Sự thay đổi lớn nhất trong nhận thức của bà con đồng bào Chăm là không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự chăm lo và chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, mà luôn chủ động phát triển sản xuất kinh doanh. Từ làm ăn mang tính cá thể riêng lẻ, nay một số hộ đồng bào Chăm đã tập hợp nhau lại cùng hợp tác làm ăn trong tổ hợp tác hoặc HTX để thực hiện những mô hình trồng trọt, chăn nuôi với quy mô tập trung hơn.
Liên kết trồng thanh long
Tiêu biểu như HTX thanh long Bắc Bình đã thu hút 14 thành viên và một số hộ dân là đồng bào Chăm tham gia phát triển 20 ha thanh long.
Để hỗ trợ thành viên và người dân, HTX tiến hành cung cấp các dịch vụ đầu vào và nghiên cứu tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm hợp lý, xây dựng phát triển sản xuất kinh doanh lâu dài và mang tính ổn định.
Với mục tiêu sản xuất trái thanh long sạch, HTX áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giúp kinh tế hộ thành viên phát triển thanh long theo hướng bền vững, cải thiện đời sống.
Giám đốc HTX Phạm Văn Bán cho biết, đồng bào dân tộc Chăm trước đây rất vất vả vì sống trên vùng đất cát đầy nắng và gió. Chính vì vậy, ông đã trăn trở tìm nhiều cách làm kinh tế để giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống. Sau thời gian tìm hiểu, ông nhận thấy chỉ có mô hình HTX sẽ giúp bà con có việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, có cuộc sống khá hơn.
Bắc Bình phát triển mô hình trồng thanh long hàng hóa giúp không ít đồng bào dân tộc Chăm nâng cao thu nhập. |
“Nhiều người phải đi làm ăn xa để mong có tiền phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, vào HTX, người dân không phải đi đâu mà có thể kiếm tiền bằng sức lao động của chính mình”, ông Bán cho biết.
Hiện, HTX cung ứng dịch vụ vật tư nông nghiệp, dịch vụ thu mua thanh long, tiếp nhận chuyển giao khoa học công nghệ phát triển cây thanh long. Với sự đồng hành của các ban ngành địa phương, mô hình trồng thanh long của HTX phát triển ổn định, giá bán bình quân đạt 25 – 35 nghìn đồng/kg, giá trị kinh tế trung bình năm đạt trên 240 triệu đồng/ha, từ đó giúp các hộ thành viên ổn định cuộc sống. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm cho một số lao động cùng là đồng bào Chăm với mức thu nhập 150.000 đồng/ngày.
Chia sẻ về cách để người dân nghe và làm theo, ông Bán cho biết, trồng cây gì, chăm sóc ra sao, gia đình ông đều làm trước, các thành viên thấy được hiệu quả sẽ tin và làm theo. Đến nay, ông đã đưa quả thanh long trắng tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được chứng nhận OCOP 3 sao, từ đó tạo niềm tin cho các thành viên vào mô hình kinh tế hợp tác, HTX.
Thích ứng thị trường
Chính sự đoàn kết hợp tác làm ăn này đã tạo cơ hội cho nhiều hộ gia đình không những nhanh chóng thoát nghèo mà hướng tới làm giàu. Những năm gần đây, thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, liên kết phát triển kinh tế hàng hóa gắn với giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, những địa phương có người Chăm sinh sống đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả.
Tiêu biểu là ngoài HTX thanh long Bắc Bình, huyện còn thành lập một số HTX như: HTX Thái Hiệp, Thái Hòa, Thái Bình, HTX Bình Minh… Các HTX đều trực tiếp hoặc gián tiếp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn thông qua những mô hình sản xuất kinh doanh của mình.
Từ các mô hình này, các cán bộ, thành viên, người dân là đồng bào dân tộc Chăm được tham gia các khóa tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức về quản trị HTX, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, marketing và phát triển thị trường; đàm phán và thương thảo hợp đồng; kiến thức về kỹ sản xuất theo mô hình HTX kiểu mới.
Người dân dần làm quen với quy trình sản xuất hàng hóa. |
Ngoài tham gia các khóa đào tạo ngắn ngày, đội ngũ lãnh đạo HTX tổ chức các buổi họp nhóm nông dân để chia sẻ kiến thức về sản xuất.
Anh Sa Mai Ê, một hộ liên kết với HTX thanh long Bắc Bình cho biết, trước đây anh chỉ tự làm tự ăn. Nhưng nay có HTX hỗ trợ, anh đã làm quen với các trang thiết bị hiện đại như máy tính, máy in, kết nối mạng internet, qua đó giúp kết nối, trao đổi với thành viên, đối tác thương mại và các cơ quan quản lý, cửa hàng tiêu thụ sản phẩm nông sản đạt chuẩn để trao đổi kinh nghiệm và tiêu thụ hàng hóa.
Có thể thấy, các HTX không chỉ giúp người dân tộc Chăm nâng cao kinh tế mà còn nâng cao kỹ năng sản xuất nông nghiệp để từng bước thích ứng thị trường sản xuất hàng hóa.
Bài 3: Để HTX thực sự là 'đầu tàu' liên kết
Như Yến