Là một tỉnh miền núi thuộc khu vực miền Đông Nam bộ, Bình Phước có diện tích tự nhiên là 6.876,76 km2, dân số là 997.766 người gồm có 40 dân tộc thiểu số, với 193.860 nhân khẩu, chiếm 20,14% dân số toàn tỉnh. Trong đó, người dân tộc S’tiêng có khoảng 100.000 người. Đồng bào S’tiêng Bình Phước được xem là người dân tộc bản địa, sống lâu đời tại các huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Hớn Quản, thị xã Bình Long, Phước Long.
Thanh âm của núi rừng
Sóc Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) là nơi đồng bào S’tiêng định cư với lối sinh hoạt, phong tục, tập quán riêng. Trải qua thời gian, sóc Bom Bo đã trở thành dấu mốc trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc với khẩu hiệu “Toàn Sóc Bom Bo giã gạo nuôi quân”.
Đồng bào S’tiêng ở đây chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp và sử dụng sắc thái văn hóa truyền thống, qua làn điệu dân ca, điệu nhạc cồng chiêng làm nền tảng sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần.
Có thể nói, nhịp chày giã gạo của đồng bào S’tiêng cùng với âm thanh trầm bổng của tiếng nhạc từ cồng chiêng là “món ăn” không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào S’tiêng.
Màn biểu diễn cồng chiêng trong lễ hội mừng lúa mới của bà con dân tộc S'tiêng ở Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (Ảnh:TL) |
Nhắc đến cồng chiêng, đồng bào S’tiêng ở thôn thôn 7, xã Long Giang nghĩ ngay đến ông Điểu Huyền Lít, người “giữ hồn” cho di sản cồng chiêng. Nhiều năm qua, ông đã dành trọn tâm sức sưu tầm nhiều bộ cồng chiêng quý của đồng bào.
“Âm thanh trầm, bổng ngân vang của cồng chiêng vang lên chính là âm thanh của âm hưởng núi rừng, lễ hội, của văn hóa tâm linh của đồng bào S’tiêng. Đây chính là nét văn hóa và cũng chính là niềm tự hào của đồng bào dân tộc S’tiêng ở Bình Phước,” ông Điểu Huyền Lít chia sẻ.
Đến với ấp Thuận Tiến (xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, Bình Phước), nơi điển hình trong bảo tồn và phát huy các văn hóa đặc sắc của người S’tiêng ở Đồng Phú, gặp già làng Điểu Sết, ông cho biết, cồng chiêng là cầu nối để con người gửi gắm tâm tư, nguyện vọng đến trời đất, các vị thần, cầu mong những điều tốt lành cho cuộc sống gia đình. Đây chính là món ăn tinh thần, là “tôn giáo” không thể thiếu trong suốt cuộc đời của người S’tiêng.
“Dân tộc S’tiêng có nhiều loại nhạc cụ truyền thống lắm, như trống, đàn bầu, sáo... Nhưng cồng chiêng là nhạc cụ tiêu biểu và linh thiêng nhất. Với người S’tiêng, cồng chiêng là tài sản vô giá, là nét văn hóa mang đậm dấu ấn thời gian và không gian. Đó còn là biểu tượng cho sức mạnh vật chất và cả tinh thần của người S’tiêng", già làng Điểu Sết tâm sự.
Là một trong những người gắn bó lâu năm với di sản độc đáo này, ông Điểu Vinh (ấp Thuận Tiến) cho hay: “Cồng chiêng là bản sắc riêng của người S’tiêng, nó gắn bó như máu thịt, làm nên giá trị văn hóa của đồng bào. Mỗi lần biểu diễn cồng chiêng, chúng tôi cảm thấy tự hào. Ngoài những điệu cơ bản, chúng tôi còn sáng tạo, biến tấu tiếng cồng chiêng theo các điệu nhạc cách mạng ca ngợi Đảng và Bác Hồ”.
Di sản vô giá
Nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Nho Dương – Bảo tàng Bình Phước cho biết, cồng chiêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của người S’tiêng ở Bình Phước. Trong tất cả các lễ hội có quy mô lớn hay nhỏ đều có sự tham gia biểu diễn của cồng chiêng.
“Cồng chiêng của Bình Phước là một bộ phận trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, ông Đinh Nho Dương cho biết thêm.
Bà Trương Thị Mỹ Huệ (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước) cho rằng, cồng chiêng là di sản văn hóa tồn tại từ nền văn hóa Đông Sơn cách đây 3.500-4.000 năm. “Cồng chiêng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người S’tiêng Bình Phước. Đây chính là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu giữa con người, thần linh và các thế lực siêu nhiên, biểu hiện cho tài sản, quyền lực và sự an toàn của mỗi gia đình”.
Theo Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Phước, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về văn hóa dân tộc S’tiêng tỉnh Bình Phước: Đồng bào S’tiêng quần cư khá lâu đời và tạo dựng cho riêng mình một bản sắc văn hóa đặc trưng. Trong đó, nghệ thuật cồng chiêng của đồng bào S’tiêng phong phú hơn cả. Nó không chỉ mang bản sắc riêng, phục vụ cộng đồng cư dân mà còn có sự giao thoa văn hóa với các cộng đồng dân tộc khác.
Hình ảnh một bộ cồng chiêng được trưng bày trong bảo tàng (Ảnh:TL) |
Theo tài liệu tham khảo, người S’tiêng có hai nhóm chính là S’tiêng Bù Lơ (sinh sống ở vùng cao) và S’tiêng Bù Đế (sống ở đồng bằng hoặc vùng trung du). Với người S’tiêng Bù Lơ, cồng chiêng là tên gọi chung chứ không phân biệt cái nào là cồng, cái nào là chiêng.
Còn với người S’tiêng Bù Đế lại có cách hiểu khác, người S’tiêng Bù Đế cũng gọi cồng chiêng như tên gọi chung chung, nhưng gọi chiếc cồng (có núm ở chính giữa) là chiêng.
Tuy vậy, bộ cồng chiêng của hai nhóm người S’tiêng đều là một bộ cồng (có núm ở giữa) gồm 5 chiếc và một bộ chiêng gồm 6 chiếc, những chiếc cồng hoặc chiêng trong một bộ có nhiều cỡ, đường kính từ 20-60cm, loại cực đại có thể lên tới 120 cm và tạo ra âm thanh, âm điệu khác nhau.
Có thể thấy, cồng chiêng S’tiêng không chỉ độc đáo về các nốt trầm bổng mà còn là cuộc sống của người S’tiêng. Tiếng cồng chiêng vang lên như có thể cảm nhận được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy và không gian lễ hội của đồng bào S’tiêng.
Hải Giang
Bài 2: Nỗi lo mai một