Đăk Glei là một huyện biên giới, thuần nông, với gần 90% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, huyện Đăk Glei có 2.532 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,91% và 1.226 hộ cận nghèo, chiếm 9,16% dân số.
Đẩy mạnh thành lập HTX
Vì vậy, Đăk Glei đã đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương thông qua việc thành lập các tổ hợp tác, HTX. Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2023, trên địa bàn huyện đã thành lập mới 11 HTX, 77 tổ hợp tác thu hút gần 2.000 thành viên.
Liên kết trồng sâm dây ở Đăk Glei. |
Đến nay, toàn huyện có tổng số 16 HTX và 129 tổ hợp tác, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định. Trong đó, nhiều HTX đã có sản phẩm OCOP, xây dựng được thương hiệu trên thị trường, mang lại lợi nhuận cho thành viên. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động tại chỗ.
Đơn cử, HTX Thương mại và dịch vụ huyện Đăk Glei, ở thôn 14A, xã Đăk Pek được thành lập vào tháng 5/2021 với 8 thành viên. Với mục đích xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dược liệu của địa phương, HTX đã liên kết với 20 hộ dân tộc Xơ Đăng tại xã Mường Hoong và Ngọc Linh trồng cây sâm dây, với diện tích khoảng 20 ha.
Sản phẩm của các hộ làm ra được HTX thu mua theo giá thị trường. Hiện tại, HTX chế biến ra hơn 10 sản phẩm: sâm dây khô, rượu sâm dây, cao sâm dây, mứt sâm dây, măng khô, thịt heo gác bếp… Trong đó, có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Chị Trịnh Thị Phượng, thành viên HTX Thương mại và Dịch vụ huyện Đăk Glei chia sẻ: Khi thành lập HTX, thuận lợi đầu tiên là HTX chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, không sợ bị thiếu hụt, không sợ kém chất lượng. Bên cạnh đó, sản phẩm của HTX cũng được các cơ quan, ban, ngành của huyện, tỉnh và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Kon Tum tạo điều kiện giới thiệu sản phẩm và mang đi quảng bá ở các nơi. Vì thế, các sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ tại nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi tháng, HTX đạt doanh thu hơn 200 triệu đồng.
Các HTX, tổ hợp tác không chỉ phát huy vai trò giúp cho kinh tế của các thành viên phát triển mà còn giúp người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập ổn định. Ông Nguyễn Viết Tài, Giám đốc HTX Dược liệu Thuận Tài, thị trấn Đăk Glei cho biế, trung bình mỗi năm, HTX đã tiêu thụ khoảng 80 tấn dược liệu cho bà con, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên HTX với doanh thu hơn 12 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, khi tham gia vào HTX, các thành viên sản xuất chuyên nghiệp hơn, thu nhập ổn định hơn. Việc quảng bá sản phẩm cũng dễ dàng hơn vì huyện luôn quan tâm tạo điều cho HTX tham gia các hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại.
Thời gian qua, huyện Đăk Glei đã ban hành các văn bản khuyến khích, hướng dẫn người dân hình thành, phát triển các mô hình HTX, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Huyện cũng đẩy mạnh hoạt động đào tạo và dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; lồng ghép phát triển HTX với việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới...
Phát triển sản phẩm đặc trưng
Ông Đinh Xuân Hòa, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đăk Glei cho biết, việc phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương được các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Đăk Glei chú trọng đúng mức, tiến hành đầu tư chế biến sản phẩm theo chiều sâu.
Đăk Glei đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương thông qua việc thành lập các tổ hợp tác, HTX. |
Đáng chú ý, các sản phẩm OCOP của huyện Đăk Glei đã tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, sàn giao dịch điện tử trong và ngoài tỉnh nhằm phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường truyền thông, quảng bá, giới thiệu, kết nối, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, chính quyền địa phương chú trọng phát triển các loại dược liệu chính (sâm củ Ngọc Linh, sâm dây) để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung tại các xã trọng điểm Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp, Đăk Choong. Một số xã khác có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, huyện có chính sách hỗ trợ để phát triển các loại dược liệu khác như sơn tra, đương quy, quế, nghệ, gừng theo hướng sản xuất hàng hóa có quy mô, có sức tiêu thụ lớn trên thị trường, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng đặc biệt khó khăn.
Trong 2 năm 2022-2023, UBND huyện Đăk Glei đã chỉ đạo Công ty Lâm nghiệp Đăk Glei và Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh hỗ trợ cho người dân ở 2 xã Mường Hoong, Ngọc Linh hơn 57.230 cây sơn tra để trồng trên diện tích gần 58 ha.
Đến nay, huyện Đăk Glei đã trồng được 612ha cây dược liệu các loại; trong đó cây sâm Ngọc Linh có 39ha, các loại cây dược liệu khác có 573ha (gừng, nghệ, sơn tra, đinh lăng...), tập trung chủ yếu ở các xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp, Đăk Choong.
Đặc biệt, UBND huyện Đăk Glei khuyến khích nhân dân đầu tư, phát triển dược liệu thông qua các loại hình kinh tế tập thể; thúc đẩy liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có khả năng đầu tư sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết giá trị.
Tăng cường hỗ trợ
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, UBND huyện Đăk Glei đề ra nhiều giải pháp hiệu quả, đồng thời chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương cơ sở trên địa bàn triển khai thực hiện nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo.
Các chính sách hỗ trợ thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi được huyện Đăk Glei chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn xây dựng kế hoạch cụ thể, sát với yêu cầu thực tế và tích cực tổ chức triển khai thực hiện. Các vấn đề có liên quan đến lợi ích của người nghèo và những mong muốn thoát nghèo của người dân được các cấp, các ngành liên quan trên địa bàn huyện quan tâm giải quyết, thông qua xây dựng kế hoạch với những chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng- Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Đăk Glei cho biết: Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Đăk Glei quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn triển khai thực hiện kịp thời các chương trình, dự án, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc trong quá trình tổ chức và thực hiện chương trình.
Các chỉ tiêu về công tác giảm nghèo của huyện đều thực hiện đạt và vượt theo lộ trình giảm nghèo đề ra hàng năm. Cụ thể, đầu nhiệm kỳ 2021 - 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 18,91% và hộ cận nghèo chiếm 9,16%, qua rà soát và dự kiến phấn đấu thực hiện giảm nghèo đa chiều cuối đến năm 2023 trên địa bàn huyện Đăk Glei còn 5,62% hộ nghèo (mục tiêu đề ra đến hết năm 2023 còn 7,7% hộ nghèo) và 2,08% hộ cận nghèo (mục tiêu đề ra đến hết năm 2023 còn 3,45% cận hộ nghèo).
Ông Thái Văn Tưởng, Bí thư Huyện ủy Đăk Glei cho biết, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 05 “về tăng cường sự lãnh đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân thi đua thoát nghèo bền vững trên địa bàn huyện”. Phân công đảng viên, đoàn viên, hội viên trực tiếp phụ trách, bám sát và gắn trách nhiệm với từng hộ nghèo nhằm hướng dẫn, theo dõi, giúp đỡ các hộ nghèo mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, nhất là nguồn lực hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Diện mạo nông thôn huyện Đăk Glei từng bước thay đổi, người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu. Nhiều hộ nghèo giờ đây đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững, coi đó là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi gia đình; từ đó họ tự lực vươn lên, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Tâm An