Tại hội nghị, bà Vũ Thị Thương Huyền, Giám đốc HTX chè Thịnh An (thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), cho biết phát triển kinh tế tập thể là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước. Nhưng hiện nay, vấn đề tích tụ đất đai quy mô đủ lớn cho HTX còn khó khăn do chưa có cơ chế rõ ràng để HTX, tổ hợp tác đứng ra tích tụ đất đai.
Khó liên kết vì vướng quy hoạch
Bên cạnh đó, dù đã có các quy hoạch theo 3 cấp: cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh nhưng lại thiếu quy hoạch liên vùng, liên tỉnh. Điều này khiến những vùng sản xuất nông nghiệp tương đồng ở hai tỉnh giáp ranh nhưng mỗi tỉnh lại có một quy hoạch khác nhau, từ đó việc hình thành chuỗi sản xuất lớn của các HTX gặp nhiều trở ngại.
Với câu hỏi của bà Vũ Thị Thương Huyền, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đã có quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và tỉnh, nhưng vấn đề là phổ biến quy hoạch thế nào để nông dân hiểu. “Cái này là do phổ biến quy hoạch chưa rõ", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng đối thoại cần có tính hai chiều để các vấn đề được giải quyết triệt để. |
Trực tiếp trả lời câu hỏi của Giám đốc HTX Thịnh An, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương đều mang tính tổng hợp bởi Việt Nam còn có quy hoạch ngành, sản phẩm...
Trên thực tế không chỉ mỗi xã có 1 HTX mà 1 xã có thể có nhiều HTX; 1 HTX lại có thể ở nhiều xã. Chính vì quy mô HTX lớn nên điều kiện phát triển các HTX, phát triển các cây trồng vật nuôi là rất lớn. Xã nhưng không phải một xã, huyện mà không phải chỉ một huyện, mà là liên huyện, liên xã. Do vậy các quy hoạch chính là để chuyên môn hóa các chuỗi liên kết này. Đề nghị các địa phương khi quy hoạch sản xuất phát triển HTX cần phải đặc biệt lưu ý điều này, thay vì trước nay cứ xã tính cho xã, tỉnh tính cho tỉnh làm giới hạn không gian phát triển của HTX, của ngành.
“Cần hiểu rằng khi có vùng nguyên liệu lớn thì ranh giới phát triển nó phải lớn, vai trò liên kết phải được phát huy chứ không thể chỉ bó hẹp trong 1 xã, 1 huyện. Có như vậy mới nâng cao năng lực, quy mô và giúp HTX tạo ra giá trị gia tăng trong sản xuất kinh doanh”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Cũng chia sẻ về vấn đề quy hoạch, ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng quy hoạch là vấn đề quan trọng trong sản xuất của HTX, doanh nghiệp, nông dân.
Các đại biểu lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nông dân, HTX. |
Trong đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW đã mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương.
Cùng với đó, Luật Đất đai năm 2024 đã quy định tổ chức, cá nhân được thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp. Việc tập trung đất nông nghiệp được thực hiện thông qua 3 phương thức: chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa; thuê quyền sử dụng đất; hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.
Đặc biệt, Luật đất đai 2024 nêu rõ, tích tụ đất nông nghiệp thông qua việc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Như vậy, Luật đã mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất. Luật cũng bổ sung quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức giao đất, trường hợp quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế, phải có phương án sử dụng đất trồng lúa và phải được UBND cấp huyện phê duyệt.
Rõ ràng, Luật Đất đai 2024 đã tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thi hành các chính sách về đất nông nghiệp tại Luật Đất đai năm 2013. Đây là tiền đề để các tổ chức cá nhân thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp nhằm khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, làm ra sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng cao, gắn với bảo vệ môi trường…
Vấn đề về quy hoạch, đất đai rất quan trọng đối với nông dân, HTX trong sản xuất kinh doanh. |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng đây là những quy định mới nên người dân, HTX chưa đủ thời gian để nghiên cứu tiếp nhận. Do đó, việc tuyên truyền để người dân, HTX nắm được và áp dụng các quy định của Luật cho việc tích tụ, tập trung đất đai đủ lớn phục vụ sản xuất là hết sức quan trọng.
Còn đối với những vùng giáp ranh, trong Luật Quy hoạch, Luật Đất đai đều đã quy định đầy đủ, nhưng cũng đề nghị chính quyền địa phương khi xây dựng quy hoạch sử dụng đất cũng nêu rõ vấn đề mà người dân, HTX quan tâm, từ đó có định hướng để các khu vực này tạo ra được vùng sản xuất quy mô lớn, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đặc trưng mà vẫn bám theo quy hoạch ngành.
Phát triển vùng nguyên liệu tập trung, gỡ khó về vốn
Tại hội nghị, bà Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa (Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng), cho biết hiện Nghị định 02 của Chính phủ về hỗ trợ rủi ro thiên tai, có quy định mức hỗ trợ tối đã cho 1ha cây trồng bị thiệt hại trên 70% chỉ được 2 triệu đồng, nếu chia bình quân ra chỉ được có 75.000 đồng/sào là còn quá thấp.
"Bên cạnh đó, Chính phủ đã và sẽ có những chỉ đạo gì để các ngân hàng thương mại giãn, hoãn các khoản vay cũ, đồng thời cho vay mới để người nông dân kịp thời khôi phục sản xuất?", bà Gái nêu câu hỏi.
Giám đốc HTX An Hòa kiến nghị những khó khăn về vốn, bảo hiểm nông nghiệp, chính sách hỗ trợ sau thiên tai, dịch bệnh. |
“Hiện việc tiếp cận dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Do đó, rất cần Chính phủ có những chính sách để khắc phục, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên”, bà Hoàng Thị Gái nói thêm.
Còn anh Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nấm Tam Đảo (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phú) cho rằng hiện Bộ NN&PTNT đang thí điểm 5 vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn về cây ăn quả, gỗ rừng trồng, cà phê, lúa gạo… ở 13 tỉnh và bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Vậy, thời gian tới, Chính phủ sẽ có chính sách gì để khuyến khích xây dựng thêm nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho các sản phẩm khác như tôm, cá tra, dược liệu, dâu tằm tơ... Và làm sao để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhập tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản hiện đại gắn với vùng nguyên liệu tập trung?
Trả lời câu hỏi của HTX nấm Tam Đảo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết chỉ có phát triển các vùng nguyên liệu lớn thì mới giải quyết định tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong ngành nông nghiệp.
Do đó, để xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung thì trước tiên cần xem diện tích nguyên liệu của vùng đó đã tập trung chưa. Chỉ có tập trung đất đai, con người trên quy mô lớn thì mới tạo thành chuỗi nguyên liệu ngành hàng.
Giám đốc HTX Tam Đảo mong muốn có chính sách phát triển vùng nguyên liệu tập trung. |
Muốn vậy, phải nâng cao năng lực quản trị, nâng cao vai trò của khuyến nông, phối hợp nông nghiệp với công thương để phát triển cho vùng nguyên liệu tập trung.
Riêng về ngành dâu tằm tơ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nông dân, HTX phải quan tâm đến vấn đề thiết kế, sản xuất, tiến tới lập kế hoạch, gom người, tính toán tài chính sau đó mới kiến nghị Nhà nước hỗ trợ cụ thể thì mới hiệu quả.
Về câu hỏi của Giám đốc HTX An Hòa, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo tổ chức tín dụng có biện pháp khoanh, giãn, hoãn nợ cho nông dân, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại sau bão.
Đặc biệt, Thông tư 53/2024/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão số 3 (bão Yagi)...) đã được ban hành và kịp thời giúp bà con tháo gỡ được các khó khăn trước mắt.
Theo đó, đối tượng được cơ cấu thời hạn trả nợ là các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 trên địa bàn 26 địa phương. Cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét cơ cấu số dư nợ gốc và lãi của khoản cho vay, cho thuê tài chính có số dư nợ gốc phát sinh trước ngày 07/09/2023 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ từ ngày 07/09/2024 đến 31/12/2025.
Số dư nợ được xem xét cơ cấu còn trong hạn hoặc quá hạn không quá 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, trả nợ đã thỏa thuận. Tuy nhiên để hỗ trợ khách hàng có thời gian khắc phục hậu quả sau bão, Thông tư cho phép xem xét cơ cấu lần đầu tiên đối với số dư nợ quá hạn trên 10 ngày trong khoảng thời gian từ ngày 07/9/2024 đến hết 10 ngày kể từ ngày Thông tư có hiệu lực.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2025 và không giới hạn số lần cơ cấu. Ngoài chính sách chung, có chính sách cụ thể như hỗ trợ vốn cho bà con khôi phục, tái sản xuất lại.
“Với các chính sách này, Giám đốc HTX An Hòa và bà con như nuôi thủy sản bị thiệt hại nặng yên tâm. Các hộ dân, doanh nghiệp có phản hồi về vấn đề này tiếp tục ý kiến để chúng tôi tiếp thu, hỗ trợ ngay”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.
Về vấn đề tín dụng nông thôn, ông Đào Minh Tú cho biết dư nợ nhiều, chính sách nhiều nhất trong các lĩnh vực. Đặc biệt, về tam nông, như nghị định 55 năm 2018 có sửa 1 số nội dung. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước rà soát lại, có một số đối tượng chưa phù hợp như nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn cần hưởng chính sách này. Trong thời gian tới, chính sách sẽ được ban hành.
Theo chính sách mới, bà con sẽ được vay vốn vay cao hơn gấp 2,3 lần mà không cần tài sản thế chấp như các chương trình lớn như Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao... sẽ được hưởng chính sách ưu đãi, được hưởng các bảo hiểm nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển kinh tế nông nghiệp
Trước những tâm tư, nguyện vọng của các nông dân, HTX, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị lần này là để tri ân nông dân, HTX làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Bởi nông dân, nông thôn đã đóng góp rất quan trọng trong năm 2024 để cả nước cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp có thành tích rất ấn tượng, xuất nhập khẩu đạt kỷ lục khoảng 62,5 tỷ USD, cao hơn mục tiêu 55 tỷ USD mà Thủ tướng giao. Điều này đã khẳng định vị thế, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự phát triển chung của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nông nghiệp không thể đứng một mình mà phải có cả hệ sinh thái. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng việc lắng nghe, thấu hiểu để giải đáp những khó khăn và có cơ chế chính sách phù hợp trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là điều quan trọng. Trong bối cảnh đất nước đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực năm 2024, năm 2025 cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, mạnh mẽ, tự tin hơn để bước vào kỷ nguyên mới.
Nông dân, HTX, doanh nghiệp phải nắm chắc, bám sát tình hình tình hình thế giới và khu vực, không để bị động, bất ngờ về chiến lược, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng năm 2025 cũng là năm phải tăng tốc, bứt phá để kết thúc thắng lợi nhiệm kỳ Đại hội XIII, ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, nỗ lực của người nông dân cũng phải tăng tốc bứt phá, nhất là khi chúng ta phấn đấu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, cao hơn chỉ tiêu Trung ương, Quốc hội đã đề ra để tạo đà, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số những năm tới.
Về phát triển nông nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Việt Nam đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, với phạm vi rất rộng, bao trùm.
Theo đó, nông nghiệp không thể đứng một mình mà phải có cả hệ sinh thái gồm các ngành nghề khác để cùng phát triển. Ví dụ, cần công nghiệp để công nghiệp hóa nông thôn; nông nghiệp cần doanh nghiệp và các ngành khác cũng cần nông nghiệp. Các ngành, các nghề phải hỗ trợ, hợp tác để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.
Để phát triển hệ sinh thái này thì có rất nhiều việc phải làm, như phải tích tụ đất đai như thế nào để có diện tích đủ lớn; ứng dụng khoa học công nghệ, giúp nông dân nâng cao năng suất lao động; có cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế… Như để phát triển nông nghiệp xanh, giảm phát thải thì phải có hỗ trợ về vốn, thị trường, ưu tiên các giống cây trồng, vật nuôi mới.
Thủ tướng cũng nêu rõ, vừa qua chúng ta đã có các chính sách nhưng "liệu đã đủ mạnh chưa, cấp ủy, chính quyền phải bám sát để biết chính sách đã đi vào thực tế chưa, người nông dân phải tham gia kiểm chứng xem chính sách thực hiện thế nào trong thực tiễn"?.
Thủ tướng lấy ví dụ trong năm 2024, các gói tín dụng cho thủy sản, gỗ đã được triển khai rất tốt; ngay sau bão Yagi, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải xuống ngay Hải Phòng, Quảng Ninh khảo sát thực tế và chỉ mấy ngày sau Chính phủ đã có nghị quyết về chính sách tín dụng, bảo hiểm với nông nghiệp – lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất do bão.
Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dự báo thị trường, công tác quy hoạch để phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng khu vực, từng ngành và tăng cường liên kết vùng. Cụ thể về quy hoạch vùng nguyên liệu, Thủ tướng Phạm Minh Minh Chính cho rằng khu vực nào tốt nhất cho lúa, cho cây ăn quả, ngô khoai sắn… thì cần tập trung, từ đó tạo ra sự cộng hưởng trong phát triển ngành nông nghiệp.
H.Trang