Theo dự kiến trong tháng 5/2025 sắp tới tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức hội nghị triển khai Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực”. Diện tích trồng cây Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh này hiện nay chủ yếu tập trung tại huyện Nam Trà My.
Cây chủ lực để thoát nghèo
Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm đưa “thủ phủ” sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung trở thành trung tâm sản xuất, chế biến và xuất khẩu dược liệu hàng đầu cả nước. Qua đó góp phần giúp cho người dâm, đồng bào thiểu số tại Nam Trà My thoát nghèo bền vững và nâng cao giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh.
![]() |
Diện tích trồng cây Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chủ yếu tập trung tại huyện Nam Trà My. |
Thực tế cho thấy vườn sâm Ngọc Linh trong cộng đồng ở huyện Nam Trà My đã trở thành cây chủ lực giúp người dân địa phương thoát nghèo. Nơi này có diện tích trồng sâm Ngọc Linh lớn nhất tỉnh Quảng Nam, quy mô diện tích trồng được phân bổ ở nhiều xã, chất lượng đồng đều.
Bên cạnh đó, trong huyện có nhiều sản phẩm sản xuất từ cây sâm Ngọc Linh tham gia đăng ký sản phẩm OCOP. Với nhu cầu nguồn nguyên liệu của các chủ thể ngày càng cao, huyện Nam Trà My đang định hướng chủ thể OCOP gắn mã vùng trồng đối với sâm Ngọc Linh.
Trên địa bàn toàn huyện Nam Trà My tính đến nay có khoảng 2.000 hộ phát triển kinh tế từ việc trồng cây dược liệu, trong số đó nhóm hộ trồng sâm Ngọc Linh là hơn 1.500 hộ, diện tích khoảng 1.650ha. Cùng với việc tăng diện tích về trồng sâm, huyện cũng đang kiểm soát tốt đối với nguồn gốc, chất lượng sâm giống trước khi hỗ trợ cho người dân đưa vào trồng.
Có thể nói sâm Ngọc Linh đã và đang tạo sức bật cho người dân, đồng bào thiểu số ở Nam Trà My thoát nghèo bền vững khi biết cách khai thác loại cây được ví là “quốc bảo” này. Điều đó được thể hiện rõ khi số lượng xã trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện tăng nhanh chóng và có những chuyển biến ngoạn mục.
Như xã Trà Linh và Trà Nam, mỗi năm có khoảng hơn 700 hộ thu nhập ổn định từ cây sâm, thu nhập từ hàng trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng mỗi hộ. Hơn nữa, trong thời gian qua, hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã trồng và chế biến sâm Ngọc Linh ra đời, tạo thành những chuỗi liên kết giảm nghèo hiệu quả.
Chuyển biến ngoạn mục
Trong xã Trà Linh, những năm gần đây, phong trào tặng sâm Ngọc Linh cho người nghèo làm kinh tế được đẩy mạnh thực hiện, qua đó giúp những hộ khó khăn có điều kiện vươn lên sản xuất.
![]() |
Huyện Nam Trà My kiểm tra chất lượng sâm giống trước khi giao cho người dân. |
Là người khởi xướng tặng sâm Ngọc Linh cho người nghèo, anh Hồ Văn Dấu, Bí thư Đoàn xã Trà Linh, cho biết từ tháng 7/2024, anh đã tặng 200 cây sâm giống Ngọc Linh cho nhiều hộ dân trên địa bàn thoát nghèo. Đây là số sâm Ngọc Linh được lựa chọn từ vườn nhà, khoảng 1 đến 2 năm tuổi, cây khỏe mạnh và sinh trưởng tốt. Số sâm này được tặng cho 10 nhóm thanh niên đều thuộc hộ nghèo, hoặc mới thoát nghèo.
Hay như xã Trà Tập (huyện Nam Trà My) từ chỗ là một xã vùng cao khó khăn, đến nay đã có nhiều ngôi nhà mới khang trang, nhiều gia đình có con em vào đại học, những gia đình có đời sống khấm khá nhờ trồng sâm Ngọc Linh.
Toàn xã này hiện có hơn 400 hộ dân trồng sâm Ngọc Linh. Những hộ trồng sâm từ nhiều năm trước đến nay đã cho thu hoạch, bán ra thị trường thường xuyên. Đời sống của người dân trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn xã cũng ngày càng ổn định, có tiền sửa sang nhà cửa, mua vật tư sản xuất, nâng cao mức sống…
Xét về vai trò đóng góp của kinh tế hợp tác đối với cây sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My phải kể đến HTX Cộng đồng Ngọc Linh ở Thôn 1, xã Trà Mai với 20 thành viên là đồng bào dân tộc Ca Dong thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Để nâng tầm giá trị “quốc bảo”, HTX đang cố gắng chế biến sâu sản phẩm cao cấp cốm lá sâm Ngọc Linh, đồng thời định hướng phát triển sản phẩm này đạt chuẩn OCOP 4 sao.
HTX này đã liên kết sản xuất và ký hợp đồng phân phối sản phẩm với doanh nghiệp ở Tp.HCM. Cạnh đó, HTX còn thuê 9ha đất rừng và liên kết với 19 nhóm hộ trên địa bàn xã Trà Linh để trồng sâm Ngọc Linh, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ quá trình sản xuất. Kỳ vọng rằng HTX sẽ góp phần nâng cao thương hiệu sâm Ngọc Linh, ổn định thu nhập cho đồng bào Ca Dong.
Chị Hồ Thị Mười, Giám đốc HTX Cộng đồng Ngọc Linh, cho biết điều mong muốn nhất là giúp cho các thành viên của HTX được thoát nghèo bền vững từ cây sâm Ngọc Linh. Chính vì vậy, ngoài việc việc mở rộng vùng sản xuất các loại dược liệu thì HTX đã đầu tư phát triển trồng sâm Ngọc Linh với diện tích lớn.
Ngoài HTX nêu trên, thời gian qua Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp cùng tỉnh Quảng Nam để phát triển mô hình kinh tế hợp tác ở Nam Trà My, đặc biệt là chú trọng đến việc hình thành những HTX trồng, chế biến sâm Ngọc Linh gắn với chuỗi giá trị.
Phát triển du lịch cho vùng sâm
Để thúc đẩy hơn nữa giá trị kinh tế của cây sâm Ngọc Linh mang lại cho Nam Trà My, việc phát triển kinh tế HTX và liên kết cùng các doanh nghiệp tham gia trồng, phát triển và chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh là rất cần thiết.
![]() |
Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với sâm Ngọc Linh đang cần sự tham gia tích cực của các HTX ở Nam Trà My. |
Ngoài ra, việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với sâm Ngọc Linh cũng được xem là là động lực quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững cho bà con thiểu số ở Nam Trà My.
Chính vì vậy, những năm gần đây, huyện Nam Trà My đã có nhiều chủ trương, biện pháp để khai thác, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch vùng sâm. Điều này cũng cần sự tham gia tích cực của các HTX trong việc xây dựng làng du lịch cộng đồng tại vùng sâm.
Đứng ở góc độ là giám đốc HTX Cộng đồng Ngọc Linh, chị Hồ Thị Mười cho biết khi cây sâm Ngọc Linh mang lại giá trị kinh tế cao và chính quyền địa phương cũng tuyên truyền phát triển các hoạt động du lịch trải nghiệm vùng sâm nên các thành viên HTX đã cởi mở hơn khi đón khách đến thăm vườn.
Theo chị Mười, khi khách đến, HTX sẽ có người hướng dẫn, đưa khách vượt hàng chục cây số đường rừng, tham quan tận vườn và giới thiệu về quy trình trồng, chăm sóc sâm dưới tán rừng.
Giới chuyên gia cho rằng để thiết kế tour du lịch nông nghiệp trải nghiệm tại điểm trồng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My, gắn với văn hóa bản địa thì cần tạo ra mô hình quản trị, điều hành tour du lịch nông nghiệp tại địa phương, nhất là khuyến khích mô hình HTX.
Và để khai thác, phát triển du lịch cộng đồng cho vùng sâm Ngọc Linh ở theo hướng bền vững thì đòi hỏi các HTX ở Nam Trà Mỹ phải tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa phương để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, phù hợp với từng địa phương và chọn lọc.
Thanh Loan