Đồng bào Khmer ở Nam Bộ hiện có trên 600 ngôi chùa được xây dựng đạt trình độ nghệ thuật mang tính thẩm mỹ cao đầy huyền bí. Bên cạnh đó, nhiều lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc như: Lễ Chôl Chnăm Thmây (lễ mừng năm mới), Lễ hội Ok Om Bok (lễ cúng trăng), Lễ hội Sen Dolta (lễ cầu phước)... cùng nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo như: hát múa rô băm, nghệ thuật sân khấu kịch hát dù kê, nghệ thuật điêu khắc, trang trí, hội họa và các tác phẩm văn học dân gian…
Nhiều cơ hội còn bị bỏ ngỏ
Theo thạc sĩ Tạ Tường Vy, Trường Đại học Văn Lang, đây là nền tảng để các địa phương định hình nên những sản phẩm du lịch riêng, thu hút du khách gần xa. Nắm bắt được điều này, thời gian qua, ngành du lịch và các doanh nghiệp lữ hành đã tiến hành khảo sát công trình kiến trúc, di tích, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa để đưa vào các tour, tuyến du lịch.
Những ngôi chùa là nơi đại diện cho hình ảnh của phum sóc và những nét đẹp trong phong tục tập quán, văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Khmer Nam Bộ (Ảnh:TL) |
"Nhiều ngôi chùa, làng nghề, lễ hội, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer đã trở thành địa điểm, sản phẩm du lịch thu hút đông đảo du khách không chỉ trong nước mà còn cả du khách quốc tế", Thạc sĩ Tạ Tường Vy nói.
Cụ thể hơn, ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, nhiều công ty lữ hành như: Saigontourist, Vietravel... đã mở tour và kết nối tuyến đưa du khách đến với những điểm đến được hình thành từ những giá trị văn hóa Khmer. Chẳng hạn, làng Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh ở thành phố Trà Vinh và huyện Châu Thành, các ngôi chùa Khmer, làng nghề dệt chiếu Cà Hom ở huyện Trà Cú, làng làm cốm dẹp Ba So ở huyện Cầu Ngang...
Hiện, tỉnh đang đề ra nhiều giải pháp phát triển du lịch từ những nét văn hóa của đồng bào Khmer trên địa bàn nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành du lịch. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh.
“Tham gia các hoạt động du lịch, đồng bào Khmer vừa có thêm thu nhập, vừa có cơ hội quảng bá văn hóa, phong tục tập quán, truyền thống dân tộc”, ông Sum cho biết thêm.
Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã ưu tiên phát triển các loại hình du lịch cộng đồng gắn với loại hình du lịch văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; tập trung phát triển cụm, tuyến, chương trình gắn với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Khmer.
Nhiều di tích, điểm diễn ra lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer cũng được du khách hướng tới như: chiêm ngưỡng các ngôi chùa Khmer, tìm hiểu và thưởng thức món bún nước lèo, trải nghiệm nghề làm cốm dẹp, “mục sở thị” chương trình phục dựng lễ cúng trăng của đồng bào Khmer…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã phát huy lợi thế của sông nước, vùng biển để tổ chức các dịch vụ vui chơi giải trí gắn với loại hình văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của đồng bào Khmer, Hoa, Kinh.
Không chỉ vậy, tỉnh còn tăng cường giáo dục ý thức văn hóa, tinh thần dân tộc nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer.
Cần những giải pháp đồng bộ
Những địa phương biết tận dụng như thế chưa nhiều. Thực tế cho thấy, một số địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống vẫn chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển đa dạng hơn sản phẩm du lịch, chưa có nhiều dịch vụ đi kèm và chưa tạo được những mắt xích giữa các loại hình du lịch để thêm hấp dẫn cho những điểm đến khiến du khách muốn kéo dài thời gian lưu trú.
Bên cạnh đó, xu hướng thương mại hóa trong hoạt động du lịch đã khiến nhiều phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer đã được dàn dựng, tái hiện lại nhưng bị pha tạp, lai căng, không còn được bảo tồn nguyên gốc và không hấp dẫn du khách.
Đặc biệt, vẫn còn thiếu hụt các chính sách hỗ trợ cơ bản như chính sách về xây dựng năng lực đón tiếp cho bà con dân tộc Khmer làm du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch đi cùng với bảo tồn, hỗ trợ kết nối, tăng cường quảng bá du lịch…
Trong bối cảnh đó, thạc sĩ Tạ Tường Vy cho rằng, mỗi địa phương cần có giải pháp mang tính đột phá, căn cơ hơn, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản, nét văn hóa đặc sắc gắn với phát triển du lịch, tạo sự khác biệt rõ rệt hơn cho mỗi điểm đến.
Ðua ghe ngo luôn được tỉnh Sóc Trăng tổ chức và duy trì hằng năm nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer (Ảnh:TL) |
Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đa dạng sản phẩm du lịch, tăng cường quảng bá, giới thiệu những giá trị, di sản văn hóa, trong đó có các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Khmer; gắn bảo tồn với phát huy giá trị của di sản trong hoạt động du lịch.
Còn ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cũng khẳng định, thời gian tới, Trà Vinh sẽ tập trung xây dựng sản phẩm đặc trưng tạo sự khác biệt nhằm thu hút khách du lịch dựa trên yếu tố văn hóa của đồng bào các dân tộc như xây dựng hoàn chỉnh không gian Làng văn hóa - du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh gắn liền với khu di tích danh thắng Ao Bà Om, di tích Bờ Lũy - chùa Lò Gạch với nền văn hóa Óc Eo để tạo điểm nhấn cho du lịch Trà Vinh. Bên cạnh đó, xây dựng chuỗi giá trị du lịch tại cồn Chim (huyện Châu Thành), cồn Hô (huyện Càng Long) và một số điểm đến khác.
Trước những tồn tại bất cập, Tổng cục Du lịch cũng đề xuất thêm chính sách hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa bàn có khả năng phát triển du lịch để hoàn thiện hệ thống đường sá, các điều kiện thiết yếu về cơ sở vật chất nhằm bảo đảm yêu cầu đón tiếp, phục vụ khách du lịch. Từ đó có thể thu hút đầu tư của khu vực tư nhân.
Hiện nay, dịch Covid – 19 đã làm ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng làm cho mỗi đơn vị du lịch phải xoay sở tự tìm kiếm lối thoát. Tuy nhiên, trên nền tảng phát triển du lịch bền vững, cho ra những sản phẩm mới đa dạng, phù hợp với những nhu cầu khác nhau và khắt khe hơn của du khách, hoàn toàn có thể tin rằng, ngành du lịch sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ khi những khó khăn đi qua.
Rõ ràng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa từ phát triển du lịch đang là hướng đi phù hợp của đồng bào Khmer ở khu vực Nam Bộ. Không chỉ giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, mà còn tạo sinh kế cho đồng bào DTTS. Nhưng để phát huy được thế mạnh này, các cấp các ngành cần có nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc để người dân có thể nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội.
Hải Giang