Ấp Tân Lập thuộc xã Phú Túc là nơi tập trung khá đông đảo bà con dân tộc thiểu số người Mường (di cư từ các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình vào và chủ yếu sống bằng nghề nông). Trong ấp có bà Quách Thị Hồng Nguyệt được xem là một điển hình trong việc lưu giữ, phát huy văn hoá truyền thống của người Mường trên đất Định Quán.
Kế thừa bản sắc dân tộc Mường
Với vai trò Tổ trưởng Tổ hợp tác Rượu cần ấp Tân Lập, bà Nguyệt đã lưu giữ công thức nấu rượu cần độc đáo của người Mường, đồng thời tạo điều kiện để người dân học hỏi, cùng tham gia và có điều kiện phát triển kinh tế. Đến nay, sản phẩm rượu cần của Tổ hợp tác (có khoảng 16 thành viên là người Mường) được tiêu thụ khá rộng rãi trong và ngoài huyện Định Quán.
Tổ hợp tác Rượu cần ấp Tân Lập góp phần bảo tồn văn hoá của người Mường ở Định Quán. |
Nhiều người Mường ở Tân Lập nói rằng, từ ngày trước, ông cha họ đã nổi tiếng với nghề nấu rượu cần, sau giải phóng thì không nấu nữa. Để bảo tồn và phát triển làng nghề, người dân đã thành lập tổ hợp tác nấu rượu cần mang thương hiệu rượu cần Tân Lập với hy vọng làng nghề sẽ ngày càng được nhiều người biết đến.
Ngoài ra, bà Nguyệt còn gìn giữ trang phục truyền thống dân tộc Mường các loại và cung cấp những vật dụng sinh hoạt của dân tộc mình cho địa phương để xây dựng Nhà văn hóa dân tộc Mường. Tuy đã lớn tuổi, bà vẫn mong muốn từng ngày lan tỏa và kêu gọi nhiều người cùng chung tay, gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo của người Mường tại Định Quán.
Không những vậy, hồi năm ngoái, đồng bào Mường ở xã Phú Túc rất phấn khởi khi Nhà văn hóa dân tộc Mường đã được hoàn thiện sau thời gian xây dựng. Nhà văn hóa hiện đã trưng bày đầy đủ các hiện vật của đồng bào Mường, trang thiết bị, tủ sách…
Bà Nguyệt cho biết, có nhà văn hóa dân tộc tức là bà con dân tộc Mường ở Định Quán có thêm một điểm để vui chơi, sinh hoạt, tổ chức các lễ hội truyền thống vốn đang bị mai một.
“Chúng tôi cũng hy vọng, thời gian tới sẽ có đông du khách đến tham quan nhà văn hóa. Khi đó, bà con sẽ có cơ hội bày bán các sản phẩm đặc trưng như: gạo rẫy, rượu cần… do mình làm ra”, bà Nguyệt bày tỏ.
Nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống người Mường trên địa bàn xã Phú Túc, chính quyền địa phương đã xây dựng, phát triển đội văn nghệ dân gian dân tộc Mường và câu lạc bộ cồng chiêng.
Mô hình này hoạt động càng hiệu quả khi Nhà văn hóa dân tộc đi vào hoạt động, thu hút đông đảo bà con tham gia. Không chỉ sưu tầm vốn văn hóa dân gian của người Mường, đồng bào nơi đây còn tổ chức dàn dựng, biểu diễn những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc đã bị mai một như: Múa cây bông, đánh cồng chiêng…
Nâng cao đời sống văn hóa
Đồng bào người Mường ở Định Quán có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc trưng, tiêu biểu cho phong tục tập quán. Nhiều hiện vật chứa đựng trong đó những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện được bản sắc của dân tộc, vùng miền. Họ rất lấy làm tự hào khi bản sắc văn hóa của dân tộc mình được gìn giữ và truyền cho các thế hệ con cháu.
Có nhà văn hoá dân tộc giúp đời sống văn hoá truyền thống của bà con dân tộc thiểu số ở Định Quán được nâng lên. |
Bên cạnh nhà văn hoá dân tộc Mường, trên địa bàn huyện Định Quán còn có các nhà văn hóa của các dân tộc thiểu số khác như Châu Mạ, Chơro... Đây là nơi tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã, thị trấn.
Tại các nhà văn hóa các dân tộc đã trang bị nhiều tủ sách, tài liệu hiện vật gốc có giá trị là minh chứng cho câu chuyện về lịch sử, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, vào các dịp lễ, tết, hay dịp cúng lúa mới, đồng bào các dân tộc ở Định Quán cũng tổ chức những lễ hội thu hút đông đảo bà con tham gia. Các hoạt động lễ hội này được xem là tiềm năng, lợi thế quan trọng để huyện Định Quán phát triển thành những điểm tham quan, du lịch hấp dẫn.
Như ở các xã Túc Trưng, Phú Túc (huyện Định Quán) có Nhà văn hóa Chơro nhiều năm nay trở thành điểm đến không chỉ của đồng bào mà cả du khách gần xa.
Đặc biệt, vào các dịp lễ, tết, hay dịp cúng lúa mới do đồng bào Chơro nơi đây tổ chức đều thu hút đông đảo du khách.
Ông Điểu Liệt, người dân tộc Chơro ở ấp Đức Thắng 1, xã Túc Trưng cho biết, đời sống vật chất và tinh thần của người Chơro được chính quyền các cấp ở Đồng Nai quan tâm, hỗ trợ thường xuyên, liên tục.
“Chúng tôi mong rằng, thời gian tới tại nhà văn hóa sẽ mở thêm các lớp hướng dẫn con em đồng bào học cồng chiêng. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người trẻ tham gia một số nghề truyền thống cũng như tạo được đầu ra cho sản phẩm. Qua đó, góp phần đa dạng hóa bản sắc văn hóa, tạo sức hút để phát triển du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con”, ông Điểu Liệt chia sẻ.
Thanh Loan