Ở thôn Ruộng Gò, xã Thanh An, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) có ông Đinh Thêu, 63 tuổi, người dân tộc Hrê, là người cần cù, chịu khó tìm tòi, làm ăn nên từ một hộ nghèo hiện đã vươn lên thành hộ khá.
Đoàn kết giúp nhau làm ăn
Bản thân ông luôn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất keo, mì, chăn nuôi trâu. Từ hai con trâu do ông bà để lại, giờ đây vợ chồng ông đã phát triển thành đàn 10 con trâu lớn nhỏ cùng với 1,5 ha đất rẫy được trồng keo.
Nhờ đoàn kết giúp nhau, thay đổi nếp nghĩ cách làm trong nông nghiệp đã giúp nông dân người Hrê nâng cao đời sống. |
Vợ chồng ông còn phát triển cây mì, cây lúa để có cái ăn qua ngày. Trung bình 4-5 năm, gia đình ông thu hoạch keo một lần, với lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng. Nguồn thu nhập từ đàn trâu giúp kinh tế gia đình ông luôn ổn định.
Ngoài ra, vợ chồng ông còn giúp đỡ các hộ khó khăn cùng làm ăn có hiệu quả, xóa đói giảm nghèo. Để bà con có điều kiện phát triển kinh tế, ông luôn nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ.
Ông Thêu thổ lộ: “Mình có gì thì giúp nấy, ai thiếu vốn thì giúp vốn, không thì mình giúp công hay chỉ những điều mình biết để cùng nhau làm ăn khá hơn”.
Còn ở mảnh đất vùng cao xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) có HTX Nông nghiệp dịch vụ Ba Tiêu, với 15 thành viên, phần lớn là đồng bào Hrê.
Giám đốc HTX này là Huỳnh Thị Hòa, 47 tuổi, người Kinh, lâu năm bám trụ ở đây nên thấu hiểu những khó khăn của đồng bào Hrê trên bước đường mưu sinh.
Với tinh thần đoàn kết giúp nhau làm ăn, 3 năm trước, chị Hòa quyết định thành lập HTX Nông nghiệp dịch vụ Ba Tiêu nhằm hướng đến thay đổi tập quán sản xuất, cải thiện đời sống cho các thành viên là đồng bào Hrê.
HTX đã tạo điều kiện để các thành viên tham gia các hội nghị chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và hỗ trợ người dân tiêu thụ hàng hóa. HTX còn trồng và chăm sóc rừng nguyên liệu, trồng cây ăn quả, như sầu riêng, bơ, dừa xiêm...Thấy HTX làm ăn hiệu quả, nhiều hộ đồng bào Hrê tiếp tục đăng ký tham gia thành viên.
Ngoài ra, chị Hoà còn tiên phong bỏ vốn và vận động người dân Hrê đưa cây Sachi về trồng trên diện tích 4ha. Sau đó là 1ha dừa dứa và bây giờ là trồng bơ và sầu riêng.
Nói về ý tưởng đưa các giống cây trồng mới về trồng trên vùng đất đồi núi, chị Hòa cho biết: Qua các đợt tham quan mô hình và tìm hiểu trên mạng, tôi nhận thấy Sachi có giá trị kinh tế cao, lại rất phù hợp với vùng đất Ba Tiêu.
Mở đầu ra cho sản phẩm đặc trưng
Cây Sachi sau 8 tháng trồng đã cho quả. Dầu Sachi được HTX bán ra thị trường với giá 480.000 đồng/lít. Không những vậy, bã từ quả Sachi sau khi ép dầu cũng được các chủ Spa ở nhiều nơi gọi điện đặt hàng, vì đây là một trong những nguyên liệu dùng để tẩy tế bào chết, đắp mặt nạ... trong công nghệ làm đẹp.
Các sản phẩm đặc trưng của người Hrê ở Quảng Ngãi đang được HTX hỗ trợ đầu ra. |
Còn với cây dừa dứa, theo tính toán của HTX Nông nghiệp dịch vụ Ba Tiêu, sau 3 năm trồng sẽ cho quả. Tính bình quân 1ha sẽ cho thu nhập 250 triệu đồng, lời hơn trồng keo rất nhiều.
Vì thế, sắp tới HTX sẽ mở rộng diện tích trồng cây Sachi và dừa dứa. Với diện tích trồng mỗi loại cây từ 5 - 10ha, HTX Nông nghiệp dịch vụ Ba Tiêu có thể đảm bảo đầu ra cho bà con Hrê.
Ở huyện Ba Tơ còn có HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ (ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành) đang giúp tiêu thụ rộng rãi những sản phẩm đặc trưng của đồng bào Hrê.
Giám đốc HTX là chị Phan Thị Quyến, 36 tuổi, đang công tác tại một đơn vị cấp xã ở huyện Ba Tơ. Xuất phát từ mong muốn có một điểm tiêu thụ đặc sản cho đồng bào Hrê, nhất là đồng bào ở huyện Ba Tơ, chị đã thành lập nên HTX từ cách đây 2 năm.
HTX hiện có sự tham gia của khoảng 15 thành viên, chủ yếu là các hộ nông dân Hrê chuyên trồng, nuôi các cây, con nổi bật của huyện nhà và cả các hộ dân chuyên đi tìm, “săn” các đặc sản của núi rừng.
Sự tham gia của các hộ dân Hrê đã góp phần xây dựng được một HTX phát triển bền vững, có một nguồn hàng ổn định. HTX này đã trở thành “cầu nối” thuận lợi đối với bà con Hrê, có cả cửa hàng trưng bày để phục vụ cho khách du lịch khi đến với Ba Tơ.
Trung bình mỗi tháng HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ thu mua và tiêu thụ khoảng 500kg đặc sản rừng các loại cho bà con Hrê như thịt trâu, cá niên, ớt xiêm, lá chè dung, mật ong, sim rừng, gạo lúa rẫy, các loại sâm, bồ ngót rừng, ốc đá…
“Ngày trước, sản phẩm mình làm ra không có nơi tiêu thụ. Thông qua HTX mình đã có nơi để thể hiện tài năng của mình, cũng như tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm làm ra đã có nhiều khách hàng đặt từ trước. Thu nhập có khấm khá hơn”, chị Phạm Thị Im, người Hrê ở thị trấn Ba Tơ chia sẻ.
Thanh Loan
Bài cuối: Giữ gìn văn hoá truyền thống