Đồng bào Chăm là một trong những dân tộc thiểu số đông nhất tỉnh Bình Thuận. Theo Ban Dân tộc tỉnh, tính đến nay, đồng bào Chăm có 9.041 hộ/39.656 khẩu, chiếm 3,12% dân số toàn tỉnh và chiếm 38,98% trong các dân tộc thiểu số.
Dấu ấn Phan Hòa
Người Chăm sống tập trung chủ yếu ở 4 xã: Phú Lạc (huyện Tuy Phong), Phan Thanh, Phan Hòa, Phan Hiệp (huyện Bắc Bình) và rải rác ở một số thôn tại các huyện Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam.
Kinh tế chủ yếu của đồng bào Chăm là sản xuất lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một bộ phận người Chăm có phát triển nghề dệt, nghề làm gốm và buôn bán thuốc nam.
Trong những năm qua, Bình Thuận luôn quan tâm triển khai và thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào Chăm, nhất là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện các chính sách này đã đạt được những kết quả rất quan trọng, cơ bản làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Chăm.
Tiêu biểu là Phan Hòa - một trong những xã thuần đồng bào dân tộc Chăm của huyện Bắc Bình. Người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nên diện tích đất ruộng lớn. Để khai thác thế mạnh tự nhiên, các hộ dân ở Phan Hòa tập trung phát triển mạnh cây lúa nước.
Trước đây, do khó khăn về nguồn nước nên hầu hết diện tích lúa chỉ sản xuất được 1 - 2 vụ/năm. Tuy nhiên, nhờ đầu tư hệ thống thủy lợi, nguồn nước đã thuận lợi hơn, từ đó tạo điều kiện cho cây lúa phát triển.
Đến nay, hầu hết diện tích lúa của bà con đều cho năng suất cao, nhờ đó đời sống được nâng lên. Theo người dân nơi đây, lúa tuy không phải là cây trồng cho giá trị kinh tế cao nhưng bảo đảm được an ninh lương thực. Chính quyền cũng vận động người dân thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư máy móc thực hiện cơ giới hóa kết hợp xã hội hóa giống lúa..
Quá trình xã hội hóa giống lúa được thực hiện thông qua việc tạo điều kiện để người dân - HTX dịch vụ nông nghiệp Phan Hòa - doanh nghiệp cùng liên kết trồng lúa giống chất lượng cao. Chính vì vậy, người dân vừa có nguồn lúa giống chất lượng để gieo trồng, vừa tăng thêm thu nhập khi bán lúa giống cho doanh nghiệp.
Ngoài cây lúa, Phan Hòa còn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó định hướng người dân phát triển cây thanh long theo hướng hàng hóa.
Bà Lư Thị Cương (thôn Bình Hòa) được địa phương hỗ trợ trồng thanh long theo chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số với 100 trụ thanh long. Sau 2 năm chăm sóc, đến nay gia đình bà đã phát triển lên 1.220 trụ.
“Để bảo đảm sản xuất, gia đình đã áp dụng kỹ thuật xông đèn cho thanh long ra trái vụ, đồng thời đào ao, rãnh dọc các luống để chứa nước, nhằm chủ động chăm sóc vào mùa khô”, bà Cương cho biết.
Hiện, gia đình bà Cương là một trong những hộ thoát nghèo thành công nhờ phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương.
Nghề dệt cũng được quan tâm phát triển ở Phan Hòa. |
Song song với đó, xã tạo điều kiện để các hộ vay vốn mua máy móc, nguyên liệu phát triển nghề dệt truyền thống. Hiện, nghề dệt đang giúp các hộ có thêm nguồn thu từ 2-5 triệu đồng/tháng, trong khi tận dụng được thời gian nông nhàn.
Việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn xã Phan Hòa thời gian qua đã góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo bền vững, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 4%/năm.
Theo đánh giá của huyện Bắc Bình, sự phát triển của xã Phan Hòa đã góp phần thúc đẩy kinh tế của toàn huyện. Đến nay, 99% đồng bào dân tộc Chăm ở Phan Hòa đã có việc làm, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm. Sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 550 - 600kg/người/năm.
Những bước đi phù hợp
Để có được kết quả như trên, Bình Thuận chú trọng các chính sách phát triển dân tộc thiểu số đến đồng bào Chăm. Tiêu biểu là có chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nhận khoán quản lý rừng, hỗ trợ bò giống, hỗ trợ lúa giống chất lượng cao, xây dựng hồ đập chứa nước…
Đến nay, hầu hết các xã có đồng bào Chăm sinh sống đều có hệ thống cung cấp nước sạch, với hơn 85% hộ dân sử dụng; 98% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. Đường giao thông thuận lợi đến từng khu dân cư; 100% xã có trạm y tế.
Đời sống của đồng bào dân tộc Chăm đã được cải thiện nhờ những chính sách phù hợp. |
Các thôn vùng đồng bào Chăm đều có trường học từ cấp mẫu giáo đến trung học cơ sở, hầu hết đều được xây dựng mới khang trang; 3/4 xã thuần đồng bào Chăm của tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Sự nỗ lực vươn lên của đồng bào Chăm đã góp phần giữ vững và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, tỉnh Bình Thuận đã có những bước đi phù hợp, sát và tập trung vào những khâu đột phá như cấp đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo cơ sở nâng cao đời sống ở vùng đồng bào dân tộc Chăm.
Bài 2: Liên kết phát triển kinh tế
Như Yến