Ở xã Ba Vinh thuộc huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), già làng Phạm Văn Sự được xem là “cây đại thụ” của nền văn hóa dân tộc Hrê, đã tích cực truyền các kỹ năng làm nhạc cụ, sáng tác làn điệu dân ca cho thế hệ trẻ.
Thành quả của các nghệ nhân
Nhờ già Sự (người từng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể) mà các làn điệu dân ca, cách chế tác nhạc cụ được giữ gìn và phát huy.
Nhạc cụ truyền thống của người Hrê ở Quảng Ngãi. |
Kể từ khi mô hình nhà sàn thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) hình thành, già Sự thường xuyên được ngành chức năng, chính quyền địa phương mời đi truyền dạy làn điệu dân ca, chế tác nhạc cụ.
Già Sự cho biết: Nhạc của đồng bào Hrê nó cứ nhẹ nhàng mà sâu lắng như tiếng thở của núi, của cây, sự réo rắt của dòng suối, như tiếng hót của chim muông.
Vì vậy, già muốn thế hệ con cháu của mình phải biết các loại nhạc cụ này để bảo tồn văn hóa truyền thống. Từ lâu ngôi nhà của già Sự trở thành điểm đến của lớp trẻ trong làng đến học hỏi, chế tác.
Già Sự còn trở thành nòng cốt trong việc giữ gìn văn hóa cội nguồn của đồng bào Hrê trong đội văn nghệ ở thôn Núi Lui thuộc xã Ba Vinh.
Trong những năm qua, huyện Ba Tơ chú trọng bảo tồn văn hóa, các làn điệu, nhạc cụ của đồng bào Hrê nên tổ chức mở các lớp tập huấn, truyền dạy nhạc cụ, dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ. Và già Sự trở thành người thầy hướng dẫn, dạy bảo tận tình cho các học viên.
Còn tại Làng Ec, thôn Tà Pa, xã vùng cao Sơn Thượng, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) có nghệ nhân dân gian người Hrê là ông Đinh Ngọc Su. Ông nổi tiếng với việc bảo tồn và quảng bá một nhạc cụ rất độc đáo mà người Hrê gọi là Tà Vỗ được làm từ đất sét.
Ông Su tâm sự: “Nhờ được cha mẹ truyền dạy cách biểu diễn các loại nhạc cụ của người Hrê, được nghe các lớp cha anh biểu diễn các loại đàn a khung, prot, krâu, vút, ngói, ra ngoáy... tôi dần dần học hỏi, chế tác các nhạc cụ truyền thống và nuôi dưỡng ước mơ truyền dạy các nhạc cụ truyền thống ấy cho con cháu hôm nay”.
Không dừng lại ở việc nghiên cứu, sưu tầm, chế tác các loại nhạc cụ truyền thống của cha ông, trong nhiều năm qua ông Su đã chủ động đến các trường tiểu học, trung học cơ sở của xã và một số xã trong huyện Sơn Hà để liên hệ với Ban giám hiệu nhà trường truyền dạy cách chế tác, cách sử dụng và biểu diễn các loại nhạc cụ cho các em học sinh, nhất là nhạc cụ Tà Vỗ.
Giữ gìn bản sắc Hrê
Hay như ở xã Sơn Trung thuộc huyện Sơn Hà có ông Đinh Công Bôn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trung, là người dân tộc Hrê có công trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Hrê nhằm tránh mai một.
Bản sắc văn hoá truyền thống của người Hrê ở Quảng Ngãi được giữ gìn nhờ vào tâm huyết của các nghệ nhân dân gian lâu năm và người có uy tín. |
Ông Bôn đã lên kế hoạch kéo dài hàng chục năm để tìm lại, lưu giữ những hiện vật, đạo cụ xưa cũ của người Hrê. Nhờ công sức của ông, đến nay giữa huyện miền núi Sơn Hà đã có một bảo tàng văn hóa Hrê thu nhỏ với hàng trăm hiện vật…
Sau hàng chục năm sưu tầm, lưu giữ các hiện vật, đạo cụ cũ của người Hrê, ông Bôn quyết định lập ra một “bảo tàng” văn hóa Hrê thu nhỏ trong căn nhà mình.
Vài năm trở lại đây, nguyên Bí thư xã Sơn Trung mở bảo tàng này để phục vụ miễn phí cho việc học tập, nghiên cứu của các tổ chức, người trẻ, học sinh và du khách trong và ngoài địa phương.
Ngoài ra, ông Bôn kiêm luôn việc hướng dẫn, giải thích và truyền dạy cho những người trẻ, học sinh và khách tham quan hiểu về vai trò, chức năng của từng hiện vật do mình sưu tầm.
Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi nên mới đây ông Bôn đã tập hợp được một đội cồng chiêng cùng nhiều tài công, nghệ sĩ làng chơi đủ bộ đạo cụ trong âm nhạc của người Hrê. Hàng năm, đội “nghệ sĩ làng” ở Sơn Trung do ông Bôn khởi xướng đã đi trình diễn, giao lưu ở rất nhiều địa phương.
Để duy trì sự có mặt của các thành viên trong đội, ông Bôn phải tự bỏ kinh phí ra để hỗ trợ cho các tài công, nghệ sĩ. Ngoài ra, ông Bôn còn sử dụng mạng xã hội để dựng clip giới thiệu, quảng bá những loại hình âm nhạc, hiện vật văn hóa của người Hrê ra cộng đồng.
Trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa người Hrê ở Quảng Ngãi cần phải nhắc thêm đến nghề dệt thổ cẩm làng Teng ở xã Ba Thành (huyện Ba Tơ). Từ lâu, những tấm thổ cẩm của bà con làng Teng được trưng bày trong Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ.
Thông qua đường nét hoa văn, họa tiết du khách hiểu về nét văn hóa, tập quán, tình yêu, quê hương, sự cần mẫn, tỉ mỉ của phụ nữ đồng bào Hrê.
Nhiều du khách sau khi tham quan còn tìm về làng Teng, để tận mắt xem dệt thổ cẩm, trao đổi về nghề với phụ nữ trong làng và mua hàng làm quà lưu niệm.
Làng Teng hiện nay còn được đầu tư xây dựng công trình Nhà văn hóa làng Teng để giới thiệu, trưng bày những sản phẩm thổ cẩm làng Teng. Đó là niềm vui, là làn gió mới của nghề dệt thổ cẩm làng Teng. Từ đây, họ giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, cũng như nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.
Thanh Loan