Nhắc đến xã Mò Ó phải kể đến HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn với những sản phẩm chế biến đậm chất nguyên liệu bản địa như bột sắn (khoai mì), bột đậu xanh, một số loại trà gừng cam sả, trinh nữ hoàng cung và trà làm từ rễ cây rừng của đồng bào dân tộc thiểu số dành cho phụ nữ sau sinh.
Tận dụng nguyên liệu bản địa
HTX này hiện có 15 thành viên và đang tìm các hướng đi riêng để đưa nông sản, cây dược liệu bản địa vươn ra thị trường. Trong 3 năm trở lại đây, HTX được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị chọn tham gia vào một dự án nhằm thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” cho đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ vùng cao ở địa phương.
![]() |
HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn tận dụng nguồn nguyên liệu bản địa ở Mò Ó để chế biến trà. |
Theo đó, một trong những việc làm thiết thực nhất của HTX là giúp phụ nữ xã Mò Ó nâng cao khả năng phát triển kinh tế và thay đổi nhận thức, biết cách tự vươn lên để làm chủ cuộc sống. Mặt khác, các thành viên HTX còn được tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản.
Về việc tận dụng nguyên liệu bản địa, chị Trần Thị Nhung, Giám đốc HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn, cho biết nhờ chất đất và khí hậu nên chất lượng các loại nông sản bản địa ở đây mang hương vị, chất lượng rất đặc trưng, ít nơi nào có được.
Chẳng hạn như củ sắn nếp thường được người dân ở Mò Ó luộc, hấp ăn thay cơm để chống đói. Còn bây giờ, theo chị Nhung, sắn nếp không còn là cây lương thực chính nhưng cũng là món quà quê dân dã được HTX đóng gói thành món ngon như bột sắn nếp và các loại bánh truyền thống được nhiều người ưa thích.
“Sau khi HTX ra đời, tôi mạnh dạn đưa vào sản xuất và bây giờ bột khoai mì trở thành một trong những sản phẩm chính mang nét riêng của HTX được người tiêu dùng đón nhận”, chị Nhung chia sẻ.
Cũng từ việc phát triển thị trường cho một số sản phẩm nông sản trên, HTX đã tận dụng những nguyên liệu bản địa khác phát triển các loại trà, nhất là trà từ các loại rễ cây rừng, bài thuốc cho phụ nữ sau sinh.
Chị Nhung cho biết thêm, nhờ tham gia các hội chợ nông nghiệp, nông thôn, nhận thấy nhiều loại lá, rễ cây rừng bản địa được phát triển thành những sản phẩm truyền thống mang đặc trưng riêng nên ấp ủ ý tưởng sản xuất những sản phẩm thảo dược từ vùng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, vừa giúp người dân phát triển kinh tế, vừa giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của quê hương ra thị trường bên ngoài.
Nâng cao khả năng làm chủ về kinh tế
Ý tưởng này của chị Nhung nhận được sự hỗ trợ tích cực từ HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh - một đơn vị có máy móc, trang thiết bị tiên tiến và có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất các loại trà thảo dược trên địa bàn huyện Đakrông.
![]() |
Tổ hợp tác dưa hấu Mò Ó giúp người dân thôn Phú Thành (xã Mò Ó) có cuộc sống khấm khá. |
Ngoài được sử dụng máy móc, trang thiết bị để sơ chế, đóng gói sản phẩm, HTX Hùng Anh còn hỗ trợ các thành viên HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn phát triển thị trường với mong muốn cùng nhau xây dựng một quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng để đưa sản phẩm nông sản, cây dược liệu, những bài thuốc truyền thống ở vùng rừng núi Đakrông vươn ra thị trường.
Với mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dược liệu giữa HTX Tây Thạch Hãn với HTX Hùng Anh đã và đang tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân, bà con thiểu số ở địa phương và giúp cho họ nâng cao khả năng làm chủ về kinh tế.
Không chỉ mô hình nêu trên, từ chỗ là vùng đặc biệt khó khăn, với những chuyển biến tích cực, xã Mò Ó hiện là một trong số ít địa phương ở huyện Đakrông được đánh giá có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, thu hút đông đảo người dân hưởng ứng tham gia. Trong xã còn xây dựng và phát triển các tổ hợp tác sản xuất với các ngành nghề phù hợp.
Đơn cử như Tổ hợp tác dưa hấu Mò Ó với các thành viên là 18 hộ trồng dưa hấu ở thôn Phú Thành, xã Mò Ó. Sản phẩm dưa hấu của tổ hợp tác đã đạt OCOP 3 sao, đang thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng liên kết.
Việc thành lập tổ hợp tác này đã giúp bà con thôn Phú Thành liên kết chặt chẽ hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm - một hướng đi mới để cây dưa Mò Ó tiếp tục phát triển. Nhờ đó họ tránh được tình trạng tư thương ép giá, thu nhập của mỗi thành viên trong tổ hợp tác được cải thiện đáng kể. Đây cũng là cơ sở để xã Mò Ó tiếp tục quy hoạch, mở rộng diện tích, đồng thời từng bước đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Khi tham gia Tổ hợp tác dưa hấu Mò Ó, các thành viên trồng dưa được chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau từ khâu xuống giống đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cách sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trước đây. Đến vụ, dưa hấu sẽ được thu hoạch tập trung với số lượng lớn nên rất thuận lợi cho thương lái thu mua với giá thỏa thuận, việc tiêu thụ sản phẩm vì vậy cũng khá thuận lợi.
Nhờ hoạt động hiệu quả của tổ hợp tác này, cùng với hoạt động tích cực của một HTX khác và một tổ hợp tác nuôi ong đã góp phần đưa thôn Phú Thành (có tổng diện tích 168,8 ha) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới hồi năm 2024. Đây là thôn đầu tiên thuộc xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn của huyện Đakrông.
Vươn lên thoát nghèo bền vững
Trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, người dân thôn Phú Thành ngày càng chú trọng tham gia hoạt động kinh tế hợp tác và cải tạo vườn tạp, xây dựng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao.
![]() |
Nhằm giúp cho đồng bào thiểu sống ở xã Mò Ó nâng cao đời sống, huyện Đakrông đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. |
Ngoài ra, nhằm giúp cho đồng bào thiểu số ở xã Mò Ó phát triển sản xuất, thời gian qua, huyện Đakrông đã huy động các nguồn lực và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, ở xã Mò Ó, thời gian qua việc triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được địa phương triển khai tích cực.
Mặt khác, với sự quan tâm định hướng của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị và ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua đã có những hoạt động hỗ trợ nhằm giúp người dân xã Mò Ó phát triển các loại cây trồng bản địa, lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương, xây dựng sản phẩm OCOP…
Mong rằng với hướng đi hiệu quả của hoạt động kinh tế hợp tác sẽ giúp người dân, bà con thiểu số ở Mò Ó tiếp tục vươn lên thoát nghèo bền vững. Với những thành quả bước đầu đạt được, tin rằng với sự quan tâm của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ để giúp cho các HTX, tổ hợp tác nơi đây ngày càng có những bước phát triển mạnh mẽ.
Nhất là tập huấn về sản xuất nông nghiệp, thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các chủ thể và sản phẩm tham gia chương trình OCOP, nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận. Ngoài ra, các HTX và tổ hợp tác ở Mò Ó cũng cần tập trung khai thác các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, các sản phẩm có dư địa lớn mà hiện nay chưa khai thác.
Hơn thế nữa, xã Mò Ó có thể thành lập thêm các HTX, tổ hợp tác theo hướng chuyên canh một loại sản phẩm đặc hữu, cũng như tăng cường kết nối doanh nghiệp với HTX, HTX với hộ sản xuất, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, người dân và bà con thiểu số nơi đây sẽ càng đặt niềm tin vững chắc vào kinh tế hợp tác sẽ giúp họ thoát cảnh nghèo khó.
Thanh Loan