Thực hiện Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng, huyện Trùng Khánh phấn đấu đến năm 2030 sẽ trồng mới 500 ha cây dẻ, loại hạt nổi tiếng thơm ngon đặc trưng của địa phương. HTX Bích Loan là đơn vị tiên phong ươm giống kết hợp với kỹ thuật ghép cây dẻ đem lại hiệu quả cao.
Nhân rộng diện tích cây trồng đặc sản
Huyện Trùng Khánh từ lâu đã nổi tiếng với đặc sản hạt dẻ thơm ngon, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Nhằm phát triển bền vững loại cây trồng đặc thù này, huyện đang tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hướng tới xây dựng vùng trồng dẻ quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường và góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Theo Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Trùng Khánh đặt mục tiêu phát triển cây dẻ với quy mô 1.000 ha. Trong đó, 400 ha sẽ được trồng mới, tập trung tại các xã Chí Viễn, Khâm Thành, Đình Phong,... và thị trấn Trùng Khánh; 100 ha còn lại sẽ được cải tạo, trồng thay thế. Đáng chú ý, huyện chú trọng ứng dụng kỹ thuật ghép giống, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng hạt dẻ.
![]() |
Người dân trồng hạt dẻ được tham gia tập huấn, đào tạo kỹ năng trồng và chăm sóc cây. |
Để đạt được mục tiêu, huyện xác định phải ứng dụng khoa học công nghệ từ khi ươm giống, trồng và chăm sóc cây. Cách làm này đang mang lại hiệu quả tích cực. HTX Bích Loan là đơn vị tiên phong ươm giống kết hợp với kỹ thuật ghép cây dẻ đem lại hiệu quả cao. Theo đó, năng suất hạt dẻ tăng lên đáng kể, đạt trung bình khoảng 160 tấn/năm. Người dân được tập huấn về kỹ thuật canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Các giống dẻ mới, có năng suất và chất lượng cao hơn cũng được nghiên cứu và đưa vào trồng thử nghiệm.
Đại diện HTX Bích Loan cho biết: HTX áp dụng kỹ thuật ghép giống để giảm thời gian phát triển, rút ngắn thời gian cây cho quả nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn cách ươm truyền thống. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường hàng nghìn cây dẻ ghép và cây dẻ thực sinh để phục vụ người dân mở rộng diện tích. Ngoài ra, HTX còn đầu tư phát triển các loại giống cây ăn quả nhằm hỗ trợ người dân sản xuất theo hướng hàng hóa một cách thuận lợi.
Đặc biệt, việc phát triển kinh tế nông nghiệp thông qua các HTX còn góp phần phát triển du lịch trải nghiệm. Hiện trên địa bàn huyện đã có nhiều homestay và cơ sở lưu trú được các doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư xây dựng, thu hút đông đảo khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Vùng quê khởi sắc nhờ cây hạt dẻ
Năm 2024, xã Đình Phong được huyện Trùng Khánh giao chỉ tiêu trồng 30 ha dẻ theo hướng tập trung thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Theo đó, xã đã xác định vùng trồng tập trung tại các xóm Bản Chang- Bản Giang, Bản Luông - Nà Sa và Bó Nặm với tổng diện tích hơn 55ha. Bà con nhân dân đã triển khai trồng hơn 5.600 cây, trong đó hơn 3.200 cây dẻ ươm hạt và hơn 2.400 cây dẻ ghép.
Bà Hứa Thị Sảng ở xóm Đoỏng Luông - Chi Choi, xã Đình Phong chia sẻ, gia đình đã trồng dẻ cách đây cả chục năm, tuy nhiên trước đây để cây sinh trưởng tự nhiên rồi thu hoạch nên sản lượng không cao. Từ khi được HTX Bích Loan hướng dẫn cách trồng và chăm sóc theo ứng dụng kỹ thuật nên năng suất bình quân ước đạt khoảng 20 – 25 tạ/ha, thu nhập ước đạt khoảng 200 – 250 triệu đồng/ha/năm. Vì vậy, trong hai năm qua, gia đình bà Sảng mở rộng diện tích trồng hạt dẻ từ 20 gốc lên hơn 50 gốc, tạo ra nguồn thu đáng kể.
“Những hộ nghèo, cận nghèo khi tham gia phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa đều được hỗ trợ giống, có nghiệm thu tỷ lệ giống phát triển, được hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vì vậy, hầu hết người dân tại địa phương chuyển đổi sang mô hình trồng cây hạt dẻ và thoát nghèo bền vững”, bà Sảng cho hay.
![]() |
Hạt dẻ Trùng Khánh đã trở thành thương hiệu đặc sản nổi tiếng của địa phương |
Với mục tiêu hình thành vùng trồng dẻ tập trung, không chỉ HTX Bích Loan, nhiều HTX tại Trùng Khánh đã đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật vào trồng và chăm sóc nhằm tăng năng suất, chất lượng hạt dẻ. Các thành viên HTX đã đẩy mạnh kết hợp sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch trải nghiệm để khách tham quan có thể vừa hái vừa thưởng thức hạt dẻ ngay tại vườn, qua đó nâng cao giá trị kinh tế.
Ngoài ra, các HTX đã thử nghiệm và sản xuất thành công các sản phẩm từ hạt dẻ như: Xôi dẻ, sữa dẻ, hạt dẻ rang, hạt dẻ chế biến nấu canh, và hạt dẻ làm bánh trung thu… Để nâng cao chất lượng, tăng giá trị cho sản phẩm, hiện nay, một số HTX đang xây dựng hồ sơ gửi các cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Xây dựng HTX làm nòng cốt để phát triển cây hạt dẻ
Nhận thấy tiềm năng của loại cây hạt dẻ giúp xoá đói giảm nghèo hiệu quả tại Trùng Khánh, nông dân ở nhiều địa phương trên cả nước đã tìm đến học tập và mua giống về trồng. Điển hình tại Bắc Giang, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang gần đây đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn triển khai mô hình trồng thâm canh cây dẻ ván để lấy hạt với diện tích 2,5ha tại xã Phú Nhuận. Tương tự, nhiều người nông dân tại xã Quảng Lạc (TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) đã tìm thấy hướng đi mới trong xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu từ cây hạt dẻ.
Để tạo thương hiệu góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm nông sản địa phương, huyện Trùng Khánh đã kết hợp với tỉnh Cao Bằng và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên triển khai nghiên cứu nhiều đề tài phục tráng, bảo tồn và phát triển cây dẻ.
Đồng thời, huyện cũng tập trung hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng vườn ươm, vườn bảo tồn nguồn gen gốc, tìm phương pháp diệt trừ sâu bệnh, hướng dẫn nông dân, thành viên HTX cách phòng trừ sâu bệnh.
UBND huyện Trùng Khánh cho biết, việc phát triển sản xuất liên kết "4 nhà," gồm Nhà nước-doanh nghiệp-nhà nông-nhà khoa học, sẽ sớm đưa cây dẻ trở thành cây kinh tế mũi nhọn; chắp cánh cho thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh tiếp tục vươn xa. Cũng từ đây, đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được cải thiện và nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương
Xác định được tầm quan trọng của mô hình kinh tế tập thể, HTX trong phát triển kinh tế nông thôn, huyện đã quan tâm phát triển mô hình HTX để làm nền tảng hỗ trợ người dân liên kết, sản xuất theo hình thức “4 nhà”, từ đó hạn chế khó khăn và tạo thuận lợi trong tiếp cận các chính sách, cơ chế của Nhà nước.
Đến nay, Trùng Khánh đã phát triển và xây dựng được những mô hình kinh tế hàng hóa hiệu quả. Điển hình như HTX An Thịnh, xã Lưu Ngọc, HTX Nông lâm và dịch vụ An Bình, xã Cao Chương.
Hoàng Hà