Tại huyện Thạch An, cỏ ngọt và gai xanh là những loại cây đang trở thành cây trồng mới giúp người dân thoát nghèo, mở hướng làm giàu cho nhiều hộ gia đình tại địa phương.
Cây 1 vốn 4 lời
HTX Thảo Đường Vinh, xã Lê Lai được thành lập từ năm 2023, với 7 thành viên, chuyên trồng cây cỏ ngọt theo hướng hữu cơ, tạo công ăn việc làm cho khoảng 50 lao động thường vụ với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.
Đại diện HTX Thảo Đường Vinh cho biết: Cỏ ngọt Stevia có tên khoa học là Stevia Rebaudina, thường được sử dụng trong thực phẩm và dược phẩm mà người bị bệnh tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp dùng rất tốt. Từ lâu trong y học cổ truyền, cây cỏ ngọt được sử dụng làm trà thảo dược. Vì thế, HTX đã quyết định đầu tư xây dựng mô hình trồng cỏ ngọt.
![]() |
Người nông dân thu hái cây cỏ ngọt. |
Cây cỏ ngọt thích hợp với chân ruộng cao, đất cát pha, dễ trồng, ít sâu bệnh, tốn ít công chăm sóc, vốn đầu tư thấp lại có thể thu hoạch quanh năm, nên có thể nói trồng cây cỏ ngọt thu “1 vốn 4 lời”.
Lãnh đạo HTX Thảo Đường Vinh chia sẻ: Cây cỏ ngọt được lên luống trồng như các loại rau màu khác, mỗi sào chia 6 luống, mỗi luống từ 800-1.000 gốc. Trước khi trồng chú ý làm đất sạch cỏ, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật diệt trừ các loại mối mọt, sâu bệnh trong đất. Tuỳ điều kiện thời tiết, cây cỏ ngọt sau khi trồng từ 45-60 ngày, cây cao từ 8-10cm có thể cắt thu hoạch lứa đầu tiên và tiếp tục chăm sóc, mỗi năm thu hoạch được 6 lứa cỏ ngọt. Cây cỏ ngọt này cho thu hoạch được từ 2-3 năm, nhưng để có năng suất tốt nhất thì sau một năm khai thác nên trồng mới để đảm bảo cây phát triển mạnh, chất lượng vị ngọt cao.
Để tiết kiệm chi phí nhân công, sau khi xử lý đất, HTX áp dụng phương pháp trồng che phủ nilon mặt luống. Cách làm này vừa tiết kiệm tương đối tiền thuê nhân công làm cỏ, vừa giữ được độ ẩm phù hợp cho cây cỏ ngọt phát triển. Cây cỏ ngọt ưa nắng, sợ úng nên để trồng cây cỏ ngọt phải đảm bảo hệ thống chân ruộng cao, thoát nước tốt. Bên cạnh đó, để đảm bảo độ ẩm cho cây sinh trưởng, HTX Thảo Đường Vinh đã đầu tư thêm hệ thống tưới nước tự động và hệ thống nhà kính, kho sấy giúp sản lượng cây cỏ ngọt không bị thất thoát do hỏng, héo hay nấm lá.
Nhờ việc trồng theo hướng hữu cơ năng suất cây trồng, thu nhập từ trồng cây cổ ngọt cao gấp gấp 4-5 lần so với trồng lúa truyền thống. Do đó, HTX tạo công ăn việc làm cho khoảng 50 lao động thường vụ với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.
Hiện tại, nhu cầu về cỏ ngọt của thị trường vô cùng lớn. Toàn bộ số lượng cỏ ngọt khô của HTX sản xuất đến đâu đều được tiêu thụ đến đó.
Cây thoát nghèo của thành viên HTX
Trong khi đó, tại HTX Thương mại dịch vụ Thành Công, xã Lê Lợi chuyên trồng, thu mua cây gai xanh trên địa bàn huyện và liên kết với nhiều nhóm hộ dân trên địa bàn các huyện: Hà Quảng, Quảng Hòa, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân gần 80 triệu đồng/ha.
HTX chia sẻ, cây gai xanh dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, khả năng chịu hạn tốt. Cây trồng vụ đầu tiên sẽ cho thu hoạch sau 75 ngày. Khi thu hoạch chặt sát gốc, cây sẽ mọc lại, sau đó chỉ cần bón phân, làm cỏ. Các vụ kế tiếp thu hoạch sau khoảng 47 - 50 ngày. Cây gai xanh cho thu 4 lứa chính trong năm, nếu chăm sóc tốt có thể được 5 lứa và cho thu hoạch liên tục trong 10 - 15 năm.
Hơn nữa, gai xanh là loại cây có giá trị kinh tế cao, có thể tận dụng tất cả bộ phận của cây để làm ra sản phẩm; vỏ cây dùng để sản xuất sợi, dệt vải; lá cây có thể chế biến bánh gai và chiết xuất tinh dầu, làm thức ăn chăn nuôi; thân cây được dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy…
Chỉ riêng vỏ cây, với giá thu mua 40.000 đồng/kg vỏ khô, tính ra mỗi 1 ha có thể thu được từ 80 – 100 triệu đồng/năm, cao gấp khoảng 3 lần so với trồng ngô, sắn.
Bà Hoàng Thị Phấn, sinh sống tại huyện Hà Quảng (Cao Bằng) cho biết, những năm trước đây, gia đình bà trồng nhiều loại cây khác như mía, keo, sắn… nhưng thường xuyên rơi vào tình trạng "được mùa mất giá", thu nhập bấp bênh. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang trồng cây gai xanh, bà yên tâm hơn khi được HTX Thương mại dịch vụ Thành Công cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
![]() |
Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng khảo sát, nắm tình hình tại Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Thành Công |
Vui vẻ khi chia sẻ về thu nhập, bà Phấn cho biết, đến thời điểm thu hoạch, mỗi ngày, gia đình bà thu về 15 - 20 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí. Như vậy, mỗi năm, thu nhập từ cây gai xanh có thể lên đến hàng tỷ đồng. Không chỉ mang về nguồn thu ổn định cho gia đình, bà Phấn còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương khi vào vụ thu hoạch với 300.000 đồng/người/ngày.
HTX Thương mại dịch vụ Thành Công cho biết không những mang lại lợi ích cho người dân mà cây gai xanh còn được đánh giá là một trong những loại cây giữ đất rất tốt bởi rễ bám sâu vào đất nên hạn chế tối đa xói mòn. Cây gai sau thu hoạch được tách lấy vỏ, phơi khô đưa vào sản xuất sợi. Lõi thân và lá cây vốn có hàm lượng protein cao nên được băm nhỏ, bón vào đất để tăng độ tơi xốp, dinh dưỡng. Cứ khoảng 60 ngày, người dân thu hoạch một lứa. Cứ chặt đi, mầm gai lại bám đất vươn lên, lớp này nối tiếp lớp kia.
Tiếp tục tạo điều kiện để HTX phát triển
Trong những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng, kinh tế tập thể, HTX của huyện Thạch An đã có những chuyển biến rõ rệt. Theo tìm hiểu của VnBusiness, hiện trên địa bàn huyện Thạch An có 30 HTX, với tổng số trên 260 thành viên, trong đó, có 124 lao động thường xuyên.
Nhiều HTX trên địa bàn huyện thành lập với quy mô, lĩnh vực mở rộng, kinh tế tập thể được củng cố, đổi mới, mô hình tổ chức, hoạt động ngày càng phù hợp, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình; không ngừng nâng cao thu nhập cho các thành viên, hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, hiện nhiều HTX đang ở tình trạng khó khăn trong việc huy động vốn cũng như tìm đầu ra và quảng bá sản phẩm.
Ngày 8/4, Liên minh HTX tỉnh Lào Cai đến nắm tình hình, hoạt động các HTX tại huyện Thạch An. Tại điểm khảo sát, các HTX đưa ra một số khó khăn, vướng mắc trong kết nối cung cầu, nguồn vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh; quảng bá thương hiệu…
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng cho biết sẽ thực hiện các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, HTX và vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể; tổ chức các hoạt động đối thoại của lãnh đạo cấp ủy và chính quyền địa phương với các HTX và thành viên; các hoạt động đồng hành, tư vấn, hỗ trợ phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX cũng như các hoạt động củng cố, đổi mới, phát triển hệ thống Liên minh HTX và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX.
Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng cho biết thời gian tới sẽ tư vấn, hỗ trợ để các HTX có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Mong muốn các HTX phát huy năng lực nội tại, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý điều hành.
Hoàng Hà