Đắk Lắk là “thủ phủ” cà phê của Việt Nam, với diện tích hiện có lên đến 212.106ha, năng suất hơn 26,7 tạ/ha, tổng sản lượng hằng năm đạt trên 500.000 tấn. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của đại đa số người dân.
Liên kết để vượt thách thức
Tuy nhiên, ngành hàng cà phê trong nước nói chung, của tỉnh Đắk Lắk nói riêng đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức như: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chỉ có khoảng trên 10% diện tích cà phê sản xuất tập trung thành vùng chuyên canh.
![]() |
Thương hiệu cà phê Đắk Lắk ngày càng vươn xa trên thị trường toàn cầu nhờ chất lượng cao và phát triển theo hướng bền vững. |
Chính vì vậy, thời gian qua, các ban ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp với nhiều đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, chia sẻ kiến thức về sản xuất và tái canh cà phê như: kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật tạo hình cho cây cà phê, thu hái, bảo quản… Từ đó góp phần giúp cà phê của nông dân sản xuất đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế.
Gia đình ông Y Phố Niê (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) có 1ha đất trồng cà phê xen sầu riêng. Tuy có diện tích cây trồng để phát triển kinh tế nhưng ông chỉ coi đó là nguồn thu phụ nên không đầu tư chăm sóc mà chủ yếu đi làm thuê khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Dù rất chăm chỉ nhưng kinh tế gia đình vẫn vô cùng khó khăn...
Năm 2019, ông Y Phố Niê cùng nhiều hộ dân địa phương được tham gia một HTX trên địa bàn huyện nên chuyên tâm phát triển nông nghiệp. Ông được hỗ trợ kỹ thuật, tham gia các lớp tập huấn về trồng và chăm sóc cây cà phê, được vay mượn vật tư nông nghiệp khi cần để sử dụng vào đúng từng thời điểm phát triển của cây cà phê. Nhờ làm đúng theo quy trình sản xuất cà phê hữu cơ nên khi bán, ông còn được cộng thêm từ 5 - 20 triệu đồng/tấn so với cách trồng, chăm sóc truyền thống. Năm 2024 vừa qua, ông thu được hơn 600 triệu đồng tiền lãi từ vườn cây của gia đình, nhờ vậy kinh tế ngày càng phát triển đi lên.
Để cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Đắk Lắk nói riêng vươn tầm thế giới, việc tổ chức sản xuất đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, bảo đảm môi trường sinh thái, sản xuất bền vững… đòi hỏi sự đầu tư lớn vào khoa học kỹ thuật và công nghệ, sản xuất có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, nông hộ phải cùng liên kết lại, sản xuất theo quy trình, tăng thế mạnh cho nông sản.
Thời gian tới, các ban ngành chức năng của tỉnh sẽ tập trung hướng dẫn, hỗ trợ thành lập và phát triển tổ hợp tác, HTX đối với các nông hộ trồng cà phê; tổ chức đa dạng, thiết thực các hoạt động nhằm thu hút nông dân làm cà phê tham gia. Đồng thời, phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, công nghệ, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất… để góp phần phát triển cà phê bền vững.
Doanh nghiệp là “đầu tàu”
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (Công ty Vương Thành Công) là một trong những doanh nghiệp (DN) tiên phong trong canh tác, sản xuất và chế biến cà phê theo quy trình hữu cơ; góp phần xây dựng nên chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Từ năm 2017 đến nay, công ty đã liên kết với 7 HTX, 13 hộ dân tại các tỉnh Tây Nguyên xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và phát triển cà phê hữu cơ với tổng diện tích 700 ha; trong đó có 65ha đã chuyển đổi từ canh tác vô cơ sang hữu cơ. Hiện, công ty đang sở hữu 5ha cà phê đã được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Khi tham gia liên kết, bà con nông dân được công ty hỗ trợ kỹ thuật, quy trình canh tác và sản xuất cà phê hữu cơ ở tất cả các khâu từ trồng, chăm sóc (theo nguyên tắc "6 không": không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không thuốc trừ cỏ, không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm để tưới, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gen) đến thu hoạch, sơ chế (hái chín, loại bỏ tạp chất, sử dụng giàn phơi…). Đồng thời, công ty cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm đạt tiêu chuẩn với giá cao hơn thị trường từ 10.000 – 20.000 đồng/kg.
Nhiều năm qua, Công ty Vương Thành Công thường xuyên mở các lớp tập huấn miễn phí chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến cà phê theo hướng sạch; hướng dẫn và thực hành kỹ thuật rang, pha chế, thử nếm cà phê; chia sẻ kiến thức về marketing trong lĩnh vực cà phê.
Từ năm 2019 đến nay, công ty đã tổ chức 27 lớp cơ bản, cấp tốc đến nâng cao, thu hút hơn 500 học viên là bà con nông dân, HTX, các nhà rang xay, những người yêu thích cà phê tham gia.
Hay như Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) đã tạo liên kết sản xuất với hệ thống nông hộ từ 15 năm trước. Hiện, Simexco Daklak đang có vùng nguyên liệu lớn, đạt tiêu chí bền vững, canh tác xanh lên đến 40.000 nông hộ, với diện tích 48.000ha. Đây là một trong những nguồn nguyên liệu cà phê chính để Simexco Daklak xuất khẩu đến 89 quốc gia trên thế giới.
HTX là “bà đỡ”
Trên phạm vi toàn tỉnh, nhiều HTX đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững. Trong hành trình này, các đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam đã có những hỗ trợ, hướng dẫn rất thiết thực trong việc tổ chức các khóa tập huấn, vay vốn, áp dụng công nghệ vào sản xuất và chế biến cà phê an toàn và tiết kiệm, thích ứng với biến đổi khí hậu.
![]() |
Mối liên kết chặt chẽ giữa các HTX và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm đầu ra ổn định, nâng cao đời sống cho người dân. |
Điển hình là HTX Thành Công, thành lập năm 2020 với 28 thành viên và diện tích canh tác trên 30ha, đã tập trung vào việc tạo vùng nguyên liệu sạch và hướng dẫn nông dân canh tác an toàn. HTX này cũng đã xây dựng cơ sở sản xuất cà phê chất lượng cao, thu mua cà phê chín 100% từ các hộ liên kết để chế biến theo quy trình cao cấp.
Hay như HTX Nông nghiệp, dịch vụ công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) - đơn vị tiên phong trong xây dựng chuỗi liên kết với các hộ nông dân để sản xuất cà phê bền vững, đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài 49 thành viên chính thức và hơn 60ha có chứng nhận Fairtrade, đến nay HTX đã liên kết với 200 nông dân để chế biến cà phê chất lượng cao, đưa sản phẩm đến với các cuộc thi cà phê đặc sản của Việt Nam và thế giới.
HTX còn liên kết với Công ty TNHH Dakman Việt Nam tiêu thụ phần lớn sản phẩm cà phê nhân, với giá ổn định và cao hơn so với thị trường từ 2 - 2,5 triệu đồng/tấn. Thông qua hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại, các sản phẩm của HTX đã được nhiều khách hàng ở các nước như: Hà Lan, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Anh, Pháp… biết đến và đặt mua.
Theo Sở NN&MT, Đắk Lắk có khoảng 51 HTX cà phê có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với DN. Để thu mua hàng hóa của người dân trên địa bàn với số lượng lớn và chất lượng sản phẩm tốt, an toàn, các DN chủ động liên kết với các HTX ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Trong đó, DN có trách nhiệm đưa ra yêu cầu về chất lượng và số lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hỗ trợ đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; các HTX là cầu nối có trách nhiệm gắn kết thành viên HTX với DN thực hiện đúng các cam kết đã thỏa thuận.
Đây là mô hình liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm đầu ra ổn định, nâng cao đời sống cho người dân. Đồng thời, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, bảo đảm phát triển bền vững.
Đại diện Sở NN&MT cho biết, tỉnh đang tập trung tổ chức ngành hàng theo hướng xây dựng chuỗi liên kết từ người dân, HTX và DN để bảo đảm ngành hàng sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng, có chứng nhận, ứng dụng công nghệ cao, phù hợp, phát triển bền vững và hiệu quả. Đồng thời, áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường và tiết kiệm trong chi phí để ra được sản phẩm có chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Trên cơ sở sản phẩm có chất lượng, Đắk Lắk tập trung xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm cũng như bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột để định vị thương hiệu cà phê của Đắk Lắk ở thị trường trong nước và thế giới.
Phương Linh