Vẫn có những đánh giá cho rằng mô hình HTX hiện nay hoạt động chưa hiệu quả. Nhất là nhiều người dân muốn tham gia HTX phải đóng phí nên tạo ra sự e ngại, khó thu hút nông hộ tham gia mô hình này.
Tăng quyền lợi cho nông dân khi vào HTX
Cả nước hiện nay có khoảng 33.000 HTX, và có khoảng 70% số HTX hoạt động hiệu quả. Tức là còn khoảng 30% số HTX hoạt động chưa hiệu quả.
Rõ ràng vẫn có những HTX ở Việt Nam chưa hoạt động hiệu quả. Nhưng hiện nay, một số thị trường nhập khẩu hàng hóa, nông sản từ Việt Nam, chẳng hạn như châu Âu lại không quá quan tâm đến điều này. Thay vào đó, điều mà thị trường này quan tâm đó chính là muốn xuất khẩu hàng hóa hữu cơ sang đây, nhóm nông dân phải có pháp nhân để tăng tính minh bạch.
Mục đích của châu Âu là hướng đến tăng diện tích hữu cơ lên 25% vào năm 2023. Điều này theo các chuyên gia, đồng nghĩa với việc châu Âu muốn tăng sản phẩm hữu cơ trên thị trường, từ đó đi liền với hoạt động marketing về sản phẩm hữu cơ cần phát triển để người dùng hướng đến sử dụng sản phẩm hữu cơ nhiều hơn.
Ông Lê Quý Hòa Bình, Trưởng Bộ Phận Chứng Nhận Nông Nghiệp tại Control Union, cho biết với mục tiêu trên của châu Âu, trong một siêu thị thì ¼ hàng hóa trong siêu thị phải là hữu cơ. Do đó, họ mong muốn vấn đề minh bạch, rõ ràng để tăng niềm tin của người tiêu dùng.
|
Nông dân tham gia HTX sẽ chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh. |
Một điều quan trọng là khi nhóm nông dân có pháp nhân thông qua HTX sẽ tăng quyền lợi của chính họ. Trước đó, nhóm nông dân nếu bán nông sản cho công ty khác thì không được công nhận là sản phẩm hữu cơ. Điều này khiến nhóm nông dân bị kìm hãm dưới đơn vị thu mua, chế biến.
Nhưng nay thông qua HTX, họ có thể có chứng nhận, có quyền bán nông sản cho nhiều doanh nghiệp và tự xuất khẩu. Đó chính là tính lâu dài và chủ động của nhóm nông dân sau khi có tư cách pháp nhân thông qua mô hình HTX.
Ngược lại, châu Âu yêu cầu nhóm nông dân phải có pháp nhân để chịu trách nhiệm với những gì mình làm. Ông Trần Quốc Lộc, Giám đốc HTX dịch vụ tôm Chứng Nhận (Cà Mau), cho biết HTX khi bán nông sản cho đơn vị chế biến phải có hóa đơn đỏ, đồng nghĩa HTX phải chịu trách nhiệm với hàng hóa của mình. HTX hoạt động cũng liên quan đến thuế, kiểm toán, từ đó tăng độ minh bạch cho quá trình sản xuất, xuất khẩu.
Ngay cả vấn đề vật tư đầu vào ra sao, sử dụng như thế nào, HTX khi nhập của doanh nghiệp bán vật tư cũng đều phải có hóa đơn, có cam kết không sử dụng hóa chất, biến đổi gen trong quá trình tạo ra vật tư đầu vào của doanh nghiệp.
Trong khi trước đó, vấn đề gian lận vẫn có thể xảy ra nếu nông dân tự làm việc với công ty. Bởi công ty mua nông sản của nông dân thường chỉ xuất hóa đơn viết tay, tạo ra sự mập mờ, khó kiểm soát hàng hóa vì doanh nghiệp có thể mua thêm hàng hóa từ bên ngoài.
Nhưng hiện nông dân vào HTX, HTX sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này, từ đó tăng niềm tin của người tiêu dùng châu Âu khi nhập khẩu nông sản, hàng hóa hữu cơ từ Việt Nam.
Theo ông Lê Quý Hòa Bình, việc châu Âu quy định nhóm nông hộ phải có tư cách pháp nhân, cụ thể là tham gia HTX thực chất cũng gây ra những phản đối từ không ít tổ chức vì trên thế giới không phải nước nào cũng phát triển mô hình HTX và có Luật HTX. Nhưng phía châu Âu cũng trả lời rằng nước nào không có Luật HTX thì rõ ràng không bán được hàng hữu cơ sang châu Âu.
“Đến nay, đơn vị của chúng tôi đã chứng nhận cho 45 HTX theo quy định hữu cơ châu Âu mới. Điều này cho thấy HTX hoàn toàn có thể làm những điều giống như doanh nghiệp đang làm. Và dự báo số lượng HTX đạt chứng nhận hữu cơ sẽ tăng lên vì rất nhiều HTX biết nắm bắt nhu cầu thế giới để phát triển sản xuất”, ông Lê Quý Hoà Bình cho biết.
Khẳng định bản chất mô hình HTX
Đặc biệt, Luật HTX năm 2023 có hiệu lực từ 1/7/2024 đã quy định ngoài thành viên chính thức (phải góp vốn) thì pháp luật vẫn cho phép HTX có cả thành viên HTX liên kết. Tức là những thành viên này không đóng phí nhưng vẫn có thể tham gia sản xuất, kinh doanh theo mô hình HTX.
Như vậy cho thấy, Nhà nước đang khuyến khích nông dân liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế tập thể, HTX. Điều này cũng là hướng đi trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững mà nhiều nước trên thế giới đã và đang ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn.
Việc Việt Nam đang có đến 33.000 HTX cũng chứng tỏ thế mạnh của nước ta trong phát triển ngành nông nghiệp bền vững, đa giá trị.
“Bản chất tối ưu của mô hình HTX đã rõ vì chứa đựng rất nhiều ưu điểm và phù hợp với nhiều quy định kinh doanh của một số thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới. Còn HTX đó hoạt động hiệu quả hay không thì còn liên quan đến nhiều yếu tố khác như: khung khổ pháp luật, cách quản lý, nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận cơ chế…”, ông Lê Quý Hòa Bình cho biết.
Đặc biệt với sự ra đời của Luật HTX 2023 và một số chính sách về phát triển nông nghiệp nông thôn, người dân cũng “dễ chịu” hơn khi vào HTX.
Ngay như HTX trồng lúa, nếu 1 người không mua được máy móc vì chi phí ban đầu bỏ ra rất cao, nhưng nhiều người liên kết lại thành HTX thì có thể giải quyết được khó khăn này.
Huyền Trang