Do chịu tác động của đại dịch Covid-19 nên chuỗi sản phẩm rau, quả của HTX Nông nghiệp Đạ K’Nàng (Lâm Đồng) bị đứt gãy. Chính vì vậy, từ tháng 6/2021, HTX đã liên kết với một doanh nghiệp trên địa bàn để trồng hoa Cúc trắng đại đóa xuất khẩu sang Hàn Quốc. Sau 90 ngày, thông qua hợp đồng liên kết, HTX đã bán hoa cho doanh nghiệp xuất khẩu với giá cố định 2.800 đồng/cành loại 1, sau khi trừ các khoản chi phí, đã cho nguồn thu hơn 550 triệu đồng/ha.
Đói vốn, khó về giống
Từ kết quả này, đến nay HTX đã mở rộng và duy trì sản xuất theo hợp đồng liên kết, bao tiêu với diện tích 6ha trồng hoa cúc trắng đại đóa xuất khẩu. Diện tích hoa được trồng luân phiên theo lô, thửa để bảo đảm hàng ngày thu hoạch và đóng gói giao cho khách hàng theo hợp đồng.
Có thể thấy mô hình sản xuất như của HTX Đạ K’Nàng đang tận dụng được thế mạnh về điều kiện tự nhiên, khí hậu của Việt Nam trong phát triển ngành trồng hoa và xuất khẩu hoa.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu hoa của Việt Nam đạt 61,8 triệu USD, tăng 27% so với 2020. Trong đó, hoa hồng có mức tăng trưởng mạnh nhất trên 100%. Tiếp đến là hoa ly, cúc, lan hồ điệp tăng trưởng 16% đến 52%.
Tuy tăng trưởng nhưng nhìn chung có thể thấy, xuất khẩu hoa của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn khi mới chỉ đạt vài chục triệu USD/năm. Nguyên nhân của tình trạng này là nghề trồng hoa đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn để bảo đảm chất lượng và hạn chế bị tác động của thời tiết. Tuy nhiên, không ít HTX, doanh nghiệp sản xuất hoa lại đang rơi vào cảnh thiếu vốn.
Tại Việt Nam, mỗi năm sản xuất khoảng 1 tỷ cành hoa cúc nhưng 90% tiêu thụ nội địa. |
Bà Bùi Hường Bích, Giám đốc HTX Đan Hoài (Hà Nội) cho biết để đáp ứng nhu cầu thị trường, mỗi năm HTX cần tăng khoảng 30% công suất vườn hoa theo mô hình công nghệ cao. Điều này tương đương với việc HTX cần 8 - 10 tỷ đồng để phục vụ sản xuất. Thế nhưng trụ sở làm việc của HTX là đất của thành viên nên khi vay vốn, tiếp cận nguồn kinh phí của một số tổ chức tín dụng rất khó vì không có tài sản thế chấp.
Không chỉ thiếu vốn, điểm nghẽn đang cản bước các HTX xuất khẩu hoa chính là nguồn giống. Chia sẻ với VnBusiness, bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền, Giám đốc HTX hoa lan Huyền Thoại (TP HCM) cho biết hiện nay, tuy diện tích sản xuất lên đến 21ha và chủ yếu trồng các dòng hoa lan theo mô hình công nghệ cao nhưng thị trường tiêu thụ của HTX chủ yếu là ở trong nước và mới xuất khẩu qua Campuchia.
Khi được hỏi vì sao chưa tiếp cận các thị trường lớn như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, bà Huyền cho biết còn vướng về nguồn giống nhập từ Thái Lan nhưng chưa được bảo hộ. Lý giải về điều này, bà Huyền cho rằng đến nay Nhà nước chưa có sự đầu tư tương xứng về ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là ở khâu giống.
Cụ thể là việc nghiên cứu, sản xuất các giống hoa ở Việt Nam còn chậm so với các nước khác. Bên cạnh đó, nhiều giống nhập từ nước ngoài dù đã khẳng định cả trên giấy tờ và thực tế nhưng khi đưa về Việt Nam vẫn phải khảo nghiệm, trồng thí điểm trong thời gian dài.
Đó là chưa kể, theo quy định tại Khoản 1, Điều 27 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật và Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT thì bất cứ giống cây trồng nào có xuất xứ từ nước ngoài phải thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại (PRA) trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Để làm được điều này, HTX phải liên hệ với đơn vị đối tác, cơ quan bảo vệ thực vật của nước nhập khẩu giống cung cấp thông tin kỹ thuật đối với các loại giống theo quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BNNPTNT.
Thế nhưng, Nhà nước hiện nay không có kênh thông tin chính thức mang tầm quốc gia về giống hoa đã khiến HTX bị “mù” thông tin cây giống có bản quyền quốc tế. Chính vì vậy, hầu hết các HTX trồng hoa hiện nay hoàn toàn phải tự mò mẫm tìm kiếm thông tin về cách nhập, thời hạn bảo hộ bản quyền, cách thức hoàn trả chi phí bản quyền giống.
“Nếu tự mày mò, việc liên hệ với cơ quan bảo vệ thực vật của nước nhập khẩu giống là rất khó với HTX, và mất nhiều thời gian. Đó là chưa kể đến khó khăn về bất đồng ngôn ngữ nên làm sao để thuyết phục được đối tác cung cấp bản quyền cũng là vấn đề với HTX”, bà Huyền phân tích.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng cục chế biến (Bộ NN&PTNT) phải thừa nhận, công tác khảo nghiệm giống, phân tích nguy cơ dịch hại (PRA) ở Việt Nam mất rất nhiều thời gian, thậm chí kéo dài nhiều năm.
“Có lúc chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp, HTX liên hệ với cơ quan bảo vệ thực vật của nước nhập khẩu giống nhưng ngay phía đối tác nước ngoài cũng phải phàn nàn về thời gian của Việt Nam. Đây cũng là điểm cần tháo gỡ để có thể phát triển đa dạng các giống rau, hoa mới theo yêu cầu của thị trường tiêu thụ các nước”, ông Toản nói.
Tăng giá trị xuất khẩu
Theo thống kê, nhu cầu sử dụng hoa của người dân các nước ngày càng tăng và dự tính quy mô thị trường thế giới mỗi năm có thể đạt 15 tỷ USD. Như vậy, tiềm năng cũng như dư địa để các HTX, doanh nghiệp trồng hoa khai thác thị trường xuất khẩu còn rất lớn.
Tuy nhiên, để tận dụng được điều này, các chuyên gia cho rằng điều đầu tiên là cần tháo gỡ những khó khăn về việc mua giống hoa thương mại có bản quyền.
Muốn làm được điều này, ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng, cho rằng Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng kênh thông tin chính thống về giống hoa để người dân, HTX nắm bắt được thông tin cây giống có bản quyền quốc tế. Có như vậy, việc liên hệ để mua giống thương mại có bản quyền của các HTX, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn, bảo đảm các yêu cầu theo quy định của ngành chức năng và tránh mua phải các giống đã hết thời hạn bảo hộ bản quyền.
Hỗ trợ HTX tiếp cận nguồn vốn để đầu tư công nghệ cao sẽ đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. |
Ông Nguyễn Quốc Toản, cho biết công tác kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với các giống cây trồng nói chung, giống hoa nói riêng còn vướng mắc về thủ tục phân tích nguy cơ dịch hại vì đòi hỏi nhiều giấy tờ rườm rà. Nếu thực hiện các bước này linh hoạt hơn sẽ đem lại khá nhiều lợi ích cho hoa của Việt Nam, giúp giảm tình hình vi phạm bản quyền giống, giúp HTX và doanh nghiệp chủ động sản xuất.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có sự đầu tư tương xứng về ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là ở khâu nghiên cứu các giống mới bởi hiện nay, các giống hoa trong nước không chỉ ít về số lượng mà còn “cũ” nên không được thị trường ưa chuộng. Khi chủ động được nguồn giống trong nước cũng sẽ hạn chế được việc nhập giống không có bản quyền. Các HTX cũng không phải tự nhân giống yếu theo hướng tự phát.
Ông Huỳnh Tấn Thuận, Giám đốc HTX Hoa lan Việt (TP. HCM) đề xuất, Nhà nước cần hỗ trợ HTX vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng công nghệ cao cũng như nghiên cứu chọn tạo khâu giống. Có như vậy, các HTX mới đáp ứng được những tiêu chí, quy định nghiêm ngặt về chất lượng của các nước nhập khẩu.
Chẳng hạn như muốn xuất hoa được sang Nhật Bản, hoa của các HTX, doanh nghiệp cần đáp ứng được khoảng 1.000 chỉ tiêu về chất lượng. Hay muốn xuất hoa sang Australia, hoa Việt phải đáp ứng được tiêu chí về chất metsulfuron methyl trên từng lô hàng…
Huyền Trang