Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước cho biết, nhiều năm qua Sở đã tiếp nhận khuyến nghị từ các nhà khoa học quan tâm, khuyến khích các hoạt động văn hóa có sử dụng cồng chiêng và tiếp tục duy trì tổ chức các liên hoan cồng chiêng thường niên ở cấp xã, huyện và tỉnh.
Từ đó, huy động các đội cồng chiêng, các nghệ nhân người S’tiêng tham gia nhằm truyền cảm hứng và góp phần bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể cồng chiêng. Bên cạnh đó, tại các trường dân tộc nội trú cũng được khuyến khích đưa môn cồng chiêng vào truyền dạy cho học sinh người đồng bào dân tộc S’tiêng.
Sự vào cuộc của chính quyền
Thời gian qua, nhiều thanh niên S’tiêng thôn Thiện Cư được già làng Điểu Creo truyền dạy vẫn một lòng đam mê bộ nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Họ đã hiểu được giá trị nghệ thuật độc đáo của cồng chiêng và biểu diễn thuần thục loại nhạc cụ này.
“Được già làng Điểu Creo truyền dạy, tôi đã biết sử dụng cồng chiêng và cảm thấy vô cùng hãnh diện, tự hào khi là thế hệ tiếp nối lưu giữ những giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào mình”, anh Điểu Quyết cho biết.
Với mục đích phục vụ các hoạt động phong trào của thôn, xã, các dịp lễ hội của đồng bào DTTS ở huyện cũng như cấp tỉnh, đồng thời tạo điều kiện cho các thế hệ trẻ hiểu thêm giá trị truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, phát huy, gìn giữ bản sắc dân tộc mà ông cha để lại, Ban Chỉ đạo công tác Dân tộc - Tôn giáo huyện Bù Đốp đã ra mắt đội cồng chiêng thôn Thiện Cư với 10 thành viên.
"Tôi tin rằng cùng với đội cồng chiêng của huyện Bù Đốp, những bài học cồng chiêng của ông Điểu Creo sẽ góp phần tích cực vào việc phục hồi và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào S’tiêng”, anh Điểu Quyết khẳng định.
Thành viên đội cồng chiêng huyện Bù Đốp biểu diễn (Ảnh:TL) |
Còn ở huyện Đồng Phú, hàng năm huyện đều tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số phát huy văn hóa cồng chiêng, tạo điều kiện cho các dân tộc nâng cao đời sống tinh thần, sự hiểu biết, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển. Không chỉ vậy, 2 năm 1 lần, huyện còn tổ chức liên hoan văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số.
Tại huyện Hớn Quản, Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện đã tổ chức khai giảng lớp dạy cồng chiêng cho các câu lạc bộ, đội, nhóm các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Từ đó, phát huy vai trò của già làng, những người có uy tín, các nghệ nhân văn nghệ dân gian trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc S'tiêng.
Qua đó giáo dục và truyền đạt cho thế hệ trẻ tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa truyền thống của người S’tiêng, hướng tới xây dựng không gian văn hoá cồng chiêng trở thành loại hình văn hoá nghệ thuật đặc sắc phục vụ nhân dân trong và ngoài huyện.
Ông Phạm Hữu Hiến, Trưởng phòng Bảo tồn – Bảo tàng, bảo tàng tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh sẽ quan tâm đến việc phục hồi các xưởng chế tạo cồng chiêng, góp phần bổ sung thêm nhạc cụ cho người dân. Đây chính là một cách tích cực để đẩy mạnh phong trào biểu diễn, sử dụng cồng chiêng trong các dân tộc.
Đồng thời, nâng cao tuyên truyền hơn nữa cho người dân hiểu được giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình để cùng gìn giữ, bảo vệ phát huy trong nền văn hóa cộng đồng.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh công tác khảo cứu điền dã, trao đổi với các nghệ nhân, xây dựng phòng lưu trữ di sản văn hóa cồng chiêng, tổ chức đội ngũ nghiên cứu có chuyên môn về âm nhạc truyền thống.
“Thời gian qua, tỉnh đã tập trung vào việc hỗ trợ sinh kế cho bà con đồng bào như: tiếp cận vay vốn, mua sắm nông cụ sản xuất, trao con giống, cây giống,… tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Từ đó có thể giảm tình trạng mua bán cồng chiêng, góp phần bảo tồn nét văn hóa đặc sắc này”, ông Lý Trọng Nhân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cho hay.
Để không còn tình trạng “đánh chiêng bỏ dùi”
Cũng theo ông Tiến, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng của người S’tiêng tại Bình Phước hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh phí và chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, việc truyền dạy chủ yếu được thực hiện bằng hình thức truyền miệng, hướng dẫn trực tiếp trong khi người trẻ am hiểu cồng chiêng rất ít.
Không chỉ vậy, tuy nghệ thuật cồng chiêng đã được quan tâm hơn trước, nhiều chương trình được tổ chức và mở lớp truyền dạy. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng “đánh chiêng bỏ dùi”. Cồng chiêng chưa thực sự trở về với không gian của nó để cùng thăng hoa giữa nơi mà nó được sinh ra.
"Đây là những rào cản lớn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vận động bà con, những người am hiểu để duy trì hoạt động phong trào. Từ đó, tạo nên sức sống cho cồng chiêng S’tiêng”, già làng Điểu Sết nhấn mạnh.
Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Mai Xuân Tuân và Giám đốc Công ty TNHH Thành Liêm trao tặng cồng chiêng cho đội cồng chiêng thôn Thiện Cư. |
Nêu ý kiến của mình, ông Điểu Cần, Trưởng thôn Thiện Cư cho biết: "Để văn hóa cồng chiêng không bị mai một, các ngành chức năng cần thường xuyên tổ chức nhiều hơn nữa những lớp, khóa đào tạo bài bản về nhạc cụ này cho lớp trẻ".
Đồng thời ông cũng hi vọng, chính quyền tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về chủ trương và hỗ trợ kinh phí, tăng cường hoạt động kết nối để bà con được tham gia biểu diễn, mang đến cơ hội giao lưu, học hỏi cho người trẻ kế cận.
Vừa qua, tại thôn Thiện Cư, Ban Chỉ đạo công tác Dân tộc - Tôn giáo huyện Bù Đốp đã trao bộ cồng chiêng gồm 5 cái, được đúc bằng đồng có giá trị khoảng 30 triệu đồng từ kinh phí tài trợ để tặng đồng bào dân tộc thiểu số S'tiêng vùng biên. Hoạt động này nhằm phát huy, gìn giữ giá trị, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng, lưu truyền đến các thế hệ trẻ để không bị lãng quên.
"Được sự quan tâm của lãnh đạo, sự hỗ trợ của nhà tài trợ, bà con trong thôn mừng lắm. Bộ cồng chiêng sẽ giúp cho chúng tôi sau này thuận lợi hơn trong việc truyền dạy, gìn giữ giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc S’tiêng", Trưởng thôn Điểu Cần phấn khởi nói.
Hải Giang