Gia đình ông Lỳ Nỏ Pó, xã Tri Lễ là một trong những điển hình phát triển kinh tế hộ gia đình có tiếng trên địa bàn huyện nghèo Quế Phong với mô hình chăn nuôi trâu, bò … Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Pó còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm cùng các hộ dân trong xã, giúp họ nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu, bò.
Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm
Nhờ áp dụng phương pháp chăn nuôi trâu bò với quy mô lớn tới hàng trăm con, giá trị đàn trâu, bò của gia đình ông Pó lên tới hơn 1 tỷ đồng, đã giúp gia đình thoát nghèo và tạo ra một cuộc sống ổn định. Ông Lỳ Nỏ Pó được đánh giá là một người có uy tín trong cộng đồng xã Tri Lễ.
![]() |
Mô hình chăn nuôi hiệu quả của một thành viên HTX trên địa bàn huyện Quế Phong. |
Chia sẻ về những thành tựu trong chăn nuôi trâu, bò, ông Pó cho hay, thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, Liên minh HTX tỉnh, gia đình tôi và nhiều hộ trong bản cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trong chăn thả trâu, bò. Thông qua HTX, các thành viên được tiếp cận các nguồn vốn vay, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm từng bước ổn định kinh tế.
Cũng là một tấm gương thoát nghèo tại địa phương, anh Quang Văn Trung, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Tâm (xã Nậm Giải), cho biết, sau khi vượt qua hàng loạt khó khăn từ trận lũ lịch sử 2007 anh đã quyết định bắt tay vào xây dựng một mô hình chăn nuôi gà bản địa dưới tán rừng quế. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên công việc chăn nuôi của anh Trung gặp khá nhiều trắc trở. Tuy nhiên, anh không từ bỏ mà đã dành thời gian tìm hiểu và kịp thời chuyển hướng đi phù hợp.
“Lúc đầu, tôi thử nghiệm nuôi các giống gà lai nhưng đều thất bại do không phù hợp với khí hậu khắc nghiệt của địa phương. Sau đó, tôi đã chuyển sang nuôi gà bản địa, một giống gà có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh và phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Quế Phong” – anh Trung chia sẻ.
Sau nhiều năm nỗ lực, anh Trung đã xây dựng được một đàn gà bản địa ổn định. Để đảm bảo con giống, người chủ trang trại này tiếp tục đầu tư vào việc mua lò ấp trứng để cung cấp con giống cho các gia đình trong xã. Nhờ đó, mô hình chăn nuôi gà bản địa của gia đình anh Quang Văn Trung được nhân rộng trên địa bàn xã Nậm Giải, giúp nhiều hộ chăn nuôi có thu nhập ổn định.
“Tại địa phương hiện có nhiều trang trại nuôi gà theo hình thức bán thả đồi với số lượng lớn, bình quân từ 700-1.000 con gà. Thức ăn cho gà chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp (ngô, lúa, sắn…) nên chất lượng đảm bảo. Đặc biệt, từ đầu vào đến đầu ra đều có HTX bao tiêu, thị trường chủ yếu là khu vực thị trấn Kim Sơn và vùng phụ cận” – anh Trung nói thêm.
Tính đến nay, HTX này duy trì số lượng gà mái đẻ trên 500 con, cung cấp gần 20.000 con giống và hàng chục nghìn con gà thịt với chất lượng cao ra thị trường, mỗi năm.
Nỗ lực mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm
Với mục tiêu mở rộng thị trường, anh Trung cho biết anh đang đầu tư xây dựng lò giết mổ tại chỗ, cung cấp sản phẩm gà làm sẵn đóng bao hút chân không, nhằm phục vụ cho các nhà hàng và khách từ miền xuôi lên. Việc làm này được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm và tạo việc làm cho các thành viên trong HTX.
Không chỉ chăn nuôi giỏi, thời gian qua trên địa bàn huyện Quế Phong còn nhiều mô hình tổ hợp tác, HTX khác cũng tích cực tham gia trồng trọt, phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương, giúp các hộ gia đình từng bước thoát nghèo.
![]() |
Nuôi gà bản địa giúp gia đình anh Quang Văn Trung từng bước thoát nghèo, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. |
Tại xã biên giới Tri Lễ có gần 500 ha đất trồng lúa. Vài năm trở lại đây, lúa gạo đã trở thành hàng hoá đem lại thu nhập khá cho người nông dân, đặc biệt là giống gạo nếp truyền thống khâu cày nọi và gạo Japonica với đặc tính thơm, ngon, dẻo vượt trội.
Theo ông Vi Hời – đại diện chính quyền xã Tri Lễ, để hướng tới xây dựng thành sản phẩm OCOP, tháng 6/2024, tổ hợp tác Tri Lễ đã phối hợp với UBND xã Tri Lễ tổ chức ra mắt sản phẩm đặc sản gạo thơm Tri Lễ, có bao bì nhãn mác với những thông tin cần thiết.
Đặc biệt, đại diện chính quyền xã, các HTX tại địa phương phụ trách sẽ thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Trong đó, có nhiều HTX đã ứng dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Nhờ vậy, đặc sản gạo thơm Tri Lễ dần được nhiều khách hàng biết đến, đặt hàng số lượng lớn và giá trị kinh tế cũng cao hơn so với việc bán lẻ truyền thống. Hiện giá gạo Japonica dao động từ 23.000 -25.000 đồng/kg; nếp khau cày nọi khoảng 25.000 đồng/kg.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, khá nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất là thành viên của các HTX đã vượt khó vươn lên thoát nghèo. Đây cũng là giải pháp để hình thành các chuỗi sản xuất hàng hoá, giúp nhiều hộ gia đình cùng nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp.
Khẳng định vai trò “bà đỡ” từ liên minh HTX
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, dân số đông với hơn 84,5% dân số sống ở khu vực nông thôn; nhiều vùng nguyên liệu tập trung, hệ thống giao thông thuận lợi, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, trong đó có KTTT, HTX.
Qua thống kê, tính đến hết năm 2024 tổng số HTX đang hoạt động trên toàn tỉnh là 925 hợp tác xã. Trong đó, 545 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả (chiếm 61,4% trên tổng số HTX đang hoạt động).
Trong tổng số 567 sản phẩm tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, có 269 sản phẩm của 166 HTX và tổ hợp tác (chiếm 47,4%); toàn tỉnh có 79 sản phẩm của 77 đơn vị được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, trong đó khu vực KTTT, HTX có 22 sản phẩm của 20 HTX.
Trong thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã rất chủ động, triển khai nhiều hoạt động, lồng ghép các chương trình hỗ trợ, cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, của tỉnh để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các HTX xây dựng được các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời, tập trung tư vấn định hướng mô hình sản xuất, kết nối vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; tổ chức cho các HTX, đơn vị thành viên có sản phẩm, hàng hóa tham gia quảng bá, tìm kiếm thị trường, đối tác tại các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại do Liên minh HTX Việt Nam và các tỉnh tổ chức.
Các HTX, doanh nghiệp, tổ hợp tác, làng nghề trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư các dây chuyền công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, chế biến tạo được nhiều sản phẩm có giá trị và chất lượng, được thị trường trong và ngoại tỉnh từng bước đón nhận.
Ông Nguyễn Bá Châu - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nghệ An chia sẻ: Hoạt động của HTX đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi trình độ sản xuất của người dân, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Thông qua thành lập và hoạt động của HTX đã góp phần khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, lan toả sản phẩm đến với thị trường trong tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài.
Hồng Hương