Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La), cho rằng phần lớn nông sản của Việt Nam tiêu thụ và xuất khẩu hiện vẫn ở dạng thô, chưa có các sản phẩm chế biến sâu. Đó là nguyên nhân khiến ngành nông nghiệp chưa thể xây dựng được thương hiệu và chưa tạo ra giá trị gia tăng.
Lực cản đầu tư cho sản xuất
Còn bà Võ Thị Hạnh Dung, Giám đốc HTX Thực phẩm xanh 43 Foods (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), cho biết thời gian gần đây, nguồn thủy sản ở nhiều ngư trường đang bị suy giảm. Ngành thủy sản nước ta cũng đang bị ảnh hưởng bởi việc EC rút thẻ vàng IUU. Do đó, rất mong Chính phủ có giải pháp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các ngư trường và khắc phục thẻ vàng IUU. Có như vậy như dân, HTX mới đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào để chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Rõ ràng, nhiều HTX đang mong muốn hướng đến phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng từ sản phẩm nông nghiệp. Nhưng trong quá trình sản xuất kinh doanh, thậm chí đầu tư cho chế biến sâu, không ít HTX đang gặp những khó khăn cả trong nội tại và khó khăn khách quan khiến quá trình phát triển bền vững bị gián đoạn. Trong khi nội lực về tài chính, nhận lực của các HTX cũng có hạn.
Chia sẻ bên ngoài hội nghị, anh Lê Minh Trung, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (Tây Ninh) cho biết vấn đề đầu tư công nghệ vào chế biến quả mãng cầu đang gặp một thực tế là HTX đã làm việc với một số viện, trường thì hiện chưa có công nghệ nào phù hợp, tối ưu để chế biến quả mãng cầu.
Đầu tư công nghệ, máy móc vào chế biến sâu là mong muốn của nhiều HTX nhằm hướng đến phát triển bền vững. |
HTX cũng đã làm việc được với một đơn vị trong ứng dụng công nghệ để tăng thời gian bảo quản mãng cầu lên 7 ngày nhưng đi liền với đó, số tiền bỏ ra là hàng tỷ đồng. Điều này khiến HTX hết sức đắn đo vì số tiền bỏ ra rất lớn trong khi thời gian bảo quản chỉ kéo dài được có 7 ngày là chưa tối ưu. “Nếu tăng thời gian bảo quản lên 20-30 ngày thì mới thuận lợi cho xuất khẩu và HTX cũng sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để đầu tư cho công nghệ”, anh Lê Minh Trung nói.
Về phía HTX cũng đang gặp không ít nút thắt, trong khi để thúc đẩy đầu tư chế biến sâu, phát triển bền vững, doanh nghiệp được coi là đầu kéo quan trọng trong thúc đẩy, hỗ trợ các HTX trong ứng dụng công nghệ, máy móc, gỡ khó những khó khăn về vốn. Vậy nhưng hiện nay, theo thống kê, số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào ngành nông nghiệp còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 1,3% tổng số doanh nghiệp trên cả nước hiện nay.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Thaibinh Seed chia sẻ, hiện Nhà nước đã có một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư và liên kết với HTX. Do đó, vấn đề đầu tư chế biến sâu, xây dựng thương hiệu cho ngành nông nghiệp vẫn bị bỏ ngỏ.
Chế biến sâu đi liền với xây dựng thương hiệu
Rõ ràng hai nhân tố quan trọng nhất trong phát triển chuỗi giá trị hàng hóa, đưa nông nghiệp phát triển bền vững đều đang gặp khó khăn trong việc đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Trước thực tế này, các chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng, Nhà nước cần có thêm những chương trình khuyến khích HTX, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mang tính dẫn dắt nhằm tạo động lực lan tỏa rộng rãi khi những chương trình này hoạt động hiệu quả.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An dẫn chứng, trong rừng cao su hiện nay sau thu hoạch, cành vụn rất nhiều nhưng chưa có ai đầu tư máy móc để thu gom, băm vụn gây lãng phí rất lớn và ô nhiễm môi trường.
Còn theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, ngành nông nghiệp là trụ đỡ của cả nền kinh tế nhưng mức đầu tư cho nông nghiệp vẫn còn rất hạn chế, mới đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu. Do đó, Chính phủ cần tăng mức đầu tư cho nông nghiệp giai đoạn tới lên gấp 2 lần và nên ưu tiên phát triển công nghệ trong sản xuất hiện đại, đảm bảo môi trường xanh để phát triển bền vững.
Chia sẻ tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chế biến sâu có vai trò quan trọng trong nâng cao giá trị giá gia tăng nhưng hiện chưa được đầu tư mạnh.
Theo Thủ tướng, muốn phát triển sản xuất nông nghiệp thì phải phải xây dựng thương hiệu. Cùng với xây dựng thương hiệu, phải quan tâm đầu tư chế biến sâu. Muốn vậy, phải nghiên cứu thị trường, tâm lý khách hàng, xem nhu cầu của người tiêu dùng như thế nào, phải bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có.
“Việc này Chính phủ, các bộ ngành, cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp phải làm, định hướng cho người nông dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và cho biết thời gian gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan đẩy mạnh tìm hiểu, dự báo thị trường, kết nối thị trường. Việt Nam đang có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tôm, gạo, cá tra, cà phê… thì phải dự báo thị trường để có chính sách điều tiết, xác định các mặt hàng cần tập trung phát triển.
Đặc biệt, hai khâu yếu là nghiên cứu thị trường và chế biến sâu phải tập trung hơn. Phải có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, như chính sách đất đai, thuế, lệ phí, ưu đãi tín dụng, đào tạo nhân lực…Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết phát triển chuỗi thông qua liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, các HTX. Đi cùng với đó là cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng để hạn chế rủi ro, nâng cao giá trị hàng hóa.
Huyền Trang