Ở xã Quảng Ngãi (huyện Cát Tiên) hiện có mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ các dòng sản phẩm gạo lứt xếp hạng OCOP 3 sao của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Tư Nghĩa.
Nâng cao giá trị cho gạo lứt
Cụ thể như sản phẩm “Trà gạo lứt ban mai Cát Tiên” của HTX này có sự phối trộn giữa gạo lứt với các sản phẩm đậu đen, đậu đỏ, táo đỏ, đông trùng hạ thảo…, tạo ra công dụng hỗ trợ giảm cân, giúp sảng khoái tinh thần, nên được thị trường đón nhận tin dùng.
Các dòng sản phẩm gạo lứt xếp hạng OCOP 3 sao của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Tư Nghĩa. |
Đây cũng là một trong 5 dòng sản phẩm chính của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Tư Nghĩa nghiên cứu, chế biến đưa ra thị trường trong hơn 2 năm qua. 4 dòng sản phẩm còn lại đang lưu thông trên thị trường các vùng, miền trong nước với nguyên liệu 100% gạo lứt Cát Tiên rang xay nguyên chất kết hợp một tỷ lệ nhất định của các thành phần khác như: Bột gạo lứt chùm ngây; bột gạo lứt hạt sen; trà gạo lứt; bột cám gạo chè xanh.
Ông Lê Quang Cảnh, Giám đốc HTX Tư Nghĩa, cho biết tất cả các sản phẩm chế biến đều được các cơ quan chuyên trách chứng nhận đảm bảo điều kiện sản xuất và sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, theo ông Cảnh, HTX được cấp Chứng nhận 10 ha sản xuất hữu cơ nằm trong 40 ha tổng diện tích lúa sản xuất theo chuỗi liên kết với 18 hộ nông dân xã Quảng Ngãi, thị trấn Cát Tiên (huyện Cát Tiên). Còn lại 30 ha đang hoàn chỉnh quy trình sản xuất đáp ứng các tiêu chí chứng nhận hữu cơ trong thời gian tới.
Nhiều năm nay, HTX này tổ chức sản xuất theo kế hoạch mỗi năm 3 vụ trên địa bàn huyện Cát Tiên nhằm phát triển ổn định vùng nguyên liệu 40 ha diện tích lúa hữu cơ chế biến các dòng sản phẩm gạo lứt OCOP cung cấp cho nhu cầu thị trường. Trung bình trên 1 ha sản xuất 3 vụ lúa hữu cơ được HTX bao tiêu “giá trước” đã mang lại lợi nhuận cho thành viên hơn 150 triệu đồng, cao hơn khoảng 15 - 20 triệu đồng so với sản xuất thông thường.
Bên cạnh mô hình sản xuất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao như vậy, thời gian qua xã Quảng Ngãi đã đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: Chăn nuôi bò sữa, trồng cây ăn quả theo mô hình vườn mẫu, sản xuất lúa chất lượng cao…
Nhờ đó đã góp phần giúp cho thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Quảng Ngãi tính đến năm 2023 đạt trên 57,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã chỉ còn 1,44% và tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,05%.
Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP
Trong hoạt động kinh tế hợp tác ở huyện vùng xa Cát Tiên, một thống kê mới đưa ra cho thấy toàn huyện đã có 1 liên hiệp HTX, 21 HTX và 37 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thông qua hoạt động chế biến, HTX Thương mại Dịch vụ và Chế biến nông sản xuất khẩu Lê Gia đã nâng cao giá trị cho hạt điều ở huyện Cát Tiên. |
Người nông dân trong huyện khi tham HTX, tổ hợp tác có điều kiện phát triển ổn định và bền vững hơn. Đặc biệt là được hỗ trợ giá phân bón, giống, kỹ thuật canh tác. Nhất là những năm gần đây hoạt động của các HTX đã tạo điều kiện cho việc nắm bắt các giống lúa mới, cây ăn trái để nông dân áp dụng, đồng thời khi sản phẩm thu hoạch được ký hợp đồng bao tiêu đầu ra.
Trong năm 2023 này, ngành nông nghiệp huyện Cát Tiên đã hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trong các HTX. Ngoài sản phẩm chế biến từ gạo lứt của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Tư Nghĩa thì có thể kể đến sản phẩm hạt điều nguyên vị của HTX Thương mại Dịch vụ và Chế biến nông sản xuất khẩu Lê Gia và sản phẩm mật ong dưới tán cây của Tổ hợp tác nuôi ong mật xã Tiên Hoàng.
Với sản phẩm hạt điều nguyên vị của HTX Thương mại Dịch vụ và Chế biến nông sản xuất khẩu Lê Gia ở thị trấn Phước Cát (huyện Cát Tiên) nhiều năm nay được đánh giá là có uy tín và giá trị thương hiệu đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước.
HTX này có hoạt động đột phá chế biến sâu hạt điều trong 5 năm trở lại đây với quy mô dây chuyền máy móc khép kín trên tổng diện tích 2.000 m2 tại thị trấn Phước Cát. Mỗi năm HTX xuất khẩu thành phẩm trung bình khoảng 100 tấn sang thị trường Trung Quốc, châu Âu; 50 tấn ở thị trường nội địa.
Trong năm 2023 này, sản phẩm hạt điều của HTX Lê Gia tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu và nội địa với 180 - 210 tấn thành phẩm, tương ứng với 600 - 700 tấn trái điều nguyên liệu thu hoạch trên tổng diện tích 100 - 110 ha sản xuất của hộ gia đình trong và ngoài thành viên HTX.
Cách đây vài tháng, trong số 7 sản phẩm được hội đồng Đánh giá và xếp loại sản phẩm OCOP huyện Cát Tiên đánh giá đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP hạng 3 sao của năm 2023 thì có 3 sản phẩm của HTX, tổ hợp tác.
Cụ thể, đó là gạo hạt ngọc Cát Tiên (loại gạo ST 25) của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Cát Tiên; bột ca cao sữa của Tổ hợp tác Sản xuất, chế biến ca cao; hạt điều sữa của HTX Thương mại dịch vụ và chế biến hàng nông sản xuất khẩu Lê Gia.
Các sản phẩm này được đánh giá là những sản phẩm tiêu biểu trên địa bàn huyện Cát Tiên, có chất lượng cao, hình thức, mẫu mã sản phẩm đẹp, được sản xuất, chế biển đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường và có khả năng và sức cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài ra, phải kể thêm đến sản phẩm tiêu sọ Đồng Nai Thượng của HTX Sản xuất nông nghiệp Đồng Tâm ở xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên). Trong tháng 12/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định Chứng nhận đây là một trong 18 sản phẩm và bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh năm 2023.
Tạo mối liên kết chặt chẽ cho nông dân
Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP thì huyện Cát Tiên đang chú trọng phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tính đến tháng 12/2023, toàn huyện hiện có 17 chuỗi liên kết với diện tích 2.600 ha, chiếm trên 13% diện tích toàn huyện.
Nhờ thúc đẩy chuỗi liên kết ổn định, HTX dâu tằm Cát Tiên đã mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân thị trấn Cát Tiên. |
Đơn cử như ở thị trấn Cát Tiên đã thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, góp phần thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, từ đó giúp các nông dân ở đây làm giàu, giảm nghèo bền vững
Trong đó phải kể đến HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Cát Tiên ở thị trấn Cát Tiên. Hàng năm HTX cung ứng lúa giống các loại lúa giống chất lượng cao như ST 24, ST 25 và RVT, cung ứng phân bón hữu cơ, phân bón chuyên dụng cho lúa cho nông dân trên địa bàn.
Đến vụ thu hoach, HTX này thu mua lại những diện tích đã đầu tư, cung ứng, giúp nông dân có nguồn cung cấp đầu vào và tiêu thụ đầu ra ổn định, từng bước nâng cao đời sống của người nông dân.
Hay như HTX dâu tằm Cát Tiên ở thị trấn Cát Tiên có 36 thành viên, hàng năm cung ứng cho người nuôi tằm về tằm giống và thu mua lại kén tằm cho người nuôi.
Thông qua sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện Cát Tiên, các nông dân ở thị trấn khi tham gia liên kết vào HTX này được hỗ trợ giống tằm con, vật tư nuôi tằm, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chuyển giao quy trình sản xuất, các kỹ thuật nuôi tằm nhằm tăng năng suất và chất lượng kén.
Và hiện nay cây dâu, con tằm đang phát triển khá mạnh tại thị trấn Cát Tiên. Điều này nhờ vào việc xây dựng chuỗi liên kết, là một trong những hoạt động nhằm đẩy mạnh việc nâng cao giá trị kén, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân nơi đây.
Ngoài ra, ở huyện Cát Tiên hiện đã duy trì hoạt động của 2 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả với diện tích 280 ha với sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác. Qua đó đảm bảo được 3 mục tiêu “Vật tư dịch vụ đầu vào ổn định, chất lượng - Tiêu thụ sản phẩm nông sản ổn định - Tạo giá trị gia tăng cho người nông dân sản xuất”, đem lại giá trị gia tăng từ 10 - 25% so với sản xuất chưa có liên kết.
Bên cạnh đó, huyện Cát Tiên còn có 5 vùng liên kết sản xuất sầu riêng tại các xã Quảng Ngãi, Nam Ninh, Tiên Hoàng và Đồng Nai Thượng được công nhận mã số vùng trồng với tổng diện tích 404,7 ha.
Có thể nói, với việc chú trọng vào khâu chế biến nông sản, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP và thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trong ngành nông nghiệp với đầu mối quan trọng của các HTX, tổ hợp tác đã giúp cho huyện Cát Tiên gặt hái nhiều thành công trên bước đường giúp dân làm giàu và thoát nghèo bền vững.
Và theo số liệu cập nhật mới nhất vào giữa tháng 12/2023 này, tính hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện đã giảm từ 3,66% hồi năm 2022 xuống còn 1,51%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 4,08% xuống còn 1,84%.
Thanh Loan