Để phát triển cây trồng mũi nhọn, các HTX đã xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, mở rộng sản xuất áp dụng quy trình VietGAP, cũng như liên kết theo chuỗi, thực hiện dán tem nhãn nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập cho hộ thành viên, thực hiện tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Sản xuất theo hướng an toàn
Ông Cà Văn Thuận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Chung Thành xã Yên Hưng, huyện Sông Mã chia sẻ, trước đây, phần lớn nhân dân trong bản sản xuất nông nghiệp theo hình thức tự phát, do đó, mẫu mã sản phẩm không đẹp, chất lượng chưa cao.
Ngay sau khi thành lập, HTX đã yêu cầu các thành viên chăm sóc cây ăn quả đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Nhiều mô hình cây ăn quả đã giúp người dân phát triển kinh tế, thực hiện giảm nghèo bền vững. |
Các thành viên chủ động học hỏi kinh nghiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, diện tích cây ăn quả của các thành viên cho năng suất cao, góp phần nâng cao thu nhập.
Đến nay, HTX có 45 ha cây ăn quả, chủ yếu là xoài, nhãn, đã có 32 ha bắt đầu cho thu hoạch, trong đó 17 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng đạt 270 tấn quả/năm, thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/thành viên/tháng.
Ông Lò Văn Bình, thành viên HTX, cho biết: Gia đình tôi có 5 ha cây ăn quả các loại, trong đó chủ yếu là nhãn. Trước đây, toàn bộ diện tích này trồng xen canh một số loại cây khác, việc chăm sóc cho từng loại cây gặp khó khăn.
Được HTX hỗ trợ, gia đình đã cải tạo, chuyển đổi sang trồng thuần. Đồng thời, chuyển đổi hơn 1 ha nhãn chính vụ sang nhãn chín sớm, rải vụ. Mặc dù chi phí xử lý nhãn chín sớm cao hơn so với nhãn chính vụ, nhưng giá bán ổn định.
Chị Lò Thị Thanh, bản Sòng, chia sẻ: Được HTX vận động, gia đình tôi trồng hơn 1.000 m2 xoài. Khi tham gia, tôi được HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Sự hỗ trợ của HTX đã giúp chúng tôi nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Tại huyện Mộc Châu, những năm gần đây, huyện đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất trồng cây lương thực năng suất thấp sang trồng cây ăn quả chủ lực cho năng suất cao. Đến nay, toàn huyện có hàng ngàn ha cây ăn quả đặc trưng có giá trị kinh tế cao được trồng tập trung ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, thị trấn Mộc Châu và các xã Tân Lập, Mường Sang, Phiêng Luông.
Ông Nguyễn Văn Mão, Giám đốc HTX Hoàng Sơn, xã Chiềng Sơn, cho biết: HTX hiện có 35 thành viên, với quy mô 50ha chuyên canh trồng cây ăn quả, trong đó HTX đã được Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc lựa chọn ký hợp đồng xây dựng 13ha chanh leo theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp cho thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Ngoài ra, HTX đang chuyên canh hơn 20ha hồng giòn, xoài, nhãn, bơ và các loại cây ăn quả có múi, với sản lượng hàng chục tấn mỗi năm. HTX đã tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, ổn định đầu ra cho nông hộ. Nhiều hộ có mức thu nhập ổn định từ 100 đến trên 300 triệu đồng/năm/ha.
Là một trong những gia đình ở xã Chiềng Sơn tiên phong chuyển đổi cây trồng, ông Đặng Văn Thái cho biết, năm 2016, gia đình ông đã chuyển đổi 1ha trồng ngô trên đất dốc sang trồng chanh leo giống Đài Nông I của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc. Được hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái nên vườn chanh leo cho hiệu quả kinh tế cao, với mức thu nhập trên 300 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều lần so với trồng ngô.
Các HTX đã tập trung phát triển cây trồng mũi nhọn, tạo thêm nhiều việc làm, giúp tăng thu nhập cho thành viên, người lao động. |
Cùng với gia đình ông Đặng Văn Thái, việc trồng cây ăn quả trên địa bàn xã Chiềng Sơn dần trở thành phong trào, từ việc trồng manh mún nay đã hình thành các HTX, đẩy mạnh liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vào sản xuất đã tạo vùng chuyên canh cây ăn quả, đem lại giá trị kinh tế cao hơn.
Hiệu quả từ chủ trương đúng
Cây ăn quả ở Sơn La có tiềm năng, thế mạnh, giá trị kinh tế cao, giúp người dân có nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định cuộc sống. Từ năm 2017 đến nay, diện tích đất trồng cây ăn quả và sản lượng trái cây của tỉnh liên tục tăng cao. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả của Sơn La đạt gần 85.000 ha; sản lượng quả đạt 453.554 tấn, so với năm 2017, diện tích cây ăn quả tăng 91,2%, sản lượng tăng 210,5% (307.489 tấn).
Một số cây ăn quả chính có giá trị hàng hóa lớn và đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, như: Nhãn ở huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu; xoài Yên Châu; na Mai Sơn; mận, bơ của huyện Mộc Châu; sơn tra của Mường La, Bắc Yên, Thuận Châu.
Phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, hiện nay, đã hình thành liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX với các hộ dân trong việc sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản. Năm 2017, toàn tỉnh mới có 78 HTX trồng cây ăn quả, đến nay đã có trên 300 HTX trồng cây ăn quả, trên 500 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh đã triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thu được nhiều kết quả ấn tượng. Đến nay, tỉnh Sơn La đã có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 3 huyện thoát nghèo là: Mường La, Bắc Yên và Vân Hồ.
Ngoài ra, tỉ lệ hộ có điện sinh hoạt an toàn đạt 94%, tỉ lệ hộ có nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%; quan trọng hơn cả là tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 17,83%, bình quân giảm trên 3%/năm. Để đạt được những kết quả này, UBND tỉnh Sơn La đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đa chiều, đặc biệt tập trung vào nhóm người nghèo là người dân tộc thiểu số; triển khai nhiều chương trình tạo việc làm, đa dạng hóa sinh kế cho người dân.
Có thể thấy, từ chiếc “cần câu”, hay nói đúng hơn là từ cơ chế chính sách, điều nhận thấy rõ là người dân Sơn La hôm nay đã chủ động hơn từ tư duy đến hành động. Một con giống tốt, một cây trồng hiệu quả có thể tạo ra việc làm bền vững và thu nhập ổn định không chỉ 1 hộ nghèo mà cả một cộng đồng thoát nghèo. Với việc tập trung phát triển cây trồng mũi nhọn, những sản phẩm này sẽ có cơ hội phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, để từ đó người dân được thu lợi trên chính sức lao động và khả năng sản xuất.
Đoàn Huyền