Theo các vị già làng trong tộc người S’tiêng ở Bình Phước: Cồng chiêng là bản sắc văn hóa của đồng bào người S’tiêng, được sử dụng trong các nghi lễ, lễ hội của gia đình và phum sóc, hay trong những dịp tiếp khách quý... Thế nhưng, giờ đây tiếng cồng chiêng trở nên xa lạ với thế hệ trẻ nơi này và cũng rất nhanh chóng dần bị thay thế bởi những dòng nhạc lai căng, lạ lẫm...
Tiếng lòng từ các nghệ nhân
Tuy đã bước qua tuổi lục tuần nhưng nghệ nhân Điểu Kiêu (thôn Bù Gia Phúc I, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) vẫn luôn mang trong mình đam mê với các nhạc cụ truyền thống. Ông là người đánh chiêng có tiếng của cộng đồng người S’tiêng tại Bù Gia Mập.
Nghệ nhân Điểu Kiêu cho biết, với người dân tộc S’tiêng ở Bình Phước, cồng chiêng được đồng bào coi là vật linh thiêng nhất, có giá trị to lớn trong gia đình và cũng là bản sắc văn hóa của cộng đồng, mang đậm ý nghĩa tâm linh. Tuy nhiên, do sự ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác, đặc biệt là từ các luồng văn hóa nước ngoài nên văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Bình Phước đang bị mai một dần theo thời gian.
“Văn hóa truyền thống của dân tộc không còn mấy hấp dẫn với giới trẻ. Bên cạnh đó, số người biết sử dụng cồng chiêng hay kèn sừng trâu hiện nay phần lớn đã lớn tuổi và còn lại rất ít. Do đó, nguy cơ mai một nghệ thuật cồng chiêng trong cộng đồng người S’tiêng là điều khiến tôi vô cùng lo lắng”, nghệ nhân Điểu Kiêu tâm sự.
Giới trẻ ngày nay còn rất ít người quan tâm đến nghệ thuật cồng chiêng (Ảnh: TL) |
Là người kế thừa và gìn giữ sắc thái văn hóa cồng, chiêng của dân tộc mình, bộ sưu tập cồng chiêng của ông Điểu Huyền Lít luôn được giữ gìn cẩn thận.
Ông Lít cho hay: “Việc sưu tầm, khôi phục, gìn giữ các giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số tại thị xã Phước Long hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, một phần do thế hệ trẻ chưa hiểu hết về văn hóa cồng, chiêng của dân tộc. Dù vẫn còn người biết biểu diễn nhưng nếu không truyền đạt cho thế hệ sau sẽ bị mai một nét văn hóa độc đáo này”.
Cùng chung nhận định với ông Lít, ông Điểu Khuy, một trong những người có kinh nghiệm biểu diễn cồng, chiêng mỗi khi có dịp lễ, hội, cho biết, được gia đình truyền lại nên ông đã biết đánh cồng, chiêng từ rất sớm.
“Đánh cồng, chiêng cần có niềm đam mê trong khi thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm đến loại hình nghệ thuật này. Thế hệ đi trước chúng tôi luôn vận động các cháu tiếp nối truyền thống bản sắc dân tộc mình”, ông Khuy chia sẻ.
Số lượng cồng chiêng đang ngày một "vơi" đi
Các nhà nghiên cứu văn hóa đã nhận định, rừng và nương rẫy dần mất, sự phát triển nhanh chóng của tín ngưỡng khác là những nguyên nhân chính làm mai một âm nhạc cồng chiêng của tộc người S’tiêng.
Bên cạnh đó, do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, của văn hóa và lối sống hiện đại, nên văn hóa lễ hội truyền thống, không gian văn hóa cồng chiêng đang bị mất dần trong đời sống cộng đồng các dân tộc bản địa.
Không gian văn hóa cồng chiêng đang bị mất dần trong đời sống cộng đồng các dân tộc bản địa (Ảnh:TL) |
“Chính vì vậy, hiện nay chúng ta chỉ còn thấy âm nhạc cồng chiêng được trình diễn tại các lễ hội, các điểm du lịch, các chương trình văn hóa văn nghệ dân gian được dàn dựng theo kịch bản. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến không gian văn hóa cồng chiêng của tộc người S’tiêng đang đứng trước nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp”- các nhà nghiên cứu văn hóa nhận định thêm.
Không chỉ vậy, chính vì thay đổi phương thức sản xuất dẫn đến những biến đổi trong nếp sống, sinh hoạt của người dân đã tác động tiêu cực đến việc lưu giữ các nhạc cụ. Nhiều gia đình đã mang bán đi những bộ cồng chiêng quý để lấy vốn sản xuất và giải quyết đời sống khó khăn của mình. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn mua bán cồng chiêng ngày càng phát triển, làm vơi đi rất nhiều số lượng cồng chiêng trong các gia đình.
Ngoài ra, thanh niên ở đây biết đến những giá trị của cồng chiêng ngày càng ít, không còn gắn bó với những sinh hoạt của cộng đồng như trước đây. Vì thế cồng chiêng dường như trở thành chuyện của người già và đang nằm bên bờ vực của sự mai một. Điều đáng nói là các nghệ nhân nắm giữ những giá trị nghệ thuật cồng chiêng cũng đã mất hoặc còn rất ít và cũng đã đến độ tuổi “gần đất xa trời”.
Còn một vấn đề khác đặt ra là công tác kiểm tra, quản lý các hoạt động văn hóa cồng chiêng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu được giá trị văn hóa cồng chiêng để cùng nhau gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng chưa thực sự được phát huy hiệu quả. Chính vì lẽ đó, việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa cồng chiêng trong bối cảnh hiện nay là việc làm cấp bách.
Hải Giang
Bài cuối: Chung sức gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống