Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận, các HTX ở địa phương có người Chăm sinh sống thời gian qua đã tích cực nâng cao các hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thành viên và người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Chưa thể bứt phá
Phan Thanh, Phan Hiệp và Phan Hòa là những xã thuần Chăm của tỉnh, chủ yếu phát triển cây lúa nước, nhưng để nâng cao hiệu quả, các địa phương đang dần phát triển theo hướng kinh tế hợp tác, HTX. Theo đó, HTX sẽ là đầu mối tìm đầu ra cho sản phẩm của thành viên, đồng thời hỗ trợ những dịch vụ thiết yếu khi bắt đầu đi vào sản xuất.
Trên địa bàn xã Phan Hiệp, HTX dịch vụ nông nghiệp Công Bình Đức đã có nhiều hoạt động cung ứng vật tư, lúa giống cho thành viên. Hiện nay, HTX Công Bình Đức và 2 cửa hàng vật tư nông nghiệp Quý Phương và Tấn Sỹ đã ký hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững trên địa bàn xã với diện tích 3 vụ/năm là 1.566 ha. Ngoài ra, HTX còn chủ động tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, đầu tư trang thiết bị máy móc để giảm sức lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm và các chính HTX trên cũng gặp không ít khó khăn.
Tiêu biểu như HTX Công Đức Bình mới chỉ tập trung phát triển một số dịch vụ cơ bản cho thành viên, chưa phát triển được mô hình cánh đồng lớn do thiếu đất sản xuất và thiếu vốn. Việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn lúng túng dẫn đến tốc độ phát triển kinh tế của HTX còn chậm.
Hay như HTX thanh long Bắc Bình tuy đã bảo đảm được tiêu chuẩn sản phẩm nhưng vấn đề đầu ra vẫn còn khó khăn do chưa liên kết được với doanh nghiệp một cách bền vững. Chính vì vậy mà quá trình sản xuất vẫn bấp bênh, có vụ mùa bị phụ thuộc vào thương lái.
Chú trọng phát triển theo chuỗi
Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại, đồng thời thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc Chăm, theo Sở NN&PTNT Bình Thuận, địa phương sẽ triển khai nhiều giải pháp thiết thực để không ngừng nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tỉnh Bình Thuận chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về đổi mới, phát triển HTX theo Luật HTX 2012, giúp phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn có người Chăm sinh sống.
Trồng sen là một trong những hướng phát triển kinh tế ở xã Phan Thanh nhưng cần có HTX đứng lên dẫn dắt người dân sản xuất theo chuỗi. |
Đặc biệt, một trong những giải pháp quan trọng là tỉnh sẽ hoàn thiện những cơ chế, chính sách về đất đai, thủ tục hành chính… nhằm tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp làm "đầu tàu" tham gia liên kết cùng HTX tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhằm tạo động lực mới để chuyển đổi hoàn toàn hoạt động của các HTX nông nghiệp. Trong đó, chú trọng phát triển các HTX trồng thanh long, rau màu, trồng sen, dệt vải..., vì đây là thế mạnh của các địa phương có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống.
Bình Thuận cũng tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn vốn đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc Chăm; triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, chính sách an sinh xã hội phục vụ nhu cầu đời sống, sản xuất của vùng đồng bào dân tộc. Những chương trình này sẽ là cơ sở, điều kiện để người Chăm vượt qua những khó khăn ban đầu và vươn lên ổn định cuộc sống, làm giàu chính đáng.
Như Yến