Với việc làm tốt công tác tuyên truyền cũng như liên doanh, liên kết và bao tiêu sản phẩm mà cây chanh leo đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại huyện Tam Đường.
HTX tiên phong đi đầu
Gia đình ông Lê Văn Vi là một trong 5 hộ gia đình tham gia trồng chanh leo theo mô hình liên kết đầu tiên của bản đội 4, xã Hồ Thầu, với 5.000m2 trồng từ năm 2020. Sau hơn 2 năm thu hái mỗi năm cho gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng. Với hiệu quả kinh tế mang lại mà đến nay ông đã mở rộng diện tích cây chanh leo nhà mình lên 1,1 ha và tích cực chăm sóc để có thu nhập cao hơn trong thời gian tới.
Người dân ở huyện Tam Đường hồ hởi mở rộng diện tích chanh leo. |
Ông Lê Văn Vi – đội 4 – xã Hồ Thầu chia sẻ: Hiện nhà tôi giờ có trồng 1,1 ha chanh leo đang cho thu hoạch, tôi thấy trồng chanh leo đem lại hiệu quả kinh tế cao, hơn trồng lúa, ngô nhiều. Thời điểm này, gia đình đang tích cực chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, để cây chanh leo cho quả to, đẹp đạt chất lượng cao.
Hồ Thầu là xã có diện tích cây chanh leo lớn nhất huyện Tam Đường với 80 ha, được trồng tập trung ở bản Đội 4 và bản Nhiều Sang. Từ khi cây chanh leo được đưa vào trồng đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập hàng chục triệu đồng, cây chanh leo có đầu ra ổn định khi đẩy mạnh liên kết với HTX, doanh nghiệp giúp người dân yên tâm, không lo đầu ra cho sản phẩm. Đây cũng là một trong những hướng đi mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho người dân nơi đây.
Một trong những mô hình liên kết phát triển chuỗi giá trị chanh leo phải kể tới là HTX Chăn nuôi và Trồng trọt bản Đội 4 (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường). Tháng 10/2021, HTX thành lập với 7 thành viên, 44 lao động phổ thông, tổng vốn điều lệ 8 tỷ đồng, chuyên chăn nuôi trâu, lợn thịt và trồng chanh leo.
Trong đó, cây chanh leo của HTX Chăn nuôi và Trồng trọt bản Đội 4 thời điểm này đang vào vụ thu hoạch, sai trĩu quả. Thành viên HTX đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc 6,5ha chanh leo. Đồng thời, chủ động bón phân, vun xới, phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh hợp lý cho cây chanh leo phát triển, hiệu quả. Nhờ nỗ lực chăm sóc, diện tích chanh leo của HTX cho năng suất cao.
Nông dân có cuộc sống khấm khá
Hội đồng Quản trị HTX đã ký liên kết với 44 hộ dân trong xã trồng, chăm sóc 17ha chanh leo. Phân công thành viên thu mua toàn bộ sản phẩm chanh leo của bà con, bán lại cho các công ty lớn đang thu mua tại địa phương. Từ đó, HTX giúp thành viên và bà con trong xã thu nhập ổn định từ cây chanh leo.
Ông Vũ Viết Cương, thành viên HTX Chăn nuôi và Trồng trọt bản Đội 4 tâm sự, ông chuyển đổi nương ngô kém hiệu quả sang trồng 0,5ha chanh leo, gia đình tôi thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng chanh leo.
Để làm tốt công tác giảm nghèo, thời gian tới huyện Tam Đường tiếp tục thực hiện có hiệu quả các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo năm 2023, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 5%. |
Bà Tăng Thị Hạnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX CN&TT bản Đội 4 cho biết: “Thời gian qua, huyện Tam Đường tạo mọi điều kiện thuận lợi cho HTX Bản Đội 4 phát triển mô hình HTX thích ứng với cơ chế thị trường và đa dạng cây trồng, vật nuôi. Ngoài cây chanh leo, thành viên HTX còn trồng dong riềng, rau xanh. Quy mô, chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh HTX ngày càng phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, lao động”.
Chia sẻ về mô hình trồng chanh leo, ông Trần Đình Biên, nông dân ở bản Sân Bay, thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường, Lai Châu) hồ hởi cho biết: Gần 5.000m2 vườn chanh leo này trước đây gia đình tôi chỉ dùng để trồng lúa 1 vụ, năng suất thấp, vì thế thu nhập không được bao nhiêu.
Bà Tẩn Thị Nhẫn – Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu nói: Cây chanh leo mới được người dân trong xã đưa vào trồng, nhưng đã đem lại hiệu quả thiết thực, nhiều hộ có thu nhập ổn định, đầu ra thì được HTX, doanh nghiệp bao tiêu hết sản phẩm nên người dân trong xã cũng rất yên tâm. Hiện tại, chúng tôi quan quan tâm hướng dẫn người dân chăm sóc cũng như mở rộng diện tích phát triển cây trồng này.
Nhận thấy lợi ích từ chương trình liên doanh liên kết cây chanh leo, nhiều hộ gia đình tại các xã trên địa bàn huyện Tam Đường, đã hưởng ứng và tích cực mở rộng diện tích.
Cây làm giàu cho người nông dân
Sau 4 năm có mặt trên đất Tam Đường đến nay cây chanh leo đã mở rộng và phát triển lên trên 200 ha và cây chanh leo đã khẳng định được vai trò của mình giúp người dân trên địa bàn xóa đói, giảm nghèo.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn của huyện cho thấy: Cây Chanh leo sẽ cho thu hoạch quả liên tục trong thời gian từ 3 - 4 năm với năng suất bình quân đạt từ 30 - 40 tấn/ha. Sau khi thu hoạch quả các công ty liên doanh, liên kết đều đảm bảo thu mua hết cho bà con từ tận ruộng. Với hiệu quả cây chanh leo mang lại huyện Tam Đường đang tiếp tục định hướng cho người dân quan tâm phát triển cây trồng này.
Ông Sùng Lử Páo, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Sau mấy năm trồng và phát triển cây chanh leo, thấy rằng đây là cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của Tam Đường, cây sinh trưởng và phát triển tốt và mang lai thu nhập cao cho người nông dân. Hiện nay, huyện đang xây dựng kế hoạch phát triển cây chanh leo ở những xã có điều kiện. Đồng thời đẩy mạnh liên kết với các công ty nhằm hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người dân...
Hiện nay, cây chanh leo đang hứa hẹn không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho người nông dân một cách bền vững thời gian tới. Với việc liên doanh, liên kết hiệu quả cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, mang lại giá trị kinh tế cao, từ đó giúp người dân có thu nhập và thay đổi tập quán canh tác mà huyện Tam Đường hướng tới.
Đến cuối năm 2022, toàn huyện Tam Đường còn 3.388 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 27,1%; 1.651 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 13,21%; tỷ lệ giảm hộ nghèo 5%, tỷ lệ giảm hộ cận nghèo 1%, đạt 100% kế hoạch.
Để làm tốt công tác giảm nghèo, thời gian tới huyện Tam Đường tiếp tục thực hiện có hiệu quả các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo năm 2023, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 5%. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, người nghèo được công khai, đầy đủ, kịp thời.
Với những giải pháp cụ thể, quyết liệt, tin rằng tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Tam Đường sẽ ngày một giảm dần, đời sống của bà con các dân tộc trên địa bàn thêm ấm no, hạnh phúc.
Minh Trang