Diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện Sơn Động hiện có trên 66.831 ha. Đây là điều kiện thuận lợi giúp nhiều người dân, HTX phát triển kinh tế từ nuôi ong, trồng nấm, trồng dược liệu…
Phát triển kinh tế dưới tán rừng
Một trong những mô hình đang mang lại giá trị kinh tế cao đó chính là trồng nấm lim của HTX Nấm lim xanh Sơn Động (xã Cẩm Đàn). HTX đã tận dụng tán rừng tự nhiên trồng nấm lim xanh. Mô hình này có nhiều ưu điểm như giúp nấm phát triển tốt, tốn ít công chăm sóc, chu kỳ thu hoạch kéo dài hơn, tỷ lệ sống của nấm đạt khoảng 86%.
Sau khi thu hoạch, nấm khô được bán với giá trung bình từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/kg, trừ chi phí, người trồng thu lãi 300 - 400 nghìn đồng/kg. Điều đặc biệt là HTX đã được liên kết với doanh nghiệp chế biến nên đầu ra rất thuận lợi, mang lại giá trị kinh tế cao.
Đánh giá đây là một trong những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, hỗ trợ người dân giảm nghèo hiệu quả, HTX đang cùng các ngành chức năng thực hiện chuyển phôi nấm để người dân trong vùng trồng thử nghiệm và mở rộng diện tích, đặc biệt là bà con người dân tộc thiểu số.
“Đồng thời, HTX cũng liên kết với những hộ có rừng trồng hoặc có nhu cầu trồng nấm để mở rộng sản xuất. HTX sẽ cung ứng phôi giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Kinh phí đầu tư hỗ trợ ban đầu sẽ được khấu trừ khi người dân có sản phẩm bán cho HTX”, ông Bế Văn Sáu, Giám đốc HTX Nấm lim xanh Sơn Động cho biết.
Ngoài mô hình trồng nấm lim xanh, nhiều người dân trên địa bàn huyện Sơn Động cũng tận dụng tán rừng để phát triển kinh tế từ nuôi ong. Trong đó, HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động đang phát triển 5.500 đàn, giúp mang lại thu nhập khá cho 40 hộ thành viên.
Anh Nguyễn Văn Khởi (xã Tuấn Đạo) cho biết, lợi thế từ rừng giúp các thành viên ít phải di chuyển đàn ong đi xa, từ đó tiết kiệm chi phí, hạn chế thất thoát. Hiện, gia đình anh có hơn 200 đàn ong, là hộ có số lượng đàn ong lớn nhất HTX. Mỗi năm, gia đình anh có thu nhập khoảng 300-400 triệu đồng.
Trồng rừng không chỉ giúp phủ xanh đồi trọc mà còn giúp nâng cao thu nhập, giảm nghèo hiệu quả. |
“Sơn Động là huyện vùng cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên nuôi ong là nghề cho thu nhập ổn định và khá hơn hẳn so với làm ruộng. Tính ra, trung bình mỗi hộ nuôi ong mỗi năm thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng tùy theo đàn nhiều hay ít”, anh Khởi chia sẻ.
Tận dụng thế mạnh lâm nghiệp, nhiều mô hình sản xuất dưới tán rừng đã được người dân Sơn Động phát triển như du lịch, dược liệu… Từ đây, nhiều người dân đã phát triển sản xuất gắn với trồng rừng, bảo vệ rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập một cách hiệu quả. Những mô hình làm kinh tế dưới tán rừng đạt hiệu quả cao và giúp người dân giảm nghèo hiệu quả phải kể đến như HTX ba kích tím Tây Yên Tử, Tổ hợp tác trồng cây ba kích tím xã Thanh Luận, HTX Dược liệu Thiên Phú...
Rừng "nhả vàng"
Ngoài khai thác rừng phát triển các mô hình kinh tế, người dân Sơn Động đang cùng cơ quản quản lý địa phương đẩy mạnh phát triển rừng kinh tế. Huyện cũng khuyến khích phát triển rừng và quản lý theo tiêu chuẩn rừng bền vững (FSC), đẩy mạnh xây dựng mô hình nông lâm, kết hợp với các dịch vụ du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng.
Tại xã Hữu Sản, gần như 100% hộ dân trong xã tham gia trồng rừng theo hướng bền vững, xã cũng có Tổ hợp tác lâm nghiệp hỗ trợ người dân tiếp cận chính sách của Nhà nước cũng như phân bổ trồng rừng, chăm sóc rừng. Nhờ đó, thu nhập bình quân từ rừng trồng khoảng 40 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo 5-7%/năm. Nhờ trồng rừng, nhiều gia đình trong xã đã xây nhà, mua sắm được những đồ dùng sinh hoạt có giá trị.
Anh Hoàng Văn Triều, trưởng thôn Sản, xã Hữu Sản, cho hay: "Thôn có 217 hộ tham gia trồng rừng với diện tích gần 800ha. Cách đây 5 năm, tỷ hộ nghèo của thôn chiếm 65%, nay đã giảm xuống còn 32%. Thu nhập bình quân đầu người tại thôn đạt 38 triệu đồng/năm, trong đó 85% nguồn thu từ trồng rừng. Giờ đây, nhiều gia đình có điều kiện cho con cái ăn học, xây dựng nhà ở khang trang".
Còn tại xã Dương Hưu, việc phát triển trồng rừng cũng thu hút được nhiều người dân tham gia. Bà con nhân dân trong xã cũng đã xác định nghề trồng rừng là đòn bẩy giúp họ thoát nghèo, thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Anh Mai Văn Hớn (thôn Mùng, xã Dương Hưu) cho biết, từ 2ha keo, anh thu về hơn 200 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu này, gia đình anh đã thoát nghèo, cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Gia đình ông Nguyễn Văn Sáu, thôn Bán, xã Dương Hưu trước đây cũng là hộ nghèo. Tuy nhiên từ khi được giao đất làm rừng kinh tế và nhận sự hỗ trợ từ nguồn vốn giảm nghèo 30a, gia đình ông đã đầu tư trồng rừng, từ đó thoát nghèo và giờ đã thành một trong những hộ khá giả của xã.
Dương Hưu vốn có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và trước đây cũng là xã đặc biệt khó khăn điển hình của huyện Sơn Động. Khoảng 12 năm trở về trước, xã có nhiều quả đồi nhưng thuộc vào diện đồi trọc để người dân trồng ngô 1 vụ hoặc trồng sắn, đỗ nương. Tuy nhiên, kể từ khi huyện Sơn động có chính sách giao rừng, giao đất để người dân làm rừng kinh tế, Dương Hưu đã có bước đổi thay đáng kể.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, hơn 90% diện tích đất lâm nghiệp toàn xã đã được phủ xanh, trong đó chủ yếu là rừng trồng kinh tế, còn lại là diện tích rừng tự nhiên giao cho các hộ dân trông coi, bảo vệ. Nhiều gia đình nhờ vào rừng cũng đã thoát nghèo hiệu quả.
Giúp người dân làm giàu từ rừng
Để người dân hiểu được giá trị cũng như gắn bó với rừng, làm kinh tế từ rừng, huyện Sơn Động đã tổ chức các lớp tập huấn tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất với những giống cây lâm nghiệp chất lượng cao.
Điều thuận lợi là đến nay, huyện đã có đến 29 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Chỉ từ đầu năm đến nay, huyện đã xuất được 7 triệu cây giống các loại cho người dân, HTX trồng rừng.
Với giá trị và thế mạnh từ cây lâm nghiệp, trồng rừng sản xuất trong nhân dân đang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn huyện Sơn Động. Hàng năm, diện tích trồng rừng tập trung của huyện đạt trên 4.200ha, cây phân tán trên 1,15 triệu cây, khai thác rừng trồng tập trung trên 4.500ha, sản lượng gỗ đạt hơn 500.000m3. Sơn Động dần hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất tập trung; diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC đạt 4.683 ha.
Kinh tế rừng đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo của Sơn Động. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp trên địa bàn huyện đạt 819 tỷ đồng, tăng 12,2 tỷ đồng so với năm 2021. Giá trị rừng sản xuất đạt bình quân 22,2 triệu đồng/ha/năm. Dự kiến năm 2023, giá trị rừng sản xuất đạt bình quân 23 triệu đồng/ha.
Ông Nông Văn Sinh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Động cho biết, những năm gần đây, người dân trồng rừng đúng kỹ thuật, sử dụng nhiều giống mới chất lượng và việc chăm sóc, dọn thực bì thường xuyên, nhờ đó sản lượng, chất lượng rừng được nâng lên, giá bán ổn định hơn.
Thu nhập bình quân từ rừng trồng khoảng 35 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo 5-7%/năm. Kinh tế rừng đã đóng góp rất lớn trong giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhiều gia đình xây nhà mới khang trang, mua sắm đồ dùng và cho con em ăn học đầy đủ.
Để tiếp tục nâng cao giá trị lâm nghiệp, Sơn Động sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân, HTX phát triển kinh tế rừng gắn với phát triển cây bản địa, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Huyện cũng có những chính sách hỗ trợ người dân mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, lâm sản phụ, dược liệu.
Bên cạnh đó, huyện sẽ đưa giống mới vào sản xuất, đẩy mạnh liên kết để sản xuất rừng bền vững, lâu dài sử dụng thành điện sinh khối, vận động nhân dân kéo dài thời gian trồng, chuyển thành rừng trồng gỗ lớn để người dân không chỉ giảm nghèo từ lâm nghiệp mà có thể làm giàu từ rừng.
Tùng Lâm