Trong đó, mô hình chuyển đổi từ trồng ngô lấy hạt sang trồng ngô lấy thân, lấy lá để phục vụ chăn nuôi gia súc, nhất là chăn nuôi bò sữa được đánh giá cao, vì dần thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương theo hướng hàng hóa. Người dân cũng dần thay đổi tư duy sản xuất để hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”.
Trồng ngô kết hợp nuôi bò
Là vùng có khí hậu khắc nghiệt nên việc sản xuất của người dân gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên những năm vừa qua, mô hình liên kết trồng ngô lấy thân và lấy lá được xã Thúy Sơn quan tâm.
Diện tích đất bị hoang hóa, cằn cỗi khó canh tác ở địa phương đã được người dân chuyển đổi sang trồng ngô. Đi đầu trong việc liên kết người dân sản xuất là HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Hưng Thịnh đóng trên địa bàn xã Thúy Sơn khi đứng ra liên kết với Công ty TH True Milk.
Người dân Thúy Sơn tập trung phát triển giống ngô lấy thân |
Không chỉ được hỗ trợ san gạt mặt bằng, người dân còn được doanh nghiệp hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật sản xuất ngô theo tiêu chuẩn an toàn, bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn bò sữa. Khi đến mùa thu hoạch, cả bắp và thân cây ngô đều được doanh nghiệp đăng ký thu mua toàn bộ để phục vụ đàn bò sữa.
Ông Phạm Văn Mư, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Hưng Thịnh, cho biết theo tính toán của HTX, trung bình 1ha ngô lấy thân được canh tác trong khoảng thời gian 80 ngày cho năng suất 40-45 tấn/vụ. Với giá bán 850.000 đồng/tấn, nông dân thu về khoảng 34-40 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 24-30 triệu đồng/ha/vụ.
Như vậy, với 1ha trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi có thể canh tác 3 vụ/năm giúp bà con thu lãi khoảng 80-90 triệu đồng/năm, gấp nhiều lần so với trồng cây trồng khác. Ngoài ra, cây ngô lấy thân trồng phù hợp với địa hình đồi dốc ở địa phương. Việc tiêu thụ cũng rất thuận lợi, vì được thu mua trực tiếp ngoài ruộng với giá ổn định.
Hàng năm, HTX liên kết, hỗ trợ vốn, phân bón và hướng dẫn nông dân tận dụng đất đai trồng ngô làm thức ăn cho gia súc với diện tích duy trì 50-70 ha.
Ngoài trồng ngô, người dân xã Thúy Sơn còn có thể tham gia đầu tư nhân lực, vốn, đất đai lập trang trại chăn nuôi bò sữa cùng doanh nghiệp. Mọi người được doanh nghiệp hỗ trợ huấn luyện đào tạo nghề nuôi bò sữa bài bản, được doanh nghiệp tư vấn, hỗ trợ giám sát để xây dựng được hệ thống trang trại chăn nuôi đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, thông qua HTX, các thành viên, người dân còn được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, sau đó phân phối lại cho thành viên với giá hợp lý, bảo đảm chất lượng. Dưới sự hướng dẫn của doanh nghiệp, đến nay, HTX Hưng Thịnh đã đứng ra kiểm soát được các khâu trong quá trình sản xuất, bảo đảm sản phẩm sữa luôn đạt chất lượng cao. HTX cũng xây dựng các điểm thu mua sữa của thành viên, người dân sau đó sữa được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ với giá bình quân 12.000 - 16.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người dân lãi khoảng 8.000 đồng/kg.
Nâng cao thu nhập
Có thể thấy, sự liên kết giữa HTX với doanh nghiệp trên địa bàn xã Thúy Sơn đã đánh dấu một bước đột phá lớn trong ngành nông nghiệp địa phương khi chú trọng hướng người dân phát triển mô hình sản xuất khép kín, bền vững.
Đồng thời, mô hình liên kết này còn góp phần không nhỏ vào việc giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều hộ từ nghèo khó đến thoát nghèo, từ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thành hộ khá, giàu và trở thành thành viên tiêu biểu của HTX. Qua thống kê cho thấy, hầu hết các thành viên của HTX đều đạt lợi nhuận, xây được nhà kiên cố, mua sắm nhiều tiện nghi trong gia đình, mở rộng quy mô sản xuất.
Trồng ngô lấy thân còn thúc đẩy nghề nuôi bò |
Tiêu biểu như bà Nguyễn Thị Xuyến, thành viên HTX, cho biết trước đây, hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, chỉ có vài sào đất trồng lạc, lúa. Vào năm 2016, bà tham gia HTX và được hỗ trợ giống. Từ đó, bà thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về trồng ngô, quy trình kỹ thuật nuôi bò sữa do doanh nghiệp phổ biến. Biết cách chăm sóc, nên bò ít bệnh, cho sữa khá nhiều lại sẵn nguồn thức ăn từ ngô nên tính ra tháng nào cao điểm có thể lãi gần 20 triệu đồng.
Hiện nay, xã Thúy Sơn tiếp tục hỗ trợ những hộ nghèo, cận nghèo và ngay cả những hộ mới thoát nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng để mua bò sữa với giá hàng chục triệu đồng/con… Chính quyền các cấp cũng đã chấp thuận chủ trương để Công ty TH True Milk đầu tư xây dựng trang trại nuôi bò sữa với quy mô lớn ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao và xây dựng nhà máy chế biến để giải quyết chuỗi giá trị của sản phẩm sữa, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi bò sữa và trồng ngô.
Huyền Trang