Vào đầu tháng 4/2025, trong giai đoạn cao điểm thu hoạch, giá hồ tiêu tại Việt Nam dao động từ 157.000 đến 158.000 đồng/kg, người trồng tiêu Cư Kuin phấn khởi vì có thu nhập cao, khẩn trương thu hái cho kịp tiến độ và an tâm đầu tư chăm sóc vườn hồ tiêu sau thu hoạch đạt năng suất và chất lượng cao.
Cao điểm thu “vàng đen”
Giữa tháng 4, gia đình ông Vũ Đình Khôi (thôn 6, xã Ea Bhốk) đang tất bật huy động nhân lực để hoàn thành việc thu hái hơn 1,2ha hồ tiêu. Năm nay, do thời tiết không thuận lợi và nhiều trụ tiêu đã già cỗi, năng suất vườn nhà ông giảm sút, sản lượng ước đạt khoảng 3 tấn. Gia đình ông bắt đầu thu hoạch từ giữa tháng 3 nhưng đến nay vẫn còn khoảng 200 trụ tiêu chưa thu hái xong.
![]() |
Giá hồ tiêu đang dao động từ 157.000 - 158.000 đồng/kg, người trồng tiêu Cư Kuin phấn khởi vì có thu nhập cao. |
Việc thu hái chậm còn dẫn đến tình trạng tiêu chín rụng đen gốc, làm giảm chất lượng sản phẩm và tăng thêm công lao động cho việc thu gom. Gia đình ông phải tranh thủ từng ngày để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm kịp thời gian chăm sóc và phục hồi vườn cây sau thu hoạch.
Việc thu hoạch tại vườn tiêu của gia đình anh Phan Văn Hoàng (thôn 9, xã Ea Tiêu) cũng đang vào cao điểm. Cả chủ vườn lẫn nhân công đều làm việc hết công suất, không ngừng nghỉ vặt những chùm tiêu chín đỏ.
“Mùa tiêu năm nay thu hoạch muộn hơn so với mọi năm do thời tiết lạnh kéo dài ảnh hưởng đến quá trình chín tự nhiên của quả. Gia đình tôi hiện đang canh tác 5 sào tiêu nhưng đến nay mới thu hoạch được khoảng một nửa diện tích”, anh Hoàng chia sẻ.
Để đẩy nhanh tiến độ, anh Hoàng phải thuê thêm 4 nhân công, nâng tổng số lao động thu hái lên 10 người, với mức hái khoán là 3.500 đồng/kg tiêu tươi. Nếu thu hoạch kéo dài sẽ bị ảnh hưởng bởi những cơn mưa đầu mùa, chất lượng hạt tiêu giảm kéo giá bán xuống, chưa kể khâu phơi sấy cũng vất vả hơn rất nhiều.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cư Kuin thông tin, trong quá trình thu hoạch, người dân luôn ưu tiên thu hái tiêu khi tỷ lệ chín đồng đều nhằm bảo đảm năng suất và chất lượng sản phẩm. Sau thu hoạch, người dân sử dụng phương pháp phơi sấy tự nhiên, chỉ một số ít gia đình dùng lò sấy, nhờ đó chất lượng tiêu được giữ ổn định, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Về đầu ra, người trồng tiêu chủ yếu bán sản phẩm cho các hộ thu gom hoặc cơ sở thu mua tại địa phương, với mặt hàng chính là hạt tiêu đen. Toàn huyện hiện có khoảng 50 hộ thu gom và gần 20 cơ sở thu mua, tập trung tại các khu vực có diện tích hồ tiêu tương đối lớn.
Đặc biệt, các hộ dân còn bán tiêu cho doanh nghiệp thông qua việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu, trong tổng số 15 chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp.
Đảm bảo cả “chất” và “lượng”
HTX Nông nghiệp Việt Đức hiện có 50 thành viên, với tổng diện tích canh tác gần 361ha, sản lượng năm nay ước đạt khoảng 1.000 - 1.200 tấn.
Giám đốc HTX Phạm Văn Tuấn thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, các thành viên trong HTX đã thu hoạch được khoảng 60% tổng diện tích hồ tiêu và đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để bảo đảm chất lượng cũng như kịp thời tiêu thụ.
“Giá hồ tiêu năm nay tăng cao, tạo ra những tác động rõ nét đến tâm lý của người trồng. Một số hộ dân lựa chọn bán ra sớm để thu hồi vốn, ổn định tài chính, trong khi nhiều hộ lại chủ động trữ hàng, kỳ vọng giá sẽ tiếp tục nhích lên để tối ưu hóa lợi nhuận”, ông Tuấn chia sẻ.
Huyện Cư Kuin được đánh giá là có điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để phát triển cây công nghiệp lâu năm, trong đó có cây hồ tiêu.
Tính đến năm 2025, huyện Cư Kuin có khoảng 4.649ha diện tích trồng hồ tiêu, với sản lượng ước đạt hơn 13.000 tấn mỗi năm. Trong đó, khoảng 3.685ha đang trong thời kỳ kinh doanh, với năng suất trung bình từ 2,8 - 3 tấn/ha.
Trên địa bàn huyện, cây hồ tiêu được trồng chủ yếu ở 2 xã Ea Ning và Ea Bhốk, tạo thành vùng nguyên liệu tập trung, thuận lợi cho việc triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Trong đó, xã Ea Ning là một trong những địa phương có diện tích trồng hồ tiêu lớn và được chú trọng phát triển theo hướng bền vững. Toàn xã đã có 328 hộ tham gia mô hình hồ tiêu cảnh quan, với tổng diện tích lên đến gần 361ha. Tại xã Ea Bhốk, việc tập trung trồng tiêu cũng góp phần hình thành vùng nguyên liệu lớn, thuận lợi cho việc liên kết sản xuất và xây dựng thương hiệu hồ tiêu Cư Kuin.
Để duy trì hiệu quả sản xuất, người dân trong huyện sử dụng đến 97% trụ sống và đặc biệt ưu tiên dùng phân hữu cơ kết hợp với các chế phẩm sinh học để chăm sóc cây trồng, phòng trừ sâu bệnh. Nông dân còn tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng cây hồ tiêu.
Đặc biệt, nông dân Cư Kuin đang chuyển hướng sang canh tác hồ tiêu hữu cơ và bền vững. Việc sử dụng chế phẩm sinh học và phân vi sinh trong quá trình canh tác không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn duy trì năng suất và bảo vệ môi trường. Một số hộ dân đã áp dụng quy trình tự ủ phân vi sinh từ xác cá để bón cho cây tiêu, giúp cải thiện cấu trúc đất và tăng cường độ ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vườn tiêu.
HTX phát huy vai trò “trụ đỡ”
Mặc dù có sản lượng lớn, việc xây dựng thương hiệu cho hồ tiêu Cư Kuin vẫn còn hạn chế. Huyện đang nỗ lực trong việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm hồ tiêu địa phương, nhằm nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ.
![]() |
Trồng tiêu theo hướng bền vững, hữu cơ giúp nâng cao chất lượng và giá bán sản phẩm. |
Định hướng phát triển của huyện Cư Kuin trong thời gian tới là khuyến khích chuyển đổi mô hình canh tác từ truyền thống sang bền vững, hữu cơ; Tái canh hồ tiêu tại các vùng đất phù hợp, kết hợp cây trồng xen canh để giảm rủi ro; Tăng cường liên kết chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu hồ tiêu địa phương; Hỗ trợ người dân tiếp cận kỹ thuật canh tác hiện đại, giống tiêu kháng bệnh.
Ngoài HTX Nông nghiệp Việt Đức, trên địa bàn huyện cũng đã hình thành 1 HTX sản xuất hồ tiêu hữu cơ với diện tích 30 ha, 2 câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt với diện tích 25 ha, 2 tổ hợp tác sản xuất hồ tiêu bền vững với diện tích 20 ha.
Điển hình là HTX Hồ tiêu hữu cơ Ea Ning 2-9 (xã Ea Ning). Đây là một trong những HTX tiên phong trong việc canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ, áp dụng các phương pháp canh tác bền vững và thân thiện với môi trường.
Hay như Tổ hợp tác sản xuất hồ tiêu hữu cơ tại thôn 7, xã Ea Hu. Tổ hợp tác gồm 25 thành viên, quản lý tổng diện tích sản xuất khoảng 20 ha. Tổ hợp tác chú trọng vào việc sản xuất hồ tiêu hữu cơ, hướng đến việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.
Những đơn vị này không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm hồ tiêu Cư Kuin mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững ngành hồ tiêu của huyện.
Trong thời gian qua, chính quyền địa phương và hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã có nhiều hỗ trợ, hướng dẫn cho bà con nông dân và thành viên các HTX, tổ hợp tác trồng tiêu ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đăk Lăk nói riêng. Đặc biệt, các đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp, hoặc thông qua Liên minh HTX tỉnh mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật canh tác tiêu hữu cơ, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng, áp dụng công nghệ số trong trồng, chăm sóc và bán hàng sản phẩm tiêu. Từ đó, người trồng tiêu ở Đăk Lăk, trong đó có huyện Cư Kuin có sự thay đổi lớn về tư duy, có thu nhập ngày càng cao, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tính đến cuối năm 2024, toàn huyện chỉ còn 741 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,61%; tổng số hộ cận nghèo là 1.197 hộ, chiếm tỷ lệ 4,22%.
Đức Nguyễn