Xã Châu Cường hiện đã có khoảng 30 hộ tập trung phát triển cây hoa thiên lý và đã thành lập tổ hợp tác Châu Cường. Điều mà nhiều người quyết tâm trồng cây này là vì thiên lý dễ trồng, ít sâu bệnh nên không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu chăm sóc đúng cách, thiên lý cho hoa quanh năm. Đặc biệt, thời điểm Tết Nguyên đán, hoa thiên lý rất hút hàng, có bao nhiêu, thương lái cũng thu gom hết.
Những cây trồng mới
Theo tính toán, mỗi sào đất vườn, đất ruộng có thể cho thu 10-12 kg hoa thiên lý/ngày. Giá hoa thiên lý khá tốt, lúc thấp cũng được 50.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 100-150 nghìn đồng/kg. Ước tính mỗi tháng từ vườn thiên lý giúp thu về ít nhất khoảng 10-15 triệu đồng. Đây chỉ là nguồn thu của những hộ trồng 1 sào, còn đối với những hộ trồng 2-3 sào, mức thu nhập sẽ cao hơn.
So với cây lúa, thu nhập từ hoa thiên lý được đánh giá là cao hơn hàng chục lần. Do đó, loại cây này được xem là cây “làm giàu” và cứu cánh cho những cây trồng truyền thống đang thất thu.
Trước đây, hoa thiên lý chưa từng xuất hiện trên địa bàn xã Châu Cường vì người dân chủ yếu sản xuất những cây trồng truyền thống. Nhưng từ khi huyện Quỳ Hợp có chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, cây thiên lý đã được một số hộ quan tâm đầu tư. Điều đáng nói là không chỉ trồng trên đất vườn, cây thiên lý còn được trồng trên đất ruộng sau khi chuyển đổi từ cây lúa, rau màu, mía kém hiệu quả. Điều này cho thấy sự quyết tâm trong sản xuất của người dân cũng như sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với mô hình này.
Hiện mô hình trồng hoa thiên lý đang được ngành nông nghiệp hỗ trợ về ứng dụng khoa học kỹ thuật, Một số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu phát triển loại cây này cũng được địa phương hỗ trợ tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình 135 để đầu tư cây giống, phân bón, hệ thống giàn, tưới…
Từ một trong những xã khó khăn nhất của huyện Quỳ Hợp với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Thái, đời sống kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, đến nay, với sự hỗ trợ theo Chương trình 135 và Nghị quyết 88/2019/QH14 của tỉnh, mô hình trồng thiên lý của xã Châu Cường đã là một trong những điểm sáng kinh tế, hỗ trợ đắc lực người dân nâng cao đời sống và giảm nghèo. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn khoảng 19%.
Hoa thiên lý là cây dây leo nên được bắc giàn để phát triển thuận lợi. |
Hiện, xã đã phát triển được 8ha cây thiên lý. Với giá cả tốt, đầu ra thuận lợi, người dân và các thành viên trong tổ hợp tác đang có kế hoạch nhân rộng mô hình này. Dự tính năm 2024, các thành viên sẽ tăng diện tích lên 12ha, từ đó tiếp tục góp phần nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo trên địa bàn.
Còn tại xã Yên Hợp, mô hình trồng dược liệu kết hợp với đầu tư máy móc sơ chế, chế biến đã giúp tạo ra chuỗi giá trị dược liệu bền vững. Mô hình này có sự tham gia, dẫn dắt của HTX nông dược Tĩnh Sáng Đường khi áp dụng các tiêu chuẩn và quy trình sản xuất kinh doanh nông dược đạt chứng nhận ISO 22000:2018. Bên cạnh đó, các sản phẩm của HTX cũng được đóng gói và ghi nhãn đầy đủ thông tin về sản phẩm, bao gồm cả mã số và mã vạch, giúp người tiêu dùng có thể tra cứu và kiểm tra nguồn gốc sản phẩm một cách dễ dàng.
Mô hình chuỗi giá trị dược liệu này đang giúp giải quyết việc làm cho nhiều người, đặc biệt là những hộ gia đình khó khăn, hộ nghèo trên vùng đất đồi sỏi đá Quỳ Hợp. Nhờ sự phát triển của HTX, người dân trong khu vực đã có thêm nguồn thu nhập và cơ hội phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào quá trình giảm nghèo tại địa phương.
Ứng dụng công nghệ
Có thể nói đến nay nhiều mô hình sản xuất trên đất Quỳ Hợp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần lan tỏa cách làm hay, có giá trị cho người dân. Không chỉ ở việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhiều nông dân, HTX trên địa bàn huyện còn tích cực ứng dụng khoa học công nghệ cao, chuyển đổi số để phát huy giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho thành viên, người dân.
Như tại HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đồng xứ Lìn (xã Minh Hợp), HTX sản xuất và kinh doanh cam Phùng Huyền (xã Minh Hợp)… đã đầu tư nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiêu hiện đại để sản xuất nông sản bền vững. Hay HTX dịch vụ nông nghiệp thị trấn Quỳ Hợp đã ứng dụng quy trình chăn nuôi vịt sinh học để có sản phẩm trứng đạt tiêu chuẩn OCOP.
Ngoài ra, huyện cũng thu hút được rất nhiều doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất, liên kết với HTX và hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản. Trong đó phải kể đến mô hình sản xuất quýt nghệ của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ. Đây là giống quýt có nguồn gốc từ đảo Jeju (Hàn Quốc), được đơn vị này đưa về, sau đó lai ghép cho ra sản phẩm quýt nghệ có màu vàng đẹp mắt cho thu hoạch vào đúng tết và tiết thanh minh, giúp nâng cao thu nhập.
Tưởng rằng vùng đá trắng Quỳ Hợp với đất đai cằn cỗi sỏi đá sẽ làm khó người dân trong quá trình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo. Nhưng điều đó đã lùi vào quá khứ khi đến nay, bằng sự hỗ trợ tích cực từ Nhà nước và địa phương trong chương trình giảm nghèo, rất nhiều người dân Quỳ Hợp đã luôn khát khao phát triển nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật để không chỉ giảm nghèo mà còn làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Mô hình giảm nghèo giá rẻ nhưng hiệu quả cao
Ông Quán Vi Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, dù Quỳ Hợp là vùng đất của đá trắng và thiếc, nhưng kinh tế nông nghiệp lại chính là nền tảng để người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo.Vì vậy, cấp ủy, chính quyền Quỳ Hợp luôn mong mỏi thúc đẩy một nền nông nghiệp chất lượng cao, phát triển bền vững. Việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa với sự tham gia của người dân, HTX, doanh nghiệp đã giúp huyện tạo dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc sản của địa phương.
Không chỉ vậy, phát triển kinh tế nông nghiệp đã giúp đã những người nghèo ở miền núi Tây bắc Nghệ An có những thay đổi trong quá trình giảm nghèo. Thay vì ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều người đã lấy đó làm động lực để tìm ra con đường phù hợp với mình từ những thế mạnh của địa phương và sự tìm hiểu thị trường. Đây được coi là những mô hình giảm nghèo giá rẻ nhưng mang lại hiệu quả cao. Bởi chỉ thông qua sự hỗ trợ nguồn vốn mồi của Nhà nước và địa phương, nhiều nông dân, thành viên HTX đã có thu nhập ổn định và thoát nghèo.
Tiêu biểu như gia đình chị Hồ Thị Kiều (xã Văn Lợi) trước đây là một hộ nghèo, nhưng nhờ được tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng, gia đình chị đã đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản và trồng các loại cây ăn quả cũng như mía, cam quýt bán cho nhà máy đường. Chính vì vậy mà từ hộ nghèo chị đã vươn lên trở thành hộ khá giả của xã Văn Lợi.
Với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2022 của huyện đạt 37,42 triệu đồng/người/năm, tăng 7,22 triệu đồng so với năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 13,79%.
Để tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo, Quỳ Hợp định hướng sẽ tiếp tục phát triển các mô hình kinh tế như HTX Tĩnh Sáng Đường, HTX Công nghệ cao Đồng xứ Lìn, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ…Đặc biệt, với lợi thế đất bazan, huyện Quỳ Hợp đang khuyến khích, tập trung liên kết tích tụ ruộng đất, tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Huyện cũng hình thành các mô hình sản xuất tập trung công nghệ cao, sản xuất hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao
Bởi theo ông Quán Vi Giang, mục tiêu của cấp ủy, chính quyền huyện là phấn đấu đưa Quỳ Hợp từng bước trở thành trung tâm cây ăn quả và là điểm sáng về việc xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu của tỉnh Nghệ An để nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững hiệu quả.
Minh Nhương