Tại lễ trao giải thưởng “Ngôi sao Hợp tác xã 2025” (Co.opStar Awards 2025) cho 100 hợp tác xã (HTX) tiêu biểu trong cả nước vừa được Liên minh HTX Việt Nam tổ chức, tỉnh Đắk Lắk vinh dự có 1 đơn vị được nhận danh hiệu này là HTX Nông nghiệp 714 (thôn 12, xã Ea Păl, huyện Ea Kar). Đặc biệt, đây là lần thứ hai liên tiếp, HTX Nông nghiệp 714 đạt được giải thưởng.
Lan tỏa từ “điểm sáng”
HTX Nông nghiệp 714 được thành lập từ năm 2010 (tiền thân là Trung đoàn 714). Hiện nay, HTX có 51 thành viên và 587 lao động nhận khoán tại huyện Ea Kar và Krông Pắc. HTX chủ yếu sản xuất các loại lúa có giá trị cao như ST24, ST25…; năng suất lúa đạt 9 - 10 tấn/ha, thậm chí có thành viên đã đạt 11 tấn/ha.
![]() |
Huyện Ea Kar được đánh giá là vùng có điều kiện thổ nhưỡng giúp cây lúa đạt chất lượng cao. |
Từ lâu, HTX Nông nghiệp 714 đã được biết đến là "điểm sáng" trong phát triển sản xuất của tỉnh Đắk Lắk nói chung, huyện Ea Kar nói riêng. HTX được thành lập từ năm 2010, với tiền thân là Trung đoàn 714, sau đó chuyển sang làm kinh tế và thành lập Nông trường 714. Sau khi nông trường giải thể, các cựu chiến binh của Trung đoàn đã mạnh dạn đứng ra nhận lại đất sản xuất, cùng số nợ hơn 10,6 tỷ đồng và thành lập HTX Nông nghiệp 714.
Với bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ từng tham gia chiến đấu, truy quét tàn quân Fulro, khai hoang xây dựng kinh tế tại mảnh đất này, lãnh đạo HTX đã mạnh dạn đứng ra mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) của các thành viên HTX mang đi thế chấp ngân hàng để có vốn tổ chức làm ăn.
Khi đã có vốn, HTX thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ, chuyển giao khoa học kỹ thuật để người lao động nắm thật chắc quy trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Việc cơ giới hóa được HTX thực hiện tương đối đồng bộ từ công đoạn làm đất, gieo sạ, thu mua nông sản, chế biến… giúp giảm thiểu chi phí, mang lại hiệu quả sản xuất cao và góp phần xây dựng thương hiệu gạo của HTX.
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện, HTX Nông nghiệp 714 là một trong những mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu, đóng góp tích cực vào sự phát triển nông nghiệp bền vững của địa phương. Từ khi thành lập, HTX đã tập trung vào việc sản xuất lúa gạo chất lượng cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm
HTX Nông nghiệp 714 đặt mục tiêu mở rộng diện tích canh tác, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm ổn định. Bên cạnh đó, HTX cũng chú trọng đến việc đào tạo, nâng cao trình độ cho các thành viên, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Đáng chú ý, trong hành trình phát triển của mình, HTX Nông nghiệp 714 đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và hướng dẫn của chính quyền, các ban ngành chức năng của huyện, đặc biệt là từ hệ thống Liên minh HTX Việt Nam. Trong đó, Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk đã kết nối liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cho nhiều HTX, và HTX Nông nghiệp 714 cũng nằm trong diện thụ hưởng. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ thực hiện cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm lúa cho các HTX, và các HTX bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định cung cấp cho doanh nghiệp.
Tuy không phải là vùng sản xuất lúa nước có truyền thống, song tỉnh Đắk Lắk đang được đánh giá là vùng có điều kiện thổ nhưỡng giúp cây lúa đạt chất lượng cao so với nhiều vùng trong cả nước. Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang thực hiện sản xuất các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25…, thị trường lúa gạo có nhiều triển vọng góp phần cải thiện đời sống của người dân.
Chú trọng phát triển HTX
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, huyện Ea Kar đã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, hỗ trợ cụ thể nhằm tạo “cú hích” thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển.
Theo đó, huyện tập trung xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Nhiều hợp tác xã HTX, THT đã được tạo điều kiện giao đất, cho thuê đất để xây dựng trụ sở, sản xuất, kinh doanh; khoanh nợ tiền thuế với số tiền trên 1,1 tỷ đồng.
Cùng với đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, huyện đã thực hiện các chính sách hỗ trợ thiết kế nhãn hiệu, tờ rơi sản phẩm, bao bì đóng hộp nhằm xây dựng thương hiệu sản phẩm.
HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Thanh Bình ở thôn 10, xã Ea Sar được thành lập năm 2021 có 16 thành viên trồng vải với tổng diện tích trên 100ha.
Thay vì chỉ liên kết “cơ học”, từ chủ trương, chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xuất khẩu nông sản, năm 2023, HTX đã được trợ giúp nhằm hoàn thiện hồ sơ, quy trình gắn mã số vùng trồng đối với sản phẩm vải thiều.
Không chỉ được huyện hỗ trợ chi phí làm mã vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, các thành viên của HTX còn được chính quyền xã phối hợp với các ngành chức năng tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác tại vườn, tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ vải, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Lãnh đạo HTX Thanh Bình cho biết, nhờ được “trợ lực”, các thành viên đã thực hiện quy trình chăm sóc, tưới nước, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm thời gian cách ly và được cấp chứng nhận VietGAP đối với toàn bộ diện tích, trong đó có 47ha đã được gắn mã vùng trồng. Lợi ích đem lại không chỉ là đầu ra ổn định, thương lái thu mua tận vườn mà mỗi héc ta trồng vải còn gia tăng giá trị lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng so với trước kia.
Đến nay, huyện Ea Kar đã có gần 580 ha cây trồng của các HTX được hỗ trợ gắn 15 mã số vùng trồng đối với sản phẩm vải thiều, nhãn, khoai lang, sầu riêng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc ký kết tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm.
Bên cạnh đó, huyện đã hỗ trợ gần 500 triệu đồng cho các HTX lắp đặt trang thiết bị phục vụ sản xuất; tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến, xây dựng sản phẩm OCOP.
Tăng giá trị nông sản, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo
Từ chủ trương, chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, đến năm 2024, huyện Ea Kar có 62 HTX, 1 chi nhánh HTX và 21 tổ hợp tác (THT), hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, vận tải, tín dụng. Các HTX, tổ hợp tác đã thu hút trên 5.000 thành viên tham gia, doanh thu bình quân khoảng 1 tỷ đồng/năm.
![]() |
Một số HTX đã hợp tác với các doanh nghiệp, hộ dân hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. |
Cùng với HTX Nông nghiệp 714, trên địa bàn huyện Ea Kar còn có nhiều HTX tiêu biểu, tiên phong trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng bền vững, liên kết với các hộ dân tạo thành chuỗi giá trị. Điển hình như HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhất Tâm (xã Ea Đar) liên kết với hơn 200 hộ dân trồng khoảng 100ha ca cao, sản lượng đạt khoảng 300 tấn/năm.
Huyện Ea Kar đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% xã, thị trấn có ít nhất một HTX hoặc THT nông nghiệp hoạt động hiệu quả . Để đạt được mục tiêu này, huyện tập trung vào việc hỗ trợ thành lập mới HTX, nâng cao năng lực quản lý và mở rộng liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa HTX và nông dân.
Các HTX đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất hàng hóa, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm như: lúa gạo, heo rừng lai, trái cây, sản phẩm từ ca cao… từng bước tiếp cận được thị trường thế giới, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho các thành viên. Cùng với đó, các HTX, THT đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn.
Điển hình như HTX Minh Tân Đạt, HTX Nông nghiệp Thành Đạt với hệ thống máy sấy, chế biến bột ca cao tự động; HTX Nông nghiệp 714 sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng; HTX Nông nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar đã đầu tư nâng cấp dây chuyền chế biến bột ca cao nguyên chất với kinh phí gần 1 tỷ đồng, áp dụng quy trình lên men hạt ca cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản…
Một số HTX đã hợp tác với các doanh nghiệp, hộ dân hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt bò, thu mua, chế biến, tiêu thụ ca cao, sản xuất nước ép trái cây, trái cây sấy, các giống lúa xác nhận ST24, ST25… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Từ đó góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 5,79%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 6,38%, tương đương hơn 900 hộ. Mục tiêu giảm nghèo năm 2025, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống dưới 3%; hộ nghèo dân tộc thiểu số: giảm từ 4-5%/năm; tại các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 6-8%/năm.
Đức Nguyễn