Vụ vải thiều năm 2022 là năm thứ 2 HTX Nông nghiệp Thanh Hải, (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) được cấp mã số vùng trồng cho 10 ha sản xuất vải theo tiêu chuẩn hữu cơ để vừa rộng cửa tiêu thụ trong nước, vừa có “giấy thông hành” xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản.
Giá trị kinh tế tăng
Ông Vương Văn Lợi, Phó Giám đốc HTX Thanh Hải, cho biết trồng vải theo hướng hữu cơ mang lại lợi ích kép về kinh tế và môi trường. 16 thành viên HTX không còn bị ám ảnh bởi thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, đồng thời được cam kết bao tiêu đầu ra, đảm bảo thu nhập.
“Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ giúp vải thiều quả to, đẹp, hương vị thơm ngon, ngọt hơn. Tỷ lệ quả rụng thấp, tươi lâu, năng suất tăng 10 - 30%, lại không lo “được mùa mất giá” nhờ được doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu”, ông Lợi hồ hởi nói.
Cụ thể, HTX hiện có gần 100 ha vải thiều chất lượng cao, trong đó 10 ha được cấp mã số vùng trồng được doanh nghiệp bao tiêu 100% đưa đi Nhật Bản với giá bình quân trên 35.000 đồng/kg. 90 ha còn lại được hỗ trợ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nhờ làm tốt công tác tiêu thụ, đảm bảo giá bán cao, 100% thành viên HTX Thanh Hải hiện có kinh tế khá giả. Nhiều hộ là triệu phú với nhà cao tầng, xe hơi. HTX cũng góp phần tạo việc làm cho hàng chục lao động thời vụ, đóng góp vào quá trình xây dựng kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
“Để HTX ngày càng phát triển ổn định, chúng tôi rất cần sự quan tâm của địa phương bằng việc hỗ trợ bao bì, tem nhãn, với hình thức đẹp mắt, phù hợp để sản phẩm có chỗ đứng vững trên thị trường. Đặc biệt là hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin sản phẩm”, ông Lợi kiến nghị.
Sản xuất hữu cơ là chìa khóa giúp HTX giảm chi phí, tránh tác động của 'bão giá' phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. |
Tương tự, ông Phạm Văn Lơ, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nhãn Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) cho biết HTX hiện có 29 thành viên, với diện tích canh tác nhãn hơn 22,5 ha. Hơn 2/3 là giống nhãn ido, một giống nhãn chất lượng cao, có thể xử lý cho ra trái rải vụ quanh năm.
Kể từ năm 2019 đến nay, các thành viên HTX đã thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn. Trong bối cảnh vật giá leo thang, HTX đã tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học vừa tiết kiệm, vừa mang lại hiệu quả cao.
“Nếu đảm bảo tốt các quy trình sản xuất theo hướng an toàn và giảm phân bón hóa học, thành viên HTX có thể giảm hơn 20% chi phí đầu vào. Nhờ canh tác hữu cơ, HTX đảm bảo mức lợi nhuận trên dưới 200 triệu đồng/ha/vụ, tăng 10 - 15% so với cách sản xuất thông thường theo truyền thống”, Giám đốc HTX Phạm Văn Lơ chia sẻ.
Cần thêm “điểm tựa”
Có thể thấy, nông sản an toàn theo hướng hữu cơ đang là xu hướng toàn cầu, không chỉ dần chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng trong nước mà các sản phẩm này cũng đã và đang dần khẳng định vị thế của ngành nông nghiệp Việt Nam trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Đặc biệt, sự tham gia và thành công của nhiều HTX với phương thức sản xuất mới, đang làm thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết, định hướng thị trường, chạy theo số lượng thay vì chất lượng như bấy lâu nay của nông dân tại không ít địa phương.
Lợi ích là rất lớn, tuy nhiên việc chuyển đổi từ sản xuất cũ sang hữu cơ là không dễ. Đơn cử, theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) Nguyễn Ngọc Luân, HTX đã làm thí điểm mô hình tiêu hữu cơ, làm ra hạt tiêu sọ đạt chuẩn xuất khẩu đi châu Âu.
Tuy nhiên, theo ông Luân: “HTX vẫn khó mở rộng quy mô đầu tư dù thị trường xuất khẩu còn giàu tiềm năng cho cả hạt tiêu thường lẫn sản phẩm hữu cơ. Nguyên nhân do HTX vẫn khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ dành cho dự án cánh đồng lớn cũng như cho chương trình sản xuất hữu cơ”.
Cũng ở Đồng Nai, Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn Nguyễn Thế Bảo chia sẻ, trái xoài của HTX đạt chuẩn VietGAP tuy có ý nghĩa giúp HTX xây dựng uy tín về chất lượng sản phẩm, có giá tốt khi bán được vào các kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, nhưng thương lái thu mua thì các HTX buộc phải bán như giá hàng thường.
“Giai đoạn khó khăn này không dễ vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi theo hướng sản xuất mới. Nông dân cũng chỉ mạnh dạn chuyển đổi khi thực sự có đơn vị uy tín tham gia đầu tư, bao tiêu sản phẩm hữu cơ với cam kết người nông dân được đảm bảo về lợi nhuận”, ông Bảo nói thêm.
Những khó khăn hiện tại đòi hỏi cần có thêm sự đồng hành của địa phương, các cơ quan chức năng với các chính sách, cơ chế hỗ trợ thiết thực hơn về vốn vay, đất đại, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực… giúp HTX, doanh nghiệp tiếp cận nông nghiệp hữu cơ, tạo đà làm giàu bền vững cho nông dân.
Hồi đầu tháng 6/2022, khi những vấn đề về nông nghiệp được đưa lên nghị trường quốc hội, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng đây là thời điểm nông dân cần chuyển đổi tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ và chuyển sang sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ, thuốc bảo vệ sinh học vào sản xuất, để tiết kiệm chi phí khoảng 30-40%.
"Mọi sự thay đổi đều khó khăn. Chúng ta cân nhắc quá nhiều giá phải trả cho sự thay đổi, nhưng lại ít cân nhắc cái giá phải trả cho sự không thay đổi. Xu thế tất yếu phải chuyển từ mô hình sản xuất truyền thống sang sản xuất xanh, sinh thái, không làm tổn hại môi trường. Chúng ta phải thay đổi", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Nhật Minh