Hơn 14 năm trước, HTX Nông nghiệp Dịch vụ Công Bằng Ea Kiết (HTX Ea Kiết) ra đời với sứ mệnh "nâng tầm" giá trị nông sản địa phương, đặc biệt là cà phê Robusta, loại cây trồng chủ lực của vùng đất này. Với tầm nhìn phát triển bền vững, HTX đã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất khắt khe, từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Từ hành trình "nâng tầm" nông sản địa phương
Không chỉ chú trọng đến chất lượng sản phẩm, HTX Ea Kiết còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng chuỗi giá trị khép kín, đảm bảo lợi ích hài hòa cho tất cả các bên liên quan, từ người nông dân đến người tiêu dùng. HTX đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê hiện đại, trang bị máy móc tiên tiến, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho người nông dân, giúp họ nâng cao kiến thức và kỹ năng sản xuất.
![]() |
Không chỉ chú trọng đến chất lượng sản phẩm, HTX Ea Kiết còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng chuỗi giá trị khép kín, đảm bảo lợi ích hài hòa cho tất cả các bên liên quan, từ người nông dân đến người tiêu dùng. |
Một trong những đóng góp quan trọng của HTX Ea Kiết là tạo ra công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 113 thành viên, trong đó có hơn 90% là người dân tộc thiểu số, HTX đã trở thành "mái nhà chung" của nhiều gia đình, giúp họ có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.
Hiện nay, HTX đang canh tác trên 136 ha cà phê đạt Chứng nhận Fairtrade (FLO), với sản lượng 526 tấn/năm và 49 ha cà phê liên kết đạt Chứng nhận 4C, sản lượng 165,4 tấn/năm. HTX cũng đã hoàn thiện khu vực nhà kho, nhà xưởng, sân phơi, hệ thống dây chuyền máy móc sản xuất sơ chế, chế biến cà phê khép kín, văn phòng làm việc được đầu tư đầy đủ trang thiết bị.
Bên cạnh đó, HTX còn mở thêm dịch vụ chế biến cà phê rang xay, tạo việc làm cho nhiều lao động và gia tăng giá trị của sản phẩm. Nhờ đó, doanh thu hằng năm của HTX đạt từ 20 – 25 tỷ đồng và giúp thu nhập thành viên tăng thêm từ 8 – 12 triệu đồng/hộ/năm. Đáng nói, HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết là một trong những đơn vị trong nhóm COOP.66 gồm các HTX nông nghiệp điển hình trên toàn quốc.
Gia đình chị Đỗ Thị Sinh ở thôn 2 (xã Ea Kiết) cho biết: Gia đình có 02 ha cà phê và tham gia vào HTX Ea Kiết từ năm 2012 đến nay. Khi tham gia, các thành viên được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái cà phê. Điều quan trọng trong quy trình sản xuất cà phê để có chứng nhận FLO (chứng nhận thương mại công bằng), người trồng phải tuyệt đối tuân thủ các quy định từ việc làm cỏ, tưới nước, tỉa cành, bón phân, cho đến quá trình thu hái, tất cả đều được ghi chép đầy đủ vào sổ nông hộ và đúng kỹ thuật. Đặc biệt người trồng cà phê không được lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, chăm sóc vườn cà phê theo hướng hữu cơ.
Sau một thời gian sản xuất cà phê theo hướng bền vững, vườn cây của gia đình chị Sinh có thời gian đối chứng, so sánh và nhận thấy tốc độ già hóa của vườn cây chậm hơn nhiều so với trước, năng suất cà phê đạt cao hơn từ 20 đến 30%, cùng vơi đó là giá cả ổn định và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Không chỉ tạo ra việc làm, HTX Ea Kiết còn chú trọng đến việc nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. HTX thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chế biến cà phê, quản lý chất lượng, giúp người lao động nâng cao kiến thức và kỹ năng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Điểm tựa vững chắc để nông dân, thành viên HTX tin tưởng
Trên địa bàn còn có HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (xã Cư Suê) được nhiều người dân nhắc đến như một điểm tựa vững chắc để nông dân, thành viên HTX tin tưởng, và làm theo trong việc trồng, chăm sóc và tiêu thụ cà phê.
"HTX hướng dẫn cho nông dân, bà con làm theo mô hình của hợp tác xã về kỹ thuật chăm bón, thuốc bảo vệ thực vật, bệnh tuyến trùng,… Làm theo hợp tác xã thì có nhiều cái lợi, thu nhập cao hơn. Do hồi xưa tự làm theo kinh nghiệm của cá nhân thì năng suất không đạt" – một thành viên HTX chia sẻ.
![]() |
Cây cà phê đang là một trong những cây trồng chủ lực giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân ở Đắk Lắk. |
HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh hiện nay có 27 thành viên chính thức và 115 thành viên liên kết đều là đồng bào dân tộc Dao ở thôn 3. Chị Triệu Thị Châu - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh cho biết: Khi mới thành lập và đi vào hoạt động, HTX gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu tập trung chế biến cà phê thô để cung cấp cho thị trường nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Đến nay HTX đã xây dựng một vùng nguyên liệu sạch với hơn 108 ha cà phê trồng xen nhiều loại cây khác như: hồ tiêu, sầu riêng, bơ, mãng cầu, nghệ… Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đã trang bị máy móc hiện đại để thực hiện chế biến sâu các sản phẩm của bà con nông dân, cung cấp cho thị trường và bước đầu đã được người tiêu dùng đón nhận.
Những HTX như Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh hay HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ về sự thành công của khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Cư M'gar. Những HTX này đang là những trụ cột vững chãi trong công tác xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều công ăn việc làm trên đại bàn.
Tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, HTX
Để tiếp tục lan tỏa những mô hình hay, cách làm mới của các HTX như trên thì việc tiếp tục hỗ trợ, sát cánh của Liên minh HTX Việt Nam mà trực tiếp là Liên minh HTX tỉnh là vô cùng quan trọng.
Theo như lời Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Huỳnh Bài, những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho các HTX vươn mình phát triển. Liên minh HTX tỉnh đang tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các HTX tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy, nâng cao trình độ, năng lực quản lý, vận hành cho đội ngũ cán bộ HTX. Đồng thời, vận động nguồn nhân lực trẻ, có năng lực vào ban quản trị HTX. Bên cạnh đó, việc cần thiết và cấp bách hơn nữa là tăng cường chuyển đổi số để HTX triển khai kinh tế số.
Do vậy, Liên minh HTX tỉnh đang tiến hành mở các lớp tập huấn, xây dựng chương trình giúp HTX chủ động ứng dụng từ khâu sản xuất, quản lý, vận hành đến tiêu thụ, tạo chất lượng cao cho sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Được biết, toàn tỉnh hiện có 857 HTX, trong đó có 595 HTX nông nghiệp, 58 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 58 HTX vận tải, 101 HTX thương mại - dịch vụ, 33 HTX xây dựng và 12 Quỹ Tín dụng nhân dân. Với sự nỗ lực, nhạy bén, thích ứng linh hoạt trước thách thức của thị trường, nhiều HTX, Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh đã ghi dấu qua quá trình hình thành và phát triển, hoạt động bền vững, tạo chỗ dựa tin cậy cho thành viên và góp phần nâng cao đời sống khu vực nông thôn.
Dù còn nhiều việc phải làm nhưng những đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn huyện Cư M'gar đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên toàn tỉnh giai đoạn 2021-2024 là 2%/năm, trong đó, riêng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 4,09%/năm (đạt chỉ tiêu Nghị quyết, Kế hoạch đề ra), cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân và góp phần ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 3%; giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo từ 4-5%. Toàn tỉnh sẽ hỗ trợ xây mới, sửa chữa 7.312 căn nhà trong đó xây mới 5.891 căn; sửa chữa 1.421 căn cho gia đình chính sách người có công, hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo dân tộc kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát.
Quốc Anh