Băn khoăn muốn tìm giải pháp để "nâng tầm nông sản Việt", ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La nêu một thực tế, đó là, hầu hết hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu tập trung chủ yếu dưới dạng thô, hoặc chỉ qua sơ chế, chưa có các sản phẩm chế biến sâu, có thương hiệu nên giá trị chưa cao.
Ông Thao nêu ví dụ, như với cà phê, người nông dân chỉ mới bán sản phẩm ở dạng nhân, tiền thu về chỉ được một phần, còn hai phần rơi vào các nhà rang xay, chế biến và thương mại.
Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. |
“Vậy xin hỏi, Chính phủ sẽ có giải pháp, chính sách gì để "nâng tầm nông sản Việt" một cách đồng bộ, nhất là việc tập trung xây dựng các thương hiệu nông sản lớn mang thương hiệu Việt hướng đến mục tiêu xuất khẩu 100 tỷ USD trong tương lai không xa?” - Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao nêu câu hỏi.
Bên cạnh đó, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Thaibinh Seed nêu ý kiến, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Chúng ta đã trở thành một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn của thế giới.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Thaibinh Seed băn khoăn về cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp |
Tuy nhiên, theo ông Báo, hiện nay là doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa đủ, mặc dù chúng ta có Nghị định số 210, rồi đến Nghị quyết 57. Do đó, đại diện DN này đã đề xuất 3 vấn đề: Đó là, cơ chế chính sách hiện nay là gì để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, Chính phủ có cơ chế gì để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp? Trong công tác quy hoạch phải gắn liền với phát triển cơ sở hạ tầng như thế nào? Và làm thế nào để người nông dân trở thành doanh nhân?
“Chúng tôi cho rằng cần nhấn mạnh đến việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, hoạt động của các hợp tác xã phải gắn liền với công nghệ, không thể thiếu công nghệ. Vậy cần có chính sách gì từ Nhà nước để thúc đẩy nguồn lực từ nông dân?
Cũng tại Hội nghị, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy kiến nghị Chính phủ cần tăng mức đầu tư cho nông nghiệp giai đoạn tới lên gấp 2 lần giai đoạn 2020-2024. Mức đầu tư này nên ưu tiên phát triển công nghệ trong sản xuất hiện đại và đảm bảo môi trường xanh để phát triển bền vững. Từ bài học thắng lợi nhiều năm qua của ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp, HTX rất cần hệ sinh thái nông nghiệp bền vững để phù hợp với sự phát triển chung của toàn cầu.
Trả lời những câu hỏi trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí cho rằng chế biến sâu cho nông nghiệp chưa được đầu tư mạnh, bản thân ông cũng rất trăn trở về chế biến sâu, chế biến nông sản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024. |
Thủ tướng khẳng định, thương hiệu có vai trò rất quan trọng. Thủ tướng lấy ví dụ, khi nhắc tới cà phê thế giới nghĩ ngay đến Brazil, trong khi giá cao gấp đôi so với cà phê của Việt Nam. Để lan tỏa thương hiệu nông sản, Thủ tướng cho rằng, cần sự vào cuộc của Bộ KH-CN, cơ quan báo chí truyền thông và từ chính người nông dân…
Thủ tướng cũng cho rằng, để có thương hiệu thì phải đầu tư chế biến sâu. Khi sản xuất thì điều đầu tiên phải nắm được thị trường đang cần sản phẩm gì chứ không phải sản phẩm chúng ta đang có. Để thực hiện điều này, Nhà nước và doanh nghiệp phải có trách nhiệm là người nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại và nông dân cũng phải thay đổi tư duy.
Thủ tướng cũng cho biết, đã giao Bộ Ngoại giao thực hiện giao lưu, kết nối với các nước trên thế giới để quảng bá nông sản Việt; ngoài ra giao Bộ Công Thương hàng tháng phải tổ chức các hội nghị kết nối thị trường, từ đó nắm được thị trường cần gì và đưa ra dự báo những năm tới thế nào?
Từ những dự báo này sẽ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành, điều tiết, đưa ra những chỉ đạo kịp thời.
Theo Thủ tướng, liên kết doanh nghiệp với người nông dân và chế biến sâu là 2 khâu đang yếu, cần nỗ lực hơn. Để giải quyết bài toán này, cần có cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp, trong đó, ưu tiên thuế đất, phí lệ phí, ưu đãi tín dụng…
Bên cạnh đó, cần quan tâm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Thủ tướng khẳng định, với một loạt giải pháp, trong đó, Nhà nước giữ vai trò định hướng về quy hoạch, thị trường sẽ thu hút được doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu.
Ngoài ra, cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, từ đó, hỗ trợ về chỉ dẫn địa lý, bao bì, nâng cao giá trị gia tăng; Ngân hàng cùng tham gia, hỗ trợ vốn, điều tiết linh hoạt lãi suất, sẽ thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển.
Thủ tướng nhắc lại, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã tung ra 2 gói tín dụng hàng chục nghìn tỷ để hỗ trợ ngành thủy sản và lâm sản. Nhờ đó, các doanh nghiệp đã được cung cấp thêm vốn để hồi phục sản xuất, mang lại kết quả xuất khẩu như hiện nay.
Theo Thủ tướng, trong đầu tư cho nông nghiệp, do nguồn lực nhà nước có hạn nên phải có thứ tự ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; đồng thời lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển, như thông qua hợp tác công tư.
Tăng đầu tư gấp đôi cho nông nghiệp, nông thôn không có nghĩa là chỉ có đầu tư nhà nước mà phải có cả đầu tư tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết Đảng, Nhà nước xác định thể chế là đột phá của đột phá, trong đó phải sửa Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dứt khoát cắt giảm các thủ tục rườm rà, không cần thiết với tinh thần xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Hồng Hương