Giống thanh long ruột đỏ LD1 (có tên khoa học Hylocereus undatus and Hylocereus costaricensis) đang được HTX thanh long Vạn Thành (Long An) trồng theo hướng công nghệ cao. Thành viên HTX tự tin với chất lượng quả thanh long nên tìm hướng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, chia sẻ với VnBusiness, Giám đốc Nguyễn Vạn Thành cho biết, HTX hiện không thể xuất khẩu sáng nước này vì vướng quyền bảo hộ giống với Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit - một doanh nghiệp xuất nhập khẩu thanh long trên địa bàn.
"Bít cửa" xuất khẩu
Theo ông Thành, không chỉ thành viên HTX mà các hộ liên kết ở địa phương trồng thanh long ruột đỏ LD1 trên diện tích hơn 10.000ha từ hơn 10 năm nay và giống được mua trực tiếp từ Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam. Thế nhưng, Công ty Hoàng Phát thông báo doanh nghiệp này có bản quyền giống thanh long LD1 mua từ Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam vào năm 2017 nên tất cả các HTX, doanh nghiệp sản xuất thanh long LD1 không thể xuất khẩu vì vi phạm quyền bảo hộ giống cây trồng theo Luật Sở hữu trí tuệ.
“Giống cây do Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam nghiên cứu ra, bán cho dân trồng đại trà từ trước đó thì không được bán lại cho doanh nghiệp hoặc nếu xác định bán cho doanh nghiệp và họ giữ bản quyền thì trước đó Viện không được bán giống cho HTX. Nhưng giờ người dân, HTX trồng đại trà trong thời gian dài rồi mới xảy ra tình trạng này thì làm sao nông dân xuất khẩu được?”, ông Thành bức xúc.
Không chỉ HTX Vạn Thành, HTX Mỹ Tịnh An (Tiền Giang) cũng đang rơi vào cùng cảnh ngộ khi xuất khẩu thanh long chính ngạch. Ông Văn Tấn Phương, Phó Giám đốc HTX cho biết, hiện nay muốn xuất thanh long ruột đỏ sang Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc… thì phải đạt yêu cầu là giống “thanh long ruột đỏ LD1”.
Cần tháo gỡ những vướng mắc từ độc quyền giống để giúp các HTX thanh long xuất khẩu chính ngạch thuận lợi hơn. |
“Nếu không bảo đảm được điều kiện trên, cơ quan hải quan không cho hàng đi vì lý do đã có doanh nghiệp là Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit mua độc quyền giống này rồi”, ông Phương chia sẻ.
Có thể thấy, các thị trường cao cấp như Hàn Quốc, Nhật Bản… đều rất tiềm năng nhưng không ít HTX trồng thanh long ruột đỏ giống LD1 đang gặp khó khăn trong khâu xuất khẩu chính ngạch bởi vấn đề bản quyền giống.
Vì vấn đề này mà nhiều HTX cũng đang khó xin cấp mã vùng trồng. Và nếu không có mã số vùng trồng thì cũng đồng nghĩa với việc HTX không thể xuất khẩu được thanh long, vì các nước nhập khẩu chính ngạch hiện nay đều yêu cầu phải có mã vùng trồng thì mới bảo đảm công tác kiểm dịch...
Ông Trần Quốc Toản, Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Long An cho biết, từ ngày giống thanh long ruột đỏ LD1 bị quyền bảo hộ giống của doanh nghiệp chi phối, việc sản xuất và kinh doanh của các HTX trên địa bàn đã bị ảnh hưởng không nhỏ, nhất là với những HTX chuyên xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... Lúc này, HTX không thể mở rộng thị trường tiêu thụ trong khi vấn đề đầu ra cho trái thanh long sang Trung Quốc 2 năm qua gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài.
Gỡ khó để mở cánh cửa xuất khẩu
Theo ông Trương Quang An, Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An), giống LD1 hiện đã được khá nhiều nhà vườn, HTX sử dụng và hiện diện tích thanh long ruột đỏ chiếm phần lớn ở các địa phương vì được thị trường ưa chuộng và có giá bán cao hơn.
Thống kê của các địa phương cũng cho thấy, thanh long ruột đỏ được trồng trên diện tích lớn. Chẳng hạn như tại Long An, diện tích thanh long ruột đỏ LD1 hiện là 12.000ha, tại Tiền Giang là khoảng 7.000 ha… Chính vì vậy, nếu không tháo gỡ vấn đề bản quyền giống thì cánh cửa xuất khẩu chính ngạch của các HTX sẽ bị đóng lại.
Theo các chuyên gia, việc Viện Cây ăn quả miền Nam bán bản quyền giống LD1 cho Công ty Hoàng Phát sở hữu trí tuệ, bảo hộ giống xét trên vấn đề pháp luật là đúng quy định. Và ngay trong Luật Sở hữu trí tuệ cũng có quy định việc bảo hộ bản quyền, bảo hộ giống cây trồng đối với nông sản Việt Nam là hướng đi tất yếu và rất cần thiết để có thị trường ổn định và nâng cao chất lượng nông sản. Điều này cũng tránh tình trạng sản xuất tràn lan, thiếu kiểm soát đã gây ra rất nhiều hệ lụy, khiến giá cả bấp bênh, thị trường thiếu sự ổn định.
Tuy nhiên, theo các HTX, trước khi giống thanh long LD1 do Viện Cây ăn quả miền Nam nghiên cứu được doanh nghiệp bảo hộ giống thì nông dân, HTX đã trồng giống thanh long này khoảng 10 năm. Nếu cơ quan nghiên cứu này bán ngay ban đầu khi làm giống, rồi làm bảo hộ thì không vấn đề gì. Thế nhưng lâu nay, Viện đã bán giống ra ngoài trồng rất nhiều, sau đó lại bán cho doanh nghiệp bảo hộ giống thì chắc chắn nhiều nông dân, HTX sẽ gặp khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh. Do đó cần có những buổi trao đổi cụ thể để làm rõ vấn đề, giúp nông dân, HTX có những thuận lợi khi xuất khẩu nông sản trong thời gian tới hơn là cứ cứng nhắc xem có đúng luật hay không.
Các HTX cho rằng, vì vấn đề bản quyền nên nông dân, HTX không được hưởng lợi khi tham gia sản xuất thanh long. Chưa kể việc doanh nghiệp mua giống bản quyền nhưng không phổ biến rộng rãi, chưa thực hiện liên kết với các địa phương, HTX để phát triển giống cây này. Điều đó dẫn tới tính trạng khan hiếm giống để sản xuất. Trước tình trạng này, người dân, HTX chỉ còn cách là tự nhân giống để đáp ứng nhu cầu sản xuất và phục vụ thị trường.
Hơn nữa, nhu cầu giống xác nhận thường khá lớn, nhưng thực tế là đơn vị giữ bản quyền không có đủ giống để cung ứng cho nông dân, HTX. Trong khi giá giống thanh long có bản quyền lại khá cao khiến chi phí đầu tư giống quá lớn đối với HTX.
Chính vì vậy, các ngành chức năng cần quan tâm tháo gỡ những khó khăn trong vấn đề bản quyền giống hiện nay nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho HTX, doanh nghiệp sản xuất thanh long, tránh gây thiệt hại cho người dân, HTX.
“Nếu không tháo gỡ được vấn đề này, HTX không những không xuất khẩu được mà còn phải chịu thêm chi phí phạt vì vi phạm bản quyền giống”, Giám đốc HTX thanh long Vạn Thành Nguyễn Vạn Thành nói.
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, vấn đề khúc mắc về quyền bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1 giữa nông dân, HTX với Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit cũng đang được ngành chức năng tỉnh tìm hướng giải quyết nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích cho các bên và bảo đảm giá trị và đầu ra cho loại nông sản chủ lực của địa phương.
Huyền Trang