Theo cuộc khảo sát, có tới 93% số người Việt Nam được hỏi cho rằng có sự bình đẳng nam nữ trong gia đình. Đây cũng là tỉ lệ cao nhất trong số 39 quốc gia tham gia cuộc khảo sát. Kết quả khảo sát cho thấy, 84% số người Việt Nam tham gia cho rằng đã có sự bình đẳng nam nữ trong công việc.
Về kết quả chung của cuộc khảo sát, 70% số người được hỏi ở 39 quốc gia cho rằng đã có sự bình đẳng giữa hai giới trong gia đình, 60% có suy nghĩ tương tự về bình đẳng giới ở chỗ làm việc.
Ở Việt Nam, phụ nữ sở hữu đến 24% số doanh nghiệp, được ghi nhận và khuyến khích tham gia hoạt động ở tất cả các thành phần kinh tế. |
Chính trị là lĩnh vực mà phụ nữ chưa được đối xử công bằng khi chỉ khoảng 1/2 số người được hỏi cho rằng, phụ nữ và nam giới được đối xử như nhau trên chính trường, trong đó chỉ có 18% số người Nhật Bản được hỏi cho rằng có sự bình đẳng giới trong chính trị ở Đất nước mặt trời mọc.
Tại Việt Nam, tỉ lệ này là 63%. Phần Lan là nước có tỉ lệ người nhận định có bình đẳng giới trên chính trường cao nhất với 86%.
Nhìn chung, những quốc gia có chỉ số bình đẳng giới thấp nhất là Nhật Bản và Italia. Tại Nhật, chỉ có 30% tin rằng có sự bình đẳng nơi làm việc giữa nam và nữ, tỉ lệ này là 44% trong gia đình. Ở Italia, có 38% cho rằng có bình đẳng giới ở nơi làm việc, bằng với tỉ lệ trên chính trường và 69% suy nghĩ tương tự về gia đình.
Trước đó, trong bảng xếp hạng Chỉ số Nữ doanh nhân của Mastercard (MIWE) cho thấy, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam ở mức 26,5%, xếp thứ 9 trên 58 nền kinh tế được nghiên cứu về số lượng phụ nữ trong vai trò lãnh đạo.
Báo cáo do Mastercard công bố cho thấy phụ nữ trên khắp thế giới đã và đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 ở nhiều mức độ khác nhau, trong đó 87% nữ chủ doanh nghiệp phải đối mặt với những tác động tiêu cực.
Phụ nữ đang tham gia tập trung trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do suy thoái kinh tế như du lịch, bán lẻ, hay ăn uống.
Khoảng cách giới rõ ràng về kỹ thuật số trong thế giới ngày càng số hóa đi kèm áp lực chăm sóc con cái là một vài trong số rất nhiều yếu tố khiến phụ nữ dễ bị tổn thương, nhất là tại các nền kinh tế như Việt Nam, Hàn Quốc và Thái Lan.
Ở Việt Nam, phụ nữ sở hữu đến 24% số doanh nghiệp. Phụ nữ và nữ doanh nhân đã được ghi nhận và khuyến khích tham gia hoạt động kinh tế thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một tài liệu nghiên cứu khác công bố vào cuối năm 2019 còn cho thấy, nếu xóa bỏ được khoảng cách giới, thì GDP của Việt Nam sẽ tăng đáng kể...
Cùng với đó, có nhiều đề xuất chính sách nhằm tăng cường nhận thức về bình đẳng giới thực chất đối với cộng đồng, phụ nữ…; đề xuất xây dựng khung chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; đề xuất xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực cho các tổ chức đại diện doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ...
Trà My