, công sức và đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi.
Thanh Loan