Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, huyện Mường Nhé được đánh giá là một trong những địa phương có phong trào phát triển kinh tế hợp tác mạnh và hiệu quả. Thống kê gần nhất, huyện biên giới này có 13 HTX với tổng số thành viên là 107 người.
Phát triển kinh tế hợp tác mạnh và hiệu quả
Số HTX thành lập mới phát triển nhanh và hoạt động ngày càng đa dạng, nỗ lực vươn lên, đổi mới tổ chức và nội dung hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh theo hướng đa ngành, đa nghề. Ngoài ra, các HTX còn tích cực hỗ trợ nhau về kỹ thuật sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự khu vực, góp phần phát triển kinh tế ổn định, giảm nghèo cho người dân tại vùng sản xuất.
Điển hình như HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Hà Ân (bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè) được thành lập năm 2021 với 7 thành viên, tổng số vốn điều lệ 5 tỷ đồng.
HTX tập trung mở rộng sản xuất các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, mang tính vùng miền nên thu nhập bình quân của thành viên không ngừng tăng, trung bình từ 15 - 17 triệu đồng/tháng.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho thành viên, HTX đã đã liên kết với 3 xã Chà Nưa, Si Pa Phìn, Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) để trồng bí xanh xuất bán đến thị trường Hà Nội.
Đặc biệt, mới đây, 3 sản phẩm trà (Cực tây hoa hồng trà, Cực tây tô mộc trà, Cực tây bí xanh trà) của HTX đã được huyện Mường Nhé công nhận là sản phẩm OCOP 2 sao, sản phẩm Cực tây Hà Nhì trà được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
![]() |
Sản phẩm trà của HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Hà Ân được công nhận là sản phẩm OCOP. |
Trên địa bàn huyện, HTX Gai xanh Mường Nhé cũng được thành lập với 8 thành viên. Chiếm đa phần là các thanh niên 8X, 9X. Anh Trịnh Xuân Phượng (SN 1987) là một trong những thành viên chủ chốt của HTX.
Anh Phượng cho hay, sau khi tìm hiểu thổ nhưỡng địa bàn rất phù hợp với việc trồng cây gai xanh làm nguyên liệu sản xuất vải, anh đã quyết định thành lập HTX. Mục đích nhằm kết nối, tìm kiếm “bạn đồng hành” cùng hỗ trợ nhau sản xuất. Những người anh nghĩ đến đầu tiên là thanh niên chưa có việc làm tại địa phương.
“Hầu hết đoàn viên, thanh niên mà tôi tìm gặp đều đang loay hoay với câu hỏi làm gì để bám quê. Khi nghe tôi đề cập đến HTX, họ đều đồng tình sẵn sàng cùng chung lưng đấu cật. Không trông chờ chính sách hỗ trợ, 8 thành viên chúng tôi cùng nhau góp vốn, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế địa phương”, anh Phương chia sẻ.
HTX đã mở rộng mô hình trồng gai xanh với 12,5 ha. Ngoài ra, còn liên kết với một số hộ dân mở rộng diện tích trồng gai xanh lên gần 20 ha tại các xã: Mường Nhé, Nậm Kè, Leng Su Sìn, Chung Chải, Nậm Vì, Pá Mỳ, Sín Thầu. Quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch sẽ được cán bộ kỹ thuật của CTCP Tập đoàn An Phước Viramie hỗ trợ và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra 10 năm với giá cả ổn định.
Do có đặc điểm là loại cây lưu gốc dễ trồng nên theo tính toán, mỗi năm gai xanh sẽ cho thu hoạch từ 4 - 5 vụ. Với giá thu mua 34.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí HTX sẽ thu lãi khoảng 11 - 14 triệu đồng/ha.
Thu hút cán bộ trẻ
Đại diện Liên minh HTX tỉnh Điện Biên cho biết, để nâng cao hiệu quả kinh tế HTX theo định hướng thì nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới được xác định là phải tăng cường cả chất và lượng.
Riêng tại Mường Nhé, Liên minh HTX tỉnh sẽ đề nghị Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ xây dựng mô hình HTX phát triển gắn với chuỗi giá trị sản phẩm trên địa bàn huyện. Đồng thời, phối hợp giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các HTX hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
![]() |
Thành viên HTX Gai xanh Mường Nhé chế biến gai xanh sau thu hoạch. |
Ngoài ra, HTX tỉnh sẽ ưu tiên việc vận động, tư vấn hỗ trợ thành lập mới các HTX có nguồn nhân lực trẻ tuổi và tập huấn, nâng cao kỹ năng, trình độ cho họ.
Ưu điểm của những người trẻ là khả năng thích ứng, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng sức mạnh 4.0 trong mọi hoạt động. Việc ngày càng có nhiều người trẻ tham gia phát triển HTX sẽ là một tín hiệu tốt đối với hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn.
“Với tư duy, kiến thức, cách làm mới, họ chính là những nhân tố mới trong phát triển HTX khi dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư. Đặc biệt là trong việc biết khai thác thế mạnh địa phương để hình thành và phát triển những mặt hàng nông sản mới lạ, riêng biệt”, vị này cho hay.
Được biết, nhằm thu hút cán bộ trẻ có trình độ theo hướng dẫn tại Thông tư số 340/TT-BTC, tỉnh Điện Biên đã thí điểm đưa 4 trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại 4 HTX nông nghiệp, với kinh phí hỗ trợ trả lương là 299,7 triệu đồng. Chủ trương này bước đầu đã phát huy hiệu quả, khi vừa thúc đẩy sự phát triển các HTX, vừa tạo cơ hội cho trí thức trẻ thể hiện, phát huy năng lực.
HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, huyện Điện Biên là 1 trong 4 HTX thí điểm mô hình này. Theo anh Quản Bá Tới - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX chia sẻ: Việc đưa tri thức trẻ là kỹ sư nông nghiệp về làm việc tại HTX đã tạo chuyển biến rõ nét trong sản xuất, kinh doanh của đơn vị, nhất là việc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra sản phẩm chất lượng.
“Cụ thể thấy rõ nhất là HTX đã áp dụng quy trình kỹ thuật đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp có hệ thống lò sấy và kho lạnh và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là góp phần tạo nên thương hiệu gạo Tâm Sáng, với 3 sản phẩm: Tám Thơm, Séng Cù và Hana112. Các sản phẩm này hiện đã tạo dựng được uy tín, chất lượng và được bày bán tại nhiều hệ thống siêu thị trong, ngoài tỉnh”, anh Tới cho hay.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm
Thời gian qua, nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, đặc biệt là với HTX, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát tình hình hoạt động HTX trên địa bàn huyện Mường Nhé. Kết quả cho thấy HTX trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả rõ nét.
Tuy nhiên, hầu hết các HTX nông nghiệp hiện nay đều thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, sản phẩm đầu ra chưa tập trung thành hàng hóa, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực quản lý còn yếu, chưa đáp ứng với cơ chế thị trường; việc liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế.
Xác định phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh, lợi thế của địa phương, huyện Mường Nhé đã tập trung triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, huyện đang linh hoạt sử dụng các nguồn vốn phân bổ kinh phí nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện chính sách liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn bao gồm các chính sách về hỗ trợ tập trung đất đai; tín dụng; nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường.
Nhờ đó, các HTX đã từng bước phát huy vai trò trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đại diện UBND huyện Mường Nhé cho biết, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích thành lập các HTX và tổ hợp tác để mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm mang tính hàng hoá. Nhằm phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, huyện chú trọng gặp gỡ, đối thoại về chính sách xây dựng, phát triển HTX gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, chỉ đạo 11/11 xã tổ chức khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, đặc thù sản xuất, mô hình nông nghiệp của từng địa phương, điều tra cung - cầu lao động. Từ đó xây dựng kế hoạch, triển khai đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tiễn, phù hợp với thực tế, năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển các HTX. Huyện cũng khuyến khích các HTX tích cực đổi mới, xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể, chủ động đa dạng hóa đối tượng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhật Nam