Nhắc đến xã Trà Đông không thể không nhắc đến sản phẩm muối nàng rây và sản phẩm trà túi lọc khổ qua rừng hương quế của HTX Phát triển nông lâm nghiệp - thương mại dịch vụ tổng hợp Phú Quý. Để tạo nên một sản phẩm tiện dụng có thể bảo quản lâu dài cho người tiêu dùng, thời gian qua HTX đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm muối nàng rây.
Dấu ấn kinh tế tập thể
Các thành viên của HTX luôn trăn trở về cách sản xuất những sản phẩm từ cây rừng lá núi Bắc Trà My. Như chia sẻ của ông Lê Văn Ba, thành viên sáng lập HTX, trong một lần uống trà chúc Tết đã nảy ra ý tưởng chế biến hương trà từ loại dược liệu quý này.
![]() |
Sản phẩm trà túi lọc khổ qua rừng hương quế của HTX ở Trà Đông ngày càng được người tiêu dùng biết đến. |
Ông Ba cho biết qua nhiều lần thử nghiệm thất bại, các thành viên HTX đã nghiên cứu ra công thức tạo hạt cho sản phẩm muối nàng rây với hương vị rất riêng biệt. Loại muối mà HTX làm ra từ các sản phẩm nông nghiệp sạch của bà con nông dân ở địa phương, không sử dụng các loại chất bảo quản.
Hiện nay HTX này đang trồng khoảng hơn 5.000 gốc cây nàng rây nhưng vẫn không đủ sản xuất sản phẩm muối nàng rây để cung ứng cho thị trường, do đó HTX đang cung ứng giống để mở rộng nguồn nguyên liệu. Cùng với đó, HTX thu mua lá nàng rây và ớt sim rừng để chế biến thành sản phẩm muối nàng rây.
Ngoài ra, để có được sản phẩm trà túi lọc khổ qua rừng hương quế, từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, HTX Phú Quý thu mua từ người dân 200.000 đồng/kg dây lá khổ qua rừng khô để phục vụ chế biến. HTX Phú Quý đã ký kết hợp đồng bao tiêu khổ qua rừng cho các hộ trồng trọt ở xã Trà Đông và thu mua không giới hạn cho người dân.
Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư được hệ thống máy móc với tổng kinh phí hơn 120 triệu đồng để sản xuất sản phẩm muối nàng rây hợp vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm. HTX dự định sẽ đầu tư máy sấy khô phục vụ cho người dân sấy khổ qua rừng vào mùa mưa.
Thời gian qua, một số đơn vị đầu tư du lịch tại Tp.Đà Nẵng đã đặt hàng sản phẩm muối nàng rây để cung ứng cho khách du lịch. Hồi năm 2024, sản phẩm muối nàng rây và sản phẩm trà túi lọc khổ qua rừng hương quế của HTX Phú Quý đã đạt OCOP hạng 3 sao.
Giúp dân cải thiện đời sống
Nhờ đó, sản phẩm của HTX Phú Quý được nhiều người biết đến, đầu ra ngày càng được khơi thông. Giá trị sản phẩm được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng qua các chương trình trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp, hội chợ...Hiện tại loại trà này được bán chạy tại khu vực Bắc Trà My, Thăng Bình, Quế Sơn và đang tiếp cận thị trường Tp.Đà Nẵng, Tp.HCM.
![]() |
Sản phẩm muối nàng rây là một minh chứng tận dụng sản vật bản địa của HTX ở Trà Đông để giúp dân thoát nghèo. |
Ngoài HTX nêu trên, ở xã Trà Đông còn có HTX sản xuất và dịch vụ nông – lâm nghiệp Trường Lộc. Đây là một trong những HTX đầu tiên của xã và của huyện Bắc Trà My, chuyên sản xuất kinh doanh những mặt hàng nông, lâm sản bản địa.
HTX cần cố gắng hơn nữa nhằm tạo thương hiệu sản phẩm nông lâm sản bản địa như xây dựng vườn ươm cây giống, trại chăn nuôi con giống có chất lượng của xã Trà Đông nói riêng và huyện Bắc Trà My nói chung để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Hướng xa hơn, HTX còn có thể cung ứng cho nhân dân và các dự án đầu tư các mô hình trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn huyện. Từ đó sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế gắn với quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông lâm nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Trà My.
Có thể thấy, việc phát triển kinh tế HTX ở xã Trà Đông gắn với nông sản bản địa rất cần được nhân rộng trong thời gian tới nhằm cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. Điều này cũng nhằm tạo cơ hội để nông dân tiêu thụ các sản phẩm nông lâm nghiệp mà lâu nay người dân sản xuất ra nhưng không có khả năng xâm nhập thị trường để tiêu thụ.
Nhất là các HTX ở Trà Đông nên có chiến lược để hoạt động lâu dài, từ việc học tập các khoa học kỹ thuật từ các chuyên gia tư vấn để áp dụng vào mô hình; thực hiện chiến lược lấy ngắn nuôi dài. HTX cũng cần phát triển thị trường và giới thiệu sản phẩm để tìm ra các đơn vị thu mua sản phẩm lâu dài, giá cả hợp lý, đảm bảo lợi ích giữa hộ nông dân với doanh nghiệp thu mua và đem lại lợi nhuận cho thành viên của HTX.
Bên cạnh đó, để giúp cho người dân địa phương cải thiện đời sống kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xã Trà Đông cũng đang đẩy mạnh phát triển mô hình vườn - trang trại và có được những thành công bước đầu. Như ông Huỳnh Chung (ở thôn Ba Hương) được xem là hình mẫu kinh tế vườn gắn với loại cây trái bản địa trên địa bàn xã, được nhiều hộ dân trên địa bàn xã đến tham quan học hỏi.
Lan tỏa những cách xóa nghèo
Được khuyến khích, hỗ trợ của chính quyền địa phương, trong 5 năm nỗ lực cải ta mảnh đất khô cằn rộng 1000m2, ông Chung trồng hơn 50 cây thanh trà, 100 cây cam sành, xen canh chuối và mới trồng thêm 50 gốc lòn bon, 100 gốc măng cụt. Ngoài ra, ông còn đầu tư mô hình chuồng trại gồm gà, vịt, lợn và cầy vòi hương. Với cách làm trang trại đạt hiệu quả cao, ước tính tổng thu nhập hằng năm của gia đình ông từ chăn nuôi và kinh tế vườn đạt trên 200 triệu đồng/năm.
![]() |
Diện mạo nông thôn ở xã Trà Đông ngày càng khởi sắc nhờ lan tỏa rộng những cách làm xóa nghèo. |
Từ việc đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác và kinh tế vườn gắn với sản vật bản địa, diện mạo nông thôn Trà Đông ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân ngày một nâng lên là kết quả của sự đồng thuận, tinh thần đoàn kết của chính quyền và nhân dân ở xã.
Đáng mừng là người dân Trà Đông đã có ý thức chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tham gia vào HTX, tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo thu nhập phù hợp với điều kiện thực tiễn từng gia đình, địa phương.
Để người dân nơi đây thoát nghèo một cách bền vững, mong rằng với sự quan tâm, định hướng của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam sẽ có những hoạt động hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế hợp tác ở xã Trà Đông nói riêng và huyện Bắc Trà My nói chung. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tập huấn nâng cao kỹ năng về sản xuất, tập huấn cho các HTX về mô hình mới, tăng cường kết nối giao thương, thúc đẩy mạnh liên kết HTX với doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Và mong rằng chính quyền xã Trà Đông sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo trong xã. Nhất là phát huy những kết quả đạt được khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương về sản vật bản địa, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao đời sống cho người dân.
Đây là lúc cần lan tỏa rộng những cách xóa nghèo, làm giàu từ chính những sản vật, đất đai, rừng núi ở Trà Đông. Có như vậy sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho người dân địa phương trong việc giảm nghèo bền vững.
Thanh Loan